Asean

Hành trình 30 năm đồng hành cùng ASEAN

Trong hành trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng với điểm khởi đầu là ASEAN, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có vai trò, vị thế ở khu vực và trên thế giới. Những lợi ích từ hợp tác ASEAN cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam trong 30 năm qua. 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.. Ảnh: TTXVN

Trong hành trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng với điểm khởi đầu là ASEAN, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có vai trò, vị thế ở khu vực và trên thế giới. Những lợi ích từ hợp tác ASEAN cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam trong 30 năm qua. 

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng
30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ảnh: TTXVN

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995. Chặng đường gần 30 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam từ một nước trải qua chiến tranh, bị cô lập, cấm vận kinh tế, ngày nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế. Trong số 34 quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với Việt Nam có tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của Hiệp hội. Mạng lưới FTA mà Việt Nam triển khai với hơn 60 đối tác góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI và quy mô thương mại.

Lực lượng tiêu binh thực hiện nghi thức thượng cờ ASEAN. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo ASEAN, GCC và Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Chương trình biểu diễn của Đoàn quân nhạc Quân đội Malaysia tại Lễ khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024
với chủ đề “Âm nhạc kết nối tình hữu nghị”. Ảnh: TTXVN

Môi trường hòa bình và ổn định tạo thuận lợi để Việt Nam tập trung phát triển đất nước và đạt được những thành tựu ngoạn mục, nhất là lĩnh vực kinh tế. GDP bình quân đầu người tăng từ 289 USD năm 1995 lên 4.700 USD năm 2024; quy mô nền kinh tế tăng hơn 20 lần, từ 20,8 tỷ USD lên 476 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ 10 tỷ USD năm 1995 lên gần 40 tỷ USD năm 2024. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN tăng 18 lần trong giai đoạn 1995-2024. Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác lớn, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta (áo sáng màu) cùng các đại biểu tham quan sa hình Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP)
Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

 Dấu ấn đóng góp của Việt Nam nổi bật trong tiến trình mở rộng thành viên Hiệp hội, khi Việt Nam tích cực thúc đẩy để ASEAN kết nạp Lào, Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Qua đó, Hiệp hội hiện thực hóa giấc mơ “đại gia đình ASEAN” gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đảm nhận thành công vai trò lãnh đạo, khi đăng cai các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12/1998. Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 2010 và 2020, với những kết quả thực chất, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN tại Indonesia tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, để phát huy thành tựu đã đạt được một cách hiệu quả và bền vững, khẳng định tầm vóc và vị thế tâm điểm, ASEAN không những cần sự đoàn kết, đồng lòng, mà còn cần có tư duy đột phá phát huy các giá trị chiến lược của ASEAN, nâng cao uy tín và vai trò của Hiệp hội.

Hệ thống cảng Vũng Áng- Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000-300.000 DWT. Hiện hơn 30% lượng hàng hóa thông quan
tại cảng Vũng Áng là hàng xuất khẩu của nước bạn Lào. Ảnh: TTXVN
Tuần hàng Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Udon Thani, Thái Lan, do Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Central Group Thái Lan phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức. Ảnh: TTXVN

Trong các quyết sách lớn của ASEAN, Việt Nam đã tham gia xây dựng và đi đầu, tích cực triển khai nhiều văn kiện quan trọng, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN… Đặc biệt, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ASEAN có lập trường chung về vấn đề Biển Đông, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Các tiếp viên và tiếp viên hàng không tạo dáng bên chiếc máy bay có biểu tượng "Du lịch Malaysia 2026" (Visit Malaysia Year 2026)
tại Lễ phát động .Ảnh: Bernama/TTXVN
Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đầy thuyết phục. Ảnh: TTXVN

Ngay từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, Việt Nam luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Với chủ trương, đường lối đối ngoại trong kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình đóng góp cho chặng đường phát triển mới của ASEAN./.

Bài: VNP - Ảnh: TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hanh-trinh-30-nam-dong-hanh-cung-asean-401980.html


top