Thể thao

Hiểm hóc với binh khí song cự

Song cự là món binh khí cổ xưa mà hiện nay rất ít người biết và sử dụng được thuần thục. Cặp binh khí nhỏ nhắn này có hình dáng cong cong, đầu nhọn như chiếc cựa gà, rất phù hợp với lối đánh cận chiến, áp sát, như chú gà chọi dùng cặp cựa tung những đòn hiểm hóc tấn công vào những yếu huyệt của đối phương.
Song cự thường làm bằng thép hoặc nhôm, mỗi cặp cự thường có kích thước và cấu tạo linh hoạt dựa vào kích thước tay cầm của người sử dụng. Phần cuối chuôi của song cự có thiết kế một lỗ tròn nhỏ để xỏ vừa ngón trỏ vào như người ta mang cựa vào cho con gà chọi. Phần lưỡi song cự được làm sắt bén cả hai mặt lưỡi, có độ cong và độ dài vừa phải để tránh bị sát thương vào chính cổ tay của người cầm khi sử dụng động tác xoay cự.

Được biết, xưa kia, binh khí này dùng cho những người thợ rừng mang theo khi đi vào chốn rừng sâu, nhằm phòng ngừa thú rừng, cắt dây và chướng ngại vật trên đường đi. Tuy nhiên, việc luyện tập thuần thục món binh khí này cũng không hề đơn giản. Trước hết, cần tập luyện bộ pháp phải thật vững chắc, nhanh nhẹn, sau đó rèn luyện tới khả năng đổi dao qua lại giữa hai tay. Khi thuần thục cách đổi dao rồi mới chuyển sang tập đổi song cự. Rèn luyện khả năng lăn cự, xoay cự được xem là một kỹ thuật khó của bài Song cự, bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ người tập có thể tự cắt trúng gân tay của mình.



Cấu tạo của binh khí song cự.


Cách cầm cơ bản đối với binh khí song cự.


Động tác chào bái tổ, khởi thế trong bài Song cự.


Động tác móc của song cự vào phần trên và giữa người đối thủ.


Động tác “liên hoa” yểm phục tiếp theo những thế đánh hiểm hóc.


Một thế “Bình hạc thủ” trong bài Song cự.


Động tác trong thế “Sơn đả triều lưu”.


Thế “lạc mã câu” trong bài Song cự.


Một cự tấn công vào thượng bộ, một cự phòng thủ yếm phục những đòn thế tấn công liên hoàn phía sau.


Động tác lăn (xoay) cự đẹp mắt nhưng rất khó thực hiện.


Các động tác trong thế “tam xích trảm”.


Tay trái xoay cự, tay phải thủ cự chắc trong tay, cả hai tay phải phối hợp rất nhịp nhàng.


Dùng hai song cự phòng thủ kín kẽ, phục kế xuất thần ra chiêu nhanh lẹ.

Bài Song cự hiện nay có 7 câu thiệu (câu thơ) mô tả những động tác tấn công và phòng thủ bằng cựa gà của con gà chọi trong chiến đấu. Vị võ sư một chân Tạ Anh Dũng, thuộc môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn, đã may mắn được thụ hưởng và luyện tập bài Song cự từ năm 18 tuổi, từ đó đến nay ông vẫn thường xuyên ôn luyện để luôn làm chủ được cặp cự.

Với cặp cự, võ sư Tạ Anh Dũng linh hoạt xoay chuyển trong lòng đôi tay một cách nhuần nhuyển, đẹp mắt. Sử dụng cặp cự với các động tác mổ, móc, đâm, xước, cắt… vô cùng điêu luyện, nhanh nhẹn và hiểm hóc. Song cự phù hợp với lối đánh cận chiến, áp sát đánh vào các yếu huyệt, yết hầu đối phương bằng những đòn dứt điểm nguy hiểm khôn lường.

Ngoài bài Song cự, vị võ sư một chân này còn có các bài võ cho riêng mình như: bài nạng chống dao găm, bài gậy, bài côn nhị khúc, côn tam khúc… 
vừa để phòng thân, vừa hướng dẫn lại cho những ai cũng bị khuyết tật cơ thể giúp họ rèn luyện sức khỏe.

Vào mỗi buổi sáng, những ai thường đi ngang qua công viên Tao Đàn (quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) sẽ thường bắt gặp hình ảnh vị võ sư già tập luyện các bài quyền, bài binh khí cùng với học trò rất hăng say và chăm chỉ, đó chính là võ sư Tạ Anh Dũng. Ông được biết đến là vị võ sư sở hữu nhiều bài võ hiếm, trong đó phải kể đến bài binh khí song cự./.
 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hiem-hoc-voi-binh-khi-song-cu-162815.html


top