Trương Định là võ quan nhà Nguyễn và thủ lĩnh chống Pháp những năm 1859 – 1864. Ông sinh năm 1820, quê Quảng Ngãi nhưng năm 24 tuổi theo cha vào Nam. Trên mảnh đất Gò Công - Tiền Giang, hưởng ứng phong trào chống thực dân Pháp, ông đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu và lập được nhiều công lao, được vua Tự Đức phong chức Quản cơ, nhân dân tôn là “Bình Tây Đại Nguyên soái”. Sau đó, trong lần bị quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp, bản doanh "Đám lá tối trời" của nghĩa quân thất thủ, Trương Định bị trọng thương. Để giữ trọn khí tiết, ông đã rút gươm tuẫn tiết tại Gò Công vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864 khi mới 44 tuổi. Tiếp nối ý chí của cha, con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp thêm 6 năm nữa.
Khi ông mất, người dân thương tiếc đem thi thể ông về thị xã Gò Công chôn cất, xây dựng lăng mộ và đền thờ trên một khu đất rộng gần 1000m
2. Khu lăng mộ đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989. Cách đó khoảng 200m, trên con đường mang tên vị anh hùng là bức tượng Trương Định đứng sừng sững cầm kiếm uy nghiêm. Hiện tại, trên đất Gò Công có hai đền thờ Trương Định, một tại thị xã Gò Công và một tại xã Gia Thuận – Gò Công Đông (quê vợ ông).
Quần thể đền thờ và khu lăng bộ Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang
được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989 và vừa được công nhận là Kỷ lục Việt Nam.
Sau khi Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định tuẫn tiết, nhân dân đã lập nên Khu lăng mộ này để chôn cất ông,
và đây cũng là 1 trong 3 công trình trong cụm di tích lịch sử Trương Định vừa được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công,
1 trong 3 công trình trong cụm di tích lịch sử Trương Định vừa được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Quyển sách gỗ độc bản "Tiểu sử Trương Định" do nghệ nhân Võ Văn Hải thực hiện
bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp để tôn vinh và ghi nhớ công lao Anh hùng dân tộc Trương Định.
Quyển sách độc đáo này cũng vừa được công nhận là kỷ lục Việt Nam.
Đại diện Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao bằng tôn vinh giá trị kỷ lục cho đại diện chính quyền thị xã Gò Công.
Năm nay, nhân kỷ niệm 149 năm ngày giỗ của Anh hùng dân tộc Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2013), nhân dân Gò Công lại long trọng tổ chức lễ giỗ Đức ông. Vào ngày giỗ Trương Định, không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Trên các nẻo đường trong thị xã đều ngập tràn cờ hoa đỏ thắm, đặc biệt là trên con đường ra tượng đài Trương Định. Tại đền thờ và khu lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định ở phường 1, thị xã Gò Công, đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đổ về tề tựu từ rất sớm. Ông Ngô Văn Nhớ, thành viên Ban tế lễ năm nay cho biết: “Năm nay có hơn 60 đoàn khách, ước tính hơn ngàn người, từ các tỉnh về tham dự lễ giỗ tướng công Trương Định”.
Rạng sáng ngày 19/8, Ban tế lễ tiến hành nghi thức thỉnh linh ông từ tượng đài vào đền thờ. Tiếp theo là lễ "tiên thường" dành cho các đoàn khách từ phương xa đến. Họ thường là thành viên của các đình, miếu ở tỉnh bạn, họp thành đoàn cùng nhau hành hương về Gò Công dự lễ giỗ Trương Định.
Trên bàn thờ tướng công Trương Định có di ảnh lớn của ngài đặt trang trọng ở chính giữa, phía dưới có dây tam bửu (dùng để chỉ ba tầng gồm rượu, trà, bánh trái - PV), chính giữa bàn cúng có heo quay hoặc vịt quay. Trong lễ "tiên thường" có nhạc lễ và hành lễ theo nghi thức cúng bái cung đình. Không gian hương khói kết hợp với các nghi thức tế lễ trang trọng tạo nên bầu không khí trầm mặc, tôn nghiêm.
Sau lễ "tiên thường", các đoàn lần lượt ra mộ ông khấn bái, cầu nguyện. Mọi người ngưỡng mộ và tôn sùng ông nên tránh gọi tên mà thường kính cẩn gọi là “Đức ông”. Bà Văn Thị Liên, 58 tuổi, thành viên đoàn Đồng Tháp cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi đến đây. Trước linh vị của Đức ông, tôi cầu mong cho gia đình được cơm no, áo ấm, mạnh giỏi, thời tiết được thuận lợi để làm ăn”.
Trong hai ngày lễ giỗ chính, để thể hiện lòng hiếu khách của người dân địa phương, Ban tế lễ thường làm cơm đãi khách từ phương xa đến. Nhân dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức như kéo co, đẩy cây, chiếu phim tài liệu về Trương Định, viết thư pháp Việt, bán đồ lưu niệm…cũng thu hút rất nhiều người tham gia.
Hàng năm, vào ngày 19 và 20 tháng 8 (Dương lịch),
nhân dân thị xã Gò Công lại cùng nhau tổ chức lễ giỗ Đức Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định.
Nghi lễ được tổ chức rất trang trọng theo phong tục truyền thống
nhằm tưởng nhớ công lao của người anh hùng đã hi sinh vì nghĩa lớn.
Ngoài người dân địa phương, dân chúng các nơi cũng chuẩn bị lễ vật về dâng cúng Bình Tây Đại Nguyên soái.
Đại diện các đoàn làm lễ "tiên thường" trước bàn thờ anh hùng dân tộc Trương Định.
Một thành viên trong Ban tế lễ dâng hương bái vọng giữa sân đền.
Sau lễ "tiên thường" diễn ra ở trong đền là lễ cúng ở ngoài khu lăng mộ.
Lễ vật dâng cúng gồm có đèn, hương, vàng mã...
Ngoài ra còn có những vật phẩm khác mang đậm nét
văn hóa phương Nam như heo quay, gương sen, bánh bao... và cả bánh mì.
Người dân làm lễ dâng đèn hương, thành kính khấn vái trước lăng mộ anh hùng dân tộc Trương Định.
Ngày giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định có màn múa lân mang đậm nét văn hóa của người dân đất phương Nam.
Nhân dịp này người ta còn tổ chức nhiều hoạt động khác, đặc trưng nhất là nghệ thuật viết thư pháp.
Ông Trần Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gò Công cho biết, đây là một hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức thường niên, là vẻ đẹp tinh thần ở địa phương. Đây còn là dịp để thế hệ hôm nay cùng tưởng nhớ đến sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Trương Định đối với xứ Gò Công nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, năm nay, nhân kỷ niệm 149 năm ngày giỗ của Anh hùng dân tộc Trương Định, Ban tổ chức đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao cho Cụm Di tích lịch sử Anh hùng dân tộc Trương Định lớn nhất bao gồm: Đền thờ, Lăng mộ, Tượng đài tại thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) và công trình quyển sách gỗ độc bản "Tiểu sử Trương Định” do nghệ nhân Võ Văn Hải thực hiện bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp để tôn vinh và ghi nhớ công lao vị anh hùng dân tộc./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hao-khi-binh-tay-dai-nguyen-soai-47757.html