Phóng sự chuyên đề

Gỗ Việt - Sức bật ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ đô

Tăng trưởng ấn tượng liên tiếp trong hơn 2 thập kỷ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, khi phần lớn các ngành kinh tế bị ảnh hưởng, xuất khẩu gỗ vẫn liên tiếp đạt con số tăng trưởng vượt trội. Với sự ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa qua của Việt Nam, theo nhiều chuyên gia đánh giá, sự “thuận trong – lợi ngoài” này đã tạo lên “thời” cho ngành công nghiệp tỷ đô của Việt Nam.

Gỗ từ làng ra phố

Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam phát triển như ngày nay, có lẽ, ít ai biết, “hạt giống” của ngành công nghiệp tỷ đô này được nuôi dưỡng trong các làng nghề mộc truyền thống lâu đời, nơi có những nghệ nhân với khối óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo.
 
Thôn La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định), theo sử sách ghi lại, là làng nghề mộc lâu đời nhất ở Việt Nam. Ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng sau chuyến tháp tùng vua Lê Đại Hành (vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê, nước Đại Cồ Việt) vi hành, đã xin phép nhà vua lựa chọn vùng đất này để an cư lạc nghiệp. Với đôi bàn tay khéo léo, ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng đã phát triển ra các nghề chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, khảm trai lên đồ gỗ,… đầu tiên ở Việt Nam.
 
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề mộc dần lan tỏa ra nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Đó là tiền đề cho sự hình thành các làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng ngày nay của Việt Nam.
 
Giai đoạn đầu phát triển, các nghệ nhân mộc Việt Nam làm các sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công, từ đục đẽo cho đến tạo hình sản phẩm đều dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay. Đặc biệt, các sản phẩm gỗ thời điểm này đều chưa được xử lý khâu nguyên liệu, mẫu mã chưa phong phú.
 


Nghệ nhân làng nghề gỗ truyền thống của Việt Nam với sự tài hoa và sáng tạo đã đục, chạm các họa tiết tinh xảo. Ảnh: Thanh Giang/VNP


Điêu khắc tượng Phật tại Làng điêu khắc tượng gỗ Dư Dụ (xã Thanh Thủy, Huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Trịnh Bộ/VNP


Các sản phẩm từ làng nghề Hải Minh (Nam Định) đều làm từ gỗ tự nhiên có chất lượng cao. Ảnh: Thanh Giang/VNP


Từ những vỏ trai, người thợ làng nghề gỗ Hải Minh tạo hình để có chất liệu gắn lên các sản phẩm đồ gỗ. Ảnh: Thanh Giang/VNP


Một công đoạn hoàn thành sản phẩm khảm trai làng nghề gỗ Hải Minh. Ảnh: Thanh Giang/VNP



Các sản phẩm đồ gỗ tại làng nghề Hải Minh rất đa dạng về mẫu mã. Ảnh: Thanh Giang/VNP



Sản phẩm của Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ truyền thống Thiết Úng ở xã Vân Hà (Huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Trịnh Bộ/VNP


Những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo tại Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Khánh Long/VNP


Ngôi nhà cổ ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) do những người thợ mộc làng nghề Chàng Sơn (Hà Nội) xây dựng. Ảnh: Nguyễn Giang


Đến thế kỷ XIX, khi có sự ứng dụng của khoa học công nghệ, nghề mộc tại các làng nghề đã có sự thay đổi lớn. Dựa trên những ưu thế sẵn có là sự khéo léo của đôi bàn tay, việc làm ra các sản phẩm đồ gỗ đã nhanh hơn, bền hơn và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn, đạt đến độ tinh xảo, đáp ứng được những nhu cầu thẩm mỹ cao nhất của các thị trường.
 
Thời điểm này, nghề mộc truyền thống Việt Nam đã phát triển cả về chất và lượng, chính thức được gọi là ngành sản xuất chế biến gỗ. Các làng nghề mộc cũng bắt đầu chuyển mình, thay đổi để đáp ứng các thị hiếu khác nhau của thị trường.
 
