Thương hiệu Việt

Gốm Gọ Bình Đức

Gốm nung thủ công của đồng bào Chăm ở thôn Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) được làm từ loại đất đặc biệt với màu sắc, hoa văn tự nhiên đã tạo nên thương hiệu gốm Gọ nổi tiếng khắp miền Nam Trung Bộ.
Nghề thủ công gia truyền độc đáo của người Chăm

Nhiều người hay gọi gốm của người Chăm thôn Bình Đức là gốm Gọ (tiếng Chăm là Gok – nghĩa là cái nồi – PV), mang lại sự phân biệt độc đáo giữa các sản phẩm gốm thủ công ở Việt Nam.

Chúng tôi ghé vào nhà ông Lâm Hùng Sỏi (55 tuổi) vào đầu buổi chiều khi thấy ông đang ngồi làm gốm trước sân nhà. Ông Sỏi đang kiểm tra và mài nhẵn lại mặt ngoài của những chiếc gốm thô. Bà Nguyễn Thị Minh (53 tuổi) vợ ông Hùng đang ngồi ở bàn xoay làm những chiếc gốm mới, còn cô con gái của họ đang nhào đất rất tỉ mỉ để dành nguyên liệu cho ngày hôm sau.



 Bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Sỏi đang kiểm tra lại những chiếc gốm thô vừa mới nặn xong.


Ông Lâm Hùng Sỏi (55 tuổi, thôn Bình Đức) đang ngồi kiểm tra tỉ mỉ những chiếc gốm thô trước khi đem nung.


Đôi tay của người thợ Chăm thoăn thoát dùng một viên sỏi để chà, mài nhẵn mặt ngoài sản phẩm gốm.


Công việc làm gốm của phụ nữ Chăm thôn Bình Đức. 


Những chiếc gốm thành phẩm sau khi nung có đỏ nhạt cùng những hoa văn tự nhiên lạ mắt.


Sản phẩm bếp lò gốm với màu sắc rất tự nhiên, độc đáo.


Bếp nung và bộ dụng cụ để nấu bánh căn của người Chăm.


Sản phẩm gốm Gọ được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình, Bình Thuận).


Phụ nữ Chăm duyên dáng bên những chiếc gốm Gọ.

Phụ mẹ nhào đất làm gốm từ lúc nhỏ, đến nay, ông Sỏi đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề. Ông Sỏi cho biết, gốm ở đây khác biệt với gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) ở loại đất của mỗi địa phương. Gốm Bàu Trúc lấy đất ở gần ruộng nên gốm có màu đen nhiều hơn, còn ở làng Bình Đức lấy đất ở gần con sông ở địa phương nên có màu đỏ nhạt. Đất ở đây có ba lớp: một lớp đất thịt, một lớp sỏi và một lớp dẻo (đất sét), vì vậy đất phải được làm tơi xốp, lựa sỏi ra, rưới nước và trộn thật đều, có thể pha thêm cát để tạo nên độ kết dính nhất định.

Với 40 năm làm gốm, bà Minh không cần bất kỳ khung nặn nào mà vẫn có thể cho ra các sản phẩm đều như khuôn mẫu. 

Mỗi ngày, gia đình ông Sỏi có thể làm được khoảng 100 sản phẩm gốm vật dụng như: lu đựng nước, bếp lò, chảo rang đậu, chảo nằm lửa, chảo rang muối, nồi kho, nồi nấu thuốc…

Cách nung gốm mang tính cộng đồng cao

Cách nhà ông Sỏi không xa là nhà bà Tiền Thị Loan (54 tuổi, thôn Bình Đức) cũng đang tất bật nặn gốm cho buổi nung gốm trưa hôm sau. Bà Loan làm số lượng gốm nhiều nên thuê thêm 4 nhân công nữ cùng làm. Gốm sau khi được nặn xong sẽ mang ra hiên nhà phơi nắng cho khô trước khi đem nung. Người Chăm ở Bình Đức thường nung gốm vào giữa trưa nắng trên một gò đất cao thoáng gió. Các gia đình tự sắp xếp với nhau về thứ tự nung gốm khi đã đủ số lượng. Nếu các hộ làm gốm có số lượng ít thì có thể gộp lại cùng nung chung. Đây là một nét văn hóa đặc biệt mang tính cộng đồng rất cao của đồng bào Chăm.



Người thợ Chăm thôn Bình Đức thường chọn những gò đất cao thoáng gió làm nơi để nung gốm Gọ.


Gốm được xếp xen kẽ với cây củi thành từng lớp để khi nung gốm được chín đều.


Gốm thô được xếp ngay hàng thẳng lối và thường được nung với số lượng lớn.


Người Chăm thường đốt củi cháy theo hướng xuôi gió và canh giờ nung gốm một cách cẩn thận.


Khi gốm nung đến độ chín sẽ được kéo ra và vẫy lên bề mặt gốm một loại nước
làm từ cây thị hoăc cây chùm mụ nhằm tạo hoa văn cho gốm.

Trưa ngày hôm sau chúng tôi đến gò đất nung gốm giữa thôn Bình Đức thì gặp lúc bà Loan và ba gia đình khác cùng mang gốm ra nung. Khoảng 1.000 chiếc gốm thô được sắp xếp một cách cẩn thận và được đánh dấu để tránh nhầm lẫn.

Tùy vào kích thước sản phẩm gốm mà thời gian nung cũng khác nhau, nếu gốm nhỏ thì thời gian nung khoảng 1 tiếng, còn sản phẩm to thì có thể kéo dài tới 2,3 tiếng. Khi gốm nung đến độ chín sẽ được kéo ra và vẫy lên bề mặt gốm một loại nước làm từ cây thị hoăc cây chùm mụ (loại cây rừng ở địa phương – pv) nhằm tạo hoa văn cho gốm. Sản phẩm gốm hoàn chỉnh của người Chăm thôn Bình Đức có màu đỏ nhạt cùng những hoa văn tự nhiên lạ mắt, đã trở thành một loại gốm độc đáo, khác biệt với những loại gốm ở các nơi khác./.

 
Thực hiện: Thành Đạt – Sơn Nghĩa

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/gom-go-binh-duc-186216.html


top