Tiềm năng địa phương

Gốm Biên Hòa

Ít ai biết rằng, gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm đối với những người chơi gốm cổ.

Biên Hòa được xem là nơi có trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương, đó là Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa) được thành lập vào năm 1903. Đến khoảng năm 1913, Trường đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Bien Hoa). Năm 1923, khi vợ chồng ông bà Robert Balick (Hiệu trưởng) và Mariette Balick (Trưởng Ban gốm) lãnh đạo trường có thể được coi là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Bà Balick đã vạch hướng đi riêng cho Ban gốm. Đó là tập trung vào các dòng sản phẩm gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn chạm khắc đặc sắc, màu men lạ. Đa số những men này được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh (mảnh), cát Đà Nẵng… Những loại men được bà Balick cùng các cộng sự người Việt tạo ra thời bấy giờ là men ta (men làm từ tro), men màu xanh đồng, men đá đổ (men làm từ đá ong Biên Hòa)…
 


Gốm Biên Hòa được đúc bằng khuôn.

Gốm sau khi đúc xong được đem phơi nắng cho khô.

Công đoạn chấm men trực tiếp lên sản phẩm gốm thô.

Phụ nữ làng gốm.

Người thợ gốm đang nắn chỉnh một chiếc lu lớn.

Thợ nung là người dày dạn kinh nghiệm, họ xác định được nhiệt độ
bằng cách quan sát ngọn lửa để từ đó điều tiết nhiệt độ một cách thích hợp trong lò nung.

Kiểm tra sản phẩm sau khi nung.

Phun lớp phủ bóng.

Gốm được tập kết ra bãi.

Một lò gốm cổ đốt bằng củi hơn 100 tuổi ở làng gốm Biên Hòa.

Lò nung cải tiến đốt bằng gas.


Gốm mỹ nghệ Biên Hoà là một thương hiệu gốm lớn nổi danh châu Âu, châu Á từ hồi đầu thế kỷ 20. Năm 1925, các sản phẩm gốm của Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn. Tất cả hàng gốm Biên Hòa đã bán sạch và còn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng huy chương vàng. Sau đó, ở cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm được vị trí của mình ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Sản phẩm của trường đã liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở trong và ngoài nước như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (Thái Lan - 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia - 1957). Từ đây bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh và tiếng tăm của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ 20.

Hiện nay, nghề làm gốm ở Biên Hòa tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An của thành phố Biên Hòa với hơn 40 cơ sở lớn nhỏ. Các cơ sở này mang tính gia đình theo kiểu cha truyền con nối. Các sản phẩm hầu hết đều được xuất khẩu ra nước ngoài.

Tại sao gốm Biên Hòa lại được thị trường quốc tế ưa chuộng như vậy? Ông Vòng Khiềng, Tổng Thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: "Gốm Biên Hòa đẹp và độc đáo từ chạm khắc đến nước men vì nó là sản phẩm giao thoa giữa ba dòng gốm của người Việt, người Hoa và người Chăm”. Có 2 dòng gốm chủ yếu hiện đang được các lò gốm sản xuất là gốm mỹ nghệ hoa văn đất trắng với kỹ thuật khắc chìm, vẽ hoa văn trực tiếp lên gốm và gốm đất đen được đốt ở nhiệt độ cao.

Chúng tôi đến lò gốm Phát Thành của nghệ nhân Nguyễn Hữu Tân ở phường Tân Vạn. Mỗi ngày lò gốm này cho ra lò khoảng 300 sản phẩm. Hơn 30 thợ gốm tham gia làm nhiều công đoạn. Mỗi người một việc để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi lò gốm rộng gần 5000 mét vuông chất đầy gốm với đủ loại mẫu mã khác nhau, nghệ nhân Nguyễn Hữu Tân cho biết: “Đây chỉ là một trong những lò gốm của tôi thôi. Ngày xưa, có thời điểm chúng tôi làm không kịp hàng giao cho thương lái. Gần 50 năm trong nghề gốm, tôi luôn tâm huyết vực dậy nghề truyền thống của cha ông để lại cho mình”.

Để có được nét đặc trưng của gốm Biên Hòa phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Kỹ thuật pha chế men là khâu rất quan trọng vì chính khâu này sẽ quyết định màu sắc trên sản phẩm. Chấm men cũng là khâu quan trọng, phải làm quen và đều tay, nếu không, khi nung sản phẩm sẽ bị méo mó, biến dạng. Chất liệu men cũng quan trọng chẳng kém. Gặp phải men xấu sẽ bị ảnh hưởng đến tính mỹ thuật của sản phẩm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ hơn thua nhau không những về mẫu mã mà còn về nước men. Chính vì vậy mà mỗi lò gốm đều giữ bí mật của riêng mình về kỹ thuật pha chế men gốm. Ngoài ra, khâu nung cũng là khâu quan trọng vì nó quyết định sự thành bại của cơ sở. Thợ nung phải là người dạn dày kinh nghiệm, họ xác định được nhiệt độ bằng mắt rất chính xác và từ đó điều tiết nhiệt độ một cách thích hợp trong lò nung.
 


Những pho tượng đất sét mới được đổ khuôn, chưa qua khâu xử lý men và nung.

Những chiếc chậu gốm đất đen được đốt ở nhiệt độ cao nên bền vững với thời gian.

Một sản phẩm gốm mang phong cách mới của làng gốm Biên Hòa.


Gốm Biên Hòa vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao. Những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng ở đủ mọi chủng loại như các loại đôn voi, đôn tròn, các loại chậu hoa, tượng, thú... với nét trang trí canh tân hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát. Ngoài ra, Biên Hòa còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, các nghệ nhân và thợ gốm Biên Hòa đang phục hồi lại gốm men xanh đồng trổ bông nổi tiếng của gốm Biên Hòa xưa.

Hiện nay, doanh thu xuất khẩu của nghề gốm Biên Hòa đạt khoảng 1 triệu USD/năm. Đây là con số khá khiêm tốn so với khoảng 10 năm trước đây. Vì vậy, để vực dậy gốm Biên Hòa cần sự chung tay của chính quyền với những chính sách hợp lý cùng những người tâm huyết với nghề gốm.

Nằm dọc theo lưu vực sông Đồng Nai thơ mộng, làng gốm Biên Hòa hơn 300 tuổi nay vẫn tồn tại và tiếp tục đóng góp cho đời dù không còn được thịnh như xưa./.

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/gom-bien-hoa-42832.html


top