GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học công nghệ môi trường ở Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề.
Năm 1971, GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hoá - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng loại ưu. Sau đó, bà được giữ lại làm giảng viên của trường và tiếp tục được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Năm 1983, sau khi về nước, GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi cùng 5 người khác đã tạo thành một nhóm chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ môi trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Vào thời điểm đó, đất nước còn khó khăn về kinh tế, vấn đề môi trường chưa được chú trọng. “Nhưng tôi vẫn chọn con đường này vì tôi biết rằng đất nước sẽ rất cần những nhà khoa học, những kỹ sư bảo vệ môi trường khi bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, GS. Chi chia sẻ.
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi (nguyên Phó Viện Trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học công nghệ môi trường ở Việt Nam. Ảnh: Việt Cường
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi cùng các học trò đang kiểm tra thiết bị hấp thụ để đo mức dộ ảnh hưởng tới môi trường từ các làng nghề. Ảnh: Việt Cường
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề.
Trong Ảnh: GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi trong một lần đi thực tế tại các làng nghề. Ảnh: Tư liệu NVCC
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi trong một lần đi thực tế tại các bãi rác để đánh giá mức độ nguy hại của rác thải từ các làng nghề. Ảnh: Tư liệu NVCC
|
Năm 1989, Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Bách khoa) được thành lập. Tại đây, GS. Chi cùng các đồng nghiệp bắt đầu những lớp đào tạo đầu tiên các kỹ sư kỹ thuật môi trường cho Việt Nam. Chính sự chuẩn bị khá sớm này đã giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật môi trường được trang bị kiến thức tốt, kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề nóng về môi trường khi đất nước bước vào giai đoạn “bùng nổ” kinh tế.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của GS.TS Đặng Thị Kim Chi đó là môi trường làng nghề. GS. Kim Chi đặc biệt quan tâm đến môi trường làng nghề, bởi bà suy nghĩ: “Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề, nhưng sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất đang làm mất dần đi vẻ đẹp của nhiều làng quê, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhân dân”. Một trong số những đề tài nghiên cứu về môi trường làng nghề do GS Kim Chi chủ biên được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đó là đề tài mang mã số KC.0908: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam”.
Trong gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã làm chủ nhiệm và tham gia 35 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 61 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”. Bà là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: Việt Nam – Môi trường và cuộc sống, Giáo trình kinh tế chất thải, Làng nghề Việt Nam và Môi trường,… |
Đề tài này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về môi trường ở Việt Nam, từ đó giúp cải thiện môi trường tại các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nằm trong vùng nông thôn với đặc điểm riêng về truyền thống văn hóa, xã hội tồn tại ở quy mô làng, xã còn gắn với sản xuất nông nghiệp và hệ tư tưởng của người nông dân. Đề tài này là cơ sở cho việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường cho những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, phù hợp với đặc điểm và điều kiện xã hội của Việt Nam.
Sau nhiều năm cùng các đồng nghiệp nỗ lực, công trình giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề Việt Nam của bà và các cộng sự đã được đánh giá đúng giá trị của nó. Năm 2009, GS. Kim Chi và các đồng nghiệp đã cùng đánh giá lại các công nghệ xử lý chất thải, khí thải ở một số làng nghề đặc trưng của Việt Nam, qua đó tiến tới xây dựng tài liệu hướng dẫn nhân rộng kết quả nghiên cứu ra nhiều vùng miền trong nước.
Là một trong số ít nhà khoa học nữ có những công trình tạo được tiếng vang trong làng khoa học, năm 2008, GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia cho những đóng góp của bà. GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi đã trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi tham gia chấm giải thưởng UNESCO nhựa đại dương năm 2020. Ảnh: Tư liệu NVCC
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi tham gia Hội thảo khoa học quốc gia về môi trường. Ảnh: Tư liệu NVCC
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi đi thực tế tại Công ty ngói Đất Việt ở Quảng Ninh. Ảnh: Tư liệu NVCC
|
Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, GS Kim Chi vẫn tiếp tục nghiên cứu các công trình liên quan đến xử lý vấn đề môi trường. Đề tài “Quản lý và xử lý điểm ô nhiễm tồn lưu ở một số vùng tại Việt Nam” đang được bà tiếp tục nghiên cứu. Đây là một hướng nghiên cứu được thực hiện từ lâu tại các nước phát triển nhưng ở Việt Nam thì đến nay vẫn chưa được tiến hành. Công trình này khi thành công hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề tồn tại bấy lâu nay ở Việt Nam đó là những chất độc hại tồn lưu tại các bãi than, trạm xăng dầu, các bãi chôn lấp đã ngừng hoạt động,… ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Khi nhắc về các công trình, dự án mà bà đã thực hiện, GS Kim Chi chia sẻ: “Các học trò của tôi, hàng trăm kỹ sư kỹ thuật môi trường đã được đào tạo là “những công trình” mà tôi tự hào”. Bởi họ là những người tiếp nối trong vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường và Tư liệu NVCC
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/gstskh-dang-thi-kim-chi-nha-khoa-hoc-giai-quyet-van-de-moi-truong-cua-cac-lang-nghe-256161.html