Nghề Việt

Hà Nội thúc đẩy chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn 

Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế đến tham quan nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn là rất lớn. Để giải bài toán này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố truy xuất nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…

Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế đến tham quan nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn là rất lớn. Để giải bài toán này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố truy xuất nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…

Đóng hộp tỏi đen thành phẩm tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhật Bản.


Theo báo cáo của Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội, đến nay, thành phố có 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường cũng như xuất khẩu như: Chuỗi rau an toàn Văn Đức, chuỗi thịt Hợp tác xã Hoàng Long, chuỗi trái cây bưởi diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, gạo Bảo Minh...

Các chuỗi liên kết này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân.

Đóng gói sản phẩm nước cốt lẩu tại Công ty Vietchef.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, thời gian qua, Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội đã tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Kiểm tra sự phát triển của Đông trùng tại lab của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhật Bản.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm với số dân đông, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn là rất lớn. Bởi vậy, Hà Nội đã triển khai ký kết với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015 - 2020.

Một trong số những doanh nghiệp tiêu biểu, tích cực hợp tác tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhật Bản với thương hiệu Kochi, chuyên sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nguồn gốc từ nông sản, dược liệu như: Tỏi đen, hà thủ ô đỏ, táo đỏ, nghệ, đông trùng hạ thảo… Ông Đỗ Hữu Xuân, đại diện Công ty co biết, Công ty rất mong muốn được hợp tác với đối tác để phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, từ đó tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng như quốc tế. Hiện nay, với những nỗ lực không ngừng, sản phẩm tỏi đen của công ty đã được xuất khẩu sang 3 châu lục cụ thể là các nước: Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… và sẽ tiếp tục xuất khẩu sang hai châu lục còn lại là châu Úc và châu Phi, khẳng định chất lượng và sự tin tưởng của thị trường nước ngoài với thương hiệu nông sản thực phẩm an toàn đến từ Việt Nam.

Một combo lẩu tại nhà hàng thuộc hệ thống của Công ty TNHH Hà Thành.

Đánh giá vai trò của việc phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội cho rằng: Việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn có vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện tại, các chuỗi này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, hạn chế được tổn thất cho người nông dân. Việc phát triển các các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn còn hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, giúp các nhà phân phối lựa chọn nông sản có chất lượng, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.


Để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường. Ngoài ra, thông qua chuỗi liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối hiện đại, siêu thị, như: Central Group, Aeon, Lotte…, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm Nông nghiệp Hà Nội./.

Bài và ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ha-noi-thuc-day-chuoi-cung-ung-nong-san-thuc-pham-an-toan--374160.html


top