Nghệ thuật

Họa hình cho chữ

Chữ Hán và chữ Nôm (dân gian quen gọi chung là chữ Nho) vốn là thứ chữ tượng hình, tức hình dạng của chữ viết được tạo ra dựa trên sự mô phỏng lại hình dạng của sự vật tự nhiên. Dựa trên đặc tính đó cùng với các thủ pháp của nghệ thuật hội họa, họa sĩ Đặng Hoài Nam đã “giải mã” các con chữ Hán và Nôm trở thành những hình ảnh sinh động
Bên chồng bản thảo dày cộm, ố màu và “đứa con tinh thần” mới được xuất bản còn thơm mùi mực, lão họa sĩ Đặng Hoài Nam năm nay đã 81 tuổi say sưa nói về niềm đam mê của đời mình. Và thành quả của niềm đam mê ấy chính là công trình ngôn ngữ “Giải mã Hán Việt Nôm - Theo phương pháp họa tự” mà ông đã dày công nghiên cứu suốt gần nửa thế kỉ qua.
 

Chân dung họa sĩ Đặng Hoài Nam tháng 9/2010.

Dù tuổi cao nhưng họa sĩ Đặng Hoài Nam vẫn say sưa nghiên cứu Hán tự trong các ngôi chùa cổ.

Họa sĩ Đặng Hoài Nam vẽ lại các hình cổ, sau đó viết lại thành chữ Hán và phiên âm sang tiếng Việt.

Những ký tự cổ được họa sĩ vẽ lại, sau đó dịch sang Hán Việt Nôm, trải qua nhiều năm tháng bây giờ đã bị ố màu và mối mọt.

Những ký tự cổ (hình thù các con vật) được họa sĩ Đặng Hoài Nam vẽ lại
sau đó so sánh với các chữ Hán và phiên âm sang tiếng Việt.

Những ký tự cổ được họa sĩ Đặng Hoài Nam vẽ lại sau đó so sánh với các từ Hán và phiên âm sang tiếng Việt.

Một trang sách trong tác phẩm “Giải mã Hán Việt Nôm - Theo phương pháp họa tự (chiết tự và phép biến trong chữ Nho)
với 17 phép biến chánh và trên 310 hình và thức khác nhau” của họa sĩ Đặng Hoài Nam.

Tác phẩm “Giải mã Hán Việt Nôm - Theo phương pháp họa tự (chiết tự và phép biến trong chữ Nho)
với 17 phép biến chánh và trên 310 hình và thức khác nhau” của họa sĩ Đặng Hoài Nam.

Năm 1964, họa sĩ Đặng Hoài Nam gặp một thầy tu rất giỏi Nho học, có biệt tài châm cứu lại có lòng nhân đức. Ông xin theo học và được thầy chấp nhận với điều kiện phải đọc hết cả một chồng sách chữ Nho. Với vô số kí tự khó nhớ, người họa sĩ từng theo học trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương - Sài Gòn đã nảy ra ý định giải mã chữ Nho theo phương pháp họa tự, tức vẽ hình cho chữ. Ông cắt nghĩa: “Họa là vẽ, tự là chữ. Họa tự là vẽ chữ. Chữ Nho là chữ tượng hình. Ngôn ngữ của tượng hình là ngôn ngữ của hội họa. Vì vậy, việc dùng hội họa để giải mã chữ Nho là có thể làm được”. Hơn nửa đời người mải miết với niềm đam mê lớn, công trình “Giải mã Hán Việt Nôm” của ông giờ đây đã có tất cả 30 tập với trên 6.000 hình được vẽ từ 8.000 chữ Hán cơ bản. Riêng 5 tập đầu ông tập trung phân tích các đường nét vẽ của chữ từ đó góp phần và việc “giải mã” những nghĩa có nguồn gốc phức tạp của chữ Hán sang tiếng Việt.
Trong lời tựa của cuốn sách “Giải mã Hán Việt Nôm - Theo phương pháp họa tự”, nhà văn, dịch giả Nguyên Hương cho rằng: “Sự bền chí nghiên cứu một thứ ngôn ngữ khó học và phức tạp như chữ Hán mà tác giả kiên trì theo đuổi hơn ba thập niên, nay mới có dịp trình bày trước công chúng đủ để chúng ta hoan nghênh, thán phục”. Họa sĩ Đặng Hoài Nam cho biết, ông từng có ý định học chữ Nho để làm lương y cứu người nhưng không thành. Giờ đây, ông hi vọng việc nghiên cứu công trình trên sẽ giúp ích phần nào cho việc khôi phục cũng như bảo tồn vốn ngôn ngữ cổ của dân tộc, từ đó góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt; Ảnh: Lê Minh

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hoa-hinh-cho-chu-20390.html


top