Mỗi làng nghề mộc đều có những sản phẩm thế mạnh, đi theo hướng chuyên biệt hóa sản phẩm, và hướng vào các phân khúc khác nhau của thị trường.
 
Nếu Làng tổ nghề mộc La Xuyên (Ý Yên, Nam Đinh) được coi là nơi hội tụ tinh hoa nghề chạm khắc gỗ Việt Nam với các sản phẩm gỗ đạt đến độ tinh xảo tuyệt đối. 
Thì các làng nghề mộc tại Hà Nội lại hướng vào các phân khúc cụ thể của thị trường. Mỗi làng nghề lại có những sản phẩm đặc trưng riêng. Làng nghề mộc Vạn Điểm (Thanh Oai) nổi tiếng với các sản phẩm bàn ghế, chiếm 80% tổng sản phẩm của làng nghề. Làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng) được ví là làng mộc nội thất nổi tiếng với các sản phẩm giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, bàn ghế gỗ các loại,… Còn làng nghề gỗ Chàng Sơn (Thạch Thất), là làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở đồng bằng Bắc bộ, với nhiều công trình đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc gỗ của Việt Nam. Làng mộc Hữu Bằng (Quốc Oai) nổi tiếng với các sản phẩm mộc gia dụng.
 

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. 8 tháng đầu năm 2021. thị trường Mỹ chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020; thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 8,5%, tăng hơn 47%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,6%, tăng 43%.
Theo ông Điền Quang Hiệp,
Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương.

Trong khi các làng nghề mộc Hà Nội có xu hướng cung cấp đồ nội thất hiện đại, mộc Mỹ Xuyên (Huế) nổi bật với các sản phẩm điêu khắc gỗ mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm khảm. Hay như làng mộc Kim Bồng (Quảng Nam), nổi tiếng với các sản phẩm điêu khắc tượng gỗ. 

Với sự dịch chuyển xu hướng của người tiêu dùng thế giới quay trở về với những vật dụng an toàn, thân thiện với môi trường, các sản phẩm đồ gỗ đang ngày càng len lỏi vào nhiều vị trí hơn trong cuộc sống của con người. Có thể nói, đồ nội thất bằng gỗ hiện nay đang không thể thiếu trong các không gian sống của con người. Từ không gian riêng tư, không gian làm việc, đến không gian công cộng như các khu nghỉ dưỡng, khu resort cao cấp,…  Đây chính là “thời thế” để ngành chế biến gỗ Việt, với những ưu thế sẵn có, tự tin bước những bước chân vạn dặm chinh phục thị trường khắp năm châu. 

Gỗ Việt và bước chân vạn dặm
 
Từ những doanh nghiệp gỗ nhỏ hoạt động tại các làng nghề, Việt Nam hiện nay đã có những tập đoàn sản xuất chế biến gỗ lớn với doanh thu xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm. Đây là những nhân tố khiến ngành gỗ luôn tăng trưởng ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua.
 
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, trong 2 thập kỷ trở lại đây, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã có những bước phát triển đột phá. Nếu như năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 219 triệu USD, thì đến năm 2019, con số xuất khẩu nhóm hàng lâm sản đã đạt hơn 11,3 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.
 
Đặc biệt, trong khi hầu hết các ngành hàng chế biến, xuất khẩu của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thì ngành chế biến và xuất khẩu gỗ lại liên tiếp báo tin vui khi con số tăng trưởng tăng hơn cả trước khi xảy ra dịch bệnh. 
 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020. 
 

Từ những doanh nghiệp gỗ nhỏ hoạt động tại các làng nghề, Việt Nam hiện nay đã có những tập đoàn sản xuất chế biến gỗ lớn với doanh thu xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm. Đây là những nhân tố khiến ngành gỗ luôn tăng trưởng ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua.

