Kinh tế

Hà Nội sản xuất nông sản an toàn và hướng tới xuất khẩu

Những ngày qua, bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Mưa bão làm thực phẩm tươi sống trở nên khan hiếm. Để giải quyết bài toán này, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ động xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực.

Những ngày qua, bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Mưa bão làm thực phẩm tươi sống trở nên khan hiếm. Để giải quyết bài toán này, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ động xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực.

Với trên 10 triệu dân, bao gồm cả người nước ngoài hiện đang sinh sống thường xuyên trên địa bàn Thủ đô thì nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội, đặc biệt trong mùa mưa bão là rất lớn. Giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã chủ động phối hợp với 43 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 

Mô hình canh tác rau hữu cơ độc đáo ở Đan Phượng của vợ chồng chị Đặng Thị Cuối.

Hà Nội đang tập trung đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà Phạm Thị Tư Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) cho biết,  toàn bộ sản phẩm của đơn vị đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu. Trong đó, có 3 sản phẩm là ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa được công nhận đạt tiêu chí OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Nhờ đó, bình quân mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn sản phẩm từ ngô, khoai, sắn, dừa. Riêng sản phẩm “bánh sắn phomai” đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định.

Lễ khai mạc Tuần hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản kết nối sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Một quầy hàng của công ty Sói Biển ở phố Đặng Tiến Đông.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết, thành lập từ năm 2010, công ty tập trung vào hoạt động ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rau, quả thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền. Công ty đã xây dựng thành công chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng rau, quả sạch, trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Hiện nay, công ty không ngừng mở rộng mạng lưới thị trường với hệ thống các cửa hàng bán lẻ, cung cấp số lượng lớn sản phẩm chất lượng, an toàn cho siêu thị, bếp ăn tập thể... BigGreen đã xây dựng được mối liên kết với nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất rau an toàn tại nhiều vùng rau lớn trên cả nước như Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đông Anh (Hà Nội)…

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ quản lý nông nghiệp tại Đại học Larenstein (Hà Lan), năm 2003, anh Trần Mạnh Chiến trở về nước làm chuyên gia tư vấn dự án nông nghiệp cho các tổ chức phi chính phủ. Cơ duyên này khiến anh thêm nặng lòng với nghề nông và cho ra đời hệ thống cửa hàng nông sản hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội mang tên Bác Tôm. Đến nay, mỗi ngày Bác Tôm cung cấp ra thị trường khoảng trên 2 tấn rau, quả, thịt lợn sinh học… tại 20 cửa hàng, trở thành chuỗi thực phẩm sạch hàng đầu ở Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Trần Mạnh Chiến chia sẻ: “Mọi sản phẩm tại cửa hàng đều có thể truy xuất nguồn gốc là nguyên tắc sống còn của thương hiệu rau sạch Bác Tôm. Để đáp ứng sự tin tưởng ngày càng cao của người tiêu dùng, Bác Tôm sẽ tiếp tục cùng bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đem đến những sản phẩm chất lượng, đa dạng hơn nữa”.

Biggreen là hệ thống phân phối bán buôn - bán lẻ thực phẩm sạch, có lịch sử phát triển lâu năm tại Hà Nội và được rất nhiều người tiêu dùng biết đến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) thông tin, Hà Nội có trên 13.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và 15.808 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, không phải chỉ trong mùa mưa bão, sản xuất nông nghiệp an toàn hiện đã làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, giúp họ tuân thủ quy trình kỹ thuật, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao gấp 10 - 15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình phối hợp “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025” để kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường./.

Bài và ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh việt Nam


https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ha-noi-san-xuat-nong-san-an-toan-va-huong-toi-xuat-khau-381194.html


top