Từng học tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (1987-1988), họa sĩ người Pháp Jean-Charles Sarrazin đã dành tình yêu đặc biệt cho đất nước hình chữ “S” bằng những sáng tác sách tranh dành cho trẻ em Việt Nam. Hiện Jean là tác giả và họa sĩ minh họa cho truyện tranh trẻ em, họa sĩ của Nhà xuất bản Ecole des Loisirs (Pháp).
Với nhiều năm kinh nghiệm làm họa sĩ sáng tác và minh họa những câu chuyện dành cho trẻ em, Jean cho biết, truyện tranh đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc hình thành tính cách của trẻ em vì nó kích thích trí tò mò và nuôi dưỡng những giấc mơ của trẻ em, khi lật giở từng trang sách theo từng cốt truyện và hiểu được các hình vẽ, chúng có thể tự tìm thấy vị trí của mình trong mỗi nhân vật. Cách sáng tác này của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin được thể hiện rõ qua ba tác phẩm “Vì con yêu mẹ”, “Hạt mầm tình yêu” và “Cái gì đây” do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam dịch và xuất bản sang tiếng Việt. Đó là những câu chuyện nhỏ được minh họa đầy xúc động, đáng yêu về tình mẫu tử, đôi lúc lại thật hóm hỉnh khi đưa ra một cách giải thích đầy thú vị cho trẻ nhỏ về sự hình thành của các em bé, lúc lại bất ngờ khi đề cập đến trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ.

Họa sĩ truyện tranh Jean-Charles Sarrazin là tác giả và họa sĩ minh họa của Nhà xuất bản Ecole des Loisirs
nhưng trong thời gian 1987-1988, ông đã từng học tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam.

Họa sĩ truyện tranh Jean-Charles Sarrazin vẽ và tô màu nhân vật con hổ
trong tác phẩm truyện tranh của ông lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Việt Nam “Trí khôn của ta đây”.

Một nhóm các em học sinh diễn lại hoạt cảnh trong câu chuyện cổ tích Việt Nam
“Trí khôn của ta đây” và sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ diễn.

Trong những ngày trở lại Việt nam vừa qua, họa sĩ truyện tranh Jean-Charles Sarrazin đã có những buổi giao lưu,
hướng dẫn về mỹ thuật trong tranh truyện với các em nhỏ mê Pháp ngữ của Việt Nam.

Trong thời gian ở Việt Nam, những lúc rảnh rỗi, ông thường đi dạo quanh đường phố Hà Nội
và vẽ lại những gì bắt gặp trên đường.

Những nét vẽ rất nhanh nhưng hết sức chân thật và sống động của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin.

Người dân Hà Nội tỏ ra rất ngạc nhiên và thú vị khi xem lại bức tranh của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin vẽ về mình.

Họa sĩ Jean-Charles Sarrazin trả lời báo chí trong dịp trở lại Việt Nam ở Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. |
Trong sáng tác của Jean ít nhiều cũng mang chút ảnh hưởng của nghệ thuật Việt Nam, như tranh khắc gỗ, tranh sơn mài, tranh lụa …. đó là những điều ông tìm hiểu được khi học tập tại Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách mới nhất của ông được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” của Việt Nam. Ông lấy lại câu chuyện giữa con trâu và con hổ trong câu chuyện, tuy nhiên lại thay đổi vị trí của chủ con trâu là người lớn thành một cậu bé trong cuốn sách của mình để trẻ em khi đọc sẽ dễ tưởng tượng đúng lứa tuổi của mình. Qua lời thoại trong truyện giữa chú bé khi đổi trí khôn của con người để con hổ trả lại tự do cho con trâu, họa sĩ Jean-Charles Sarrazin muốn gửi đến thông điệp là ai cũng thông minh theo cách của riêng mình, chỉ cần biết vận dụng một cách đúng đắn. Và đây cũng là mục tiêu trong mỗi sáng tác của ông để giúp trẻ em hình thành tính cách của chúng ngay từ nhỏ. “Tôi thấy rất vui khi cuốn sách này được trẻ em Việt Nam yêu thích và đặc biệt là khi ngồi xem các em học sinh diễn lại thành vở kịch”, ông chia sẻ.
Năm 1987 sau cơ duyên gặp Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch của Việt Nam bấy giờ là nhà thơ Cù Huy Cận, họa sĩ Jean-Charles Sarrazin được chính phủ Pháp cấp học bổng sang học tại Việt Nam, đây cũng là học bổng đầu tiên của chính phủ Pháp cấp cho sinh viên người Pháp sang Việt Nam học sau khi chiến tranh kết thúc. Trong quá trình học mỹ thuật tại Việt Nam, họa sĩ Jean-Charles Sarrazin không gặp mấy khó khăn, bởi theo cảm nhận ông, mỹ thuật Việt Nam tuy có nhiều cảm hứng theo nền hội họa châu Á nhưng cũng chịu ảnh hưởng của một số nhà hội họa phương Tây như Pablo Picaso, Henri Matisse.
Mặc dù thời gian học tại Việt Nam chỉ có một năm, nhưng họa sĩ Jean-Charles Sarrazin đã có cơ hội gặp một số họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Bửu Chi… Ngoài ra, ông cũng có những chuyến đi thực tế đến vùng nông thôn của Việt Nam, tới thăm một số đền chùa, tham dự lễ hội của Việt Nam để chụp ảnh và vẽ lại cùng các bạn học của mình. Điểm đến ấn tượng với ông nhất là Mai Châu (Hòa Bình) với cảnh sắc vùng quê thanh bình, thưởng thức các món ăn dân tộc và nghỉ ngơi tại nhà sàn của bà con dân tộc Mường nơi đây.
Hiện tại, họa sĩ Jean-Charles Sarrazin làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xuất bản dành cho thiếu nhi, và tác phẩm của ông chủ yếu được xuất bản tại các nhà xuất bản l’Ecole des Loisirs và Bayard. Suốt nhiều năm qua, ông vẫn thường xuyên liên hệ với ông Nguyễn Thụ- nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để phát triển một số chương trình hợp tác giữa các trường đại học Paris và Hà Nội.
Nói về cảm xúc của mình sau 30 năm mới quay lại Việt Nam bên cạnh những bức ảnh kỷ niệm về Việt Nam được ông chụp trong thời gian 1987-1988, họa sĩ Jean-Charles Sarrazin vui vẻ chia sẻ: “Cuộc sống giờ hối hả hơn, chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn nhưng con người Việt Nam vẫn thế. Hành trình với Việt Nam của tôi vẫn tiếp tục, xin cảm ơn vì tất cả những điều tốt đẹp mà Việt Nam đã mang tới cho tôi”./.





Một số bức tranh vẽ về các nhân vật truyện tranh nổi tiếng của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin
được trưng bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội trong những ngày ông đến thăm Việt Nam.
\






Những bức phác họa nhanh của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin về những nét sinh hoạt của người dân Hà Nội
những năm 1987 – 1988, thời gian này ông đang theo học tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam.




Những bức ảnh đen trắng về những chiếc tàu điện “leng keng” ở Hà Nội những năm 80
do họa sĩ Jean-Charles Sarrazin chụp lại trong thời gian sinh sống và học tập tại Việt Nam.

Một bức ảnh đen trắng của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin chụp trong dịp Tết Nguyên đán năm 1988 tại Hà Nội.

Những chiếc xích lô của Hà Nội cũng là nguồn cảm hứng trong tranh, ảnh của họa sĩ Jean-Charles Sarrazin. |
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Công Đạt
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hoa-si-truyen-tranh-jean-charles-sarrazin-153359.html