Cũng theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. Thị trường Mỹ chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020; thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 8,5%, tăng hơn 47%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,6%, tăng 43%.
 
Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, ngành gỗ Việt Nam nói chung và ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương nói riêng đang có rất nhiều kỳ vọng tiêu thụ tại các quốc gia trong khối châu Âu.
 
Đầu năm 2021, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Bình Định đã ký đơn hàng đến hết quý 3/2021. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, hiện nay, sản phẩm đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục với 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn là xuất khẩu sang châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Á và châu Phi.
 


Xưởng chế biến gỗ tại Nhà máy Công ty Lâm Hoàng Phát tại Khu Công Nghiệp Tam Phước (Đồng Nai). Ảnh: VNP






Dây chuyền sản xuất thớt và các đồ gia dụng tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (Tp. HCM). Ảnh: Thông Hải/VNP












Các sản phẩm đồ dùng học sinh, đồ chơi trẻ em của Công ty gỗ Đức Thành được thị trường thế giới ưa chuộng. Ảnh: Thông Hải/VNP


Còn ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh cho biết, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã có mặt ở hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng dư địa xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến và nội thất vẫn còn rất lớn.
 

Gỗ Đức Thành là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đồ gia dụng nhà bếp và đồ chơi trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, Gỗ Đức Thành đạt doanh thu 400 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2019.

Gỗ Đức Thành là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đồ gia dụng nhà bếp và đồ chơi trẻ em bằng gỗ lớn của Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, Gỗ Đức Thành đạt doanh thu 400 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2019. Tính đến đầu tháng 8/2021, Gỗ Đức Thành đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với tổng giá trị xấp xỉ 16 triệu USD và hoàn thành 95% kế hoạch nhận đơn hàng cho cả năm 2021.
 
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chính cho EU, đồng thời cũng là nhà cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn thứ 8 của thị trường này. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi toàn diện và hiệu quả hơn, các doanh nghiệp đặt kỳ vọng nâng cao hơn nữa giá trị và thị phần đồ gỗ của Việt Nam tại thị trường này.
 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành chế biến gỗ hiện nay đang ở giai đoạn phát triển mạnh, tạọ nên quy mô lớn cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Cả nước hiện nay có gần 5.000 doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
 
Ngành chế biến gỗ và nội thất được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt đây là ngành đạt được cả 3 mục tiêu trong quá trình phát triển đó là kinh tế, môi trường và an sinh xã hội, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Ban Cố vấn Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam.



Công Ty Cổ Phần Woodsland (huyện Mê Linh - Tp. Hà Nội), chuyên sản xuất đồ gỗ cao cấp xuất khẩu. Ảnh: Công Đạt /VNP


Sản xuất gỗ cao su xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: Lê Cương/VNP



Công đoạn đóng gói sản phẩm tại Công Ty Cổ Phần Woodsland. Ảnh: Công Đạt /VNP


Những sản phẩm gia dụng của Công ty Nội thất gỗ sồi Lâm Hoàng Phát, Tp HCM. Ảnh: Kim Phương /VNP



Những sản phẩm gia dụng của Công Ty Cổ phần Woodsland. Ảnh: Công Đạt / VNP


Mục tiêu về môi trường, nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phần lớn sử dụng gỗ rừng trồng, rất ít dùng gỗ rừng tự nhiên. Vì vậy đã góp phần bảo vệ và làm giàu rừng tự nhiên. Hệ số che phủ rừng của Việt Nam hiện đã đạt trên 41%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Phát triển kinh tế công nghiệp gỗ luôn gắn kết và cân đối hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái. Theo tiến trình phát triển, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ và đang áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn, tức là phế liệu của cộng đoạn sản xuất trước là nguyên liệu cho cộng đoạn sản xuất sau để tạo ra sản phẩm mới. Do đó không có hoặc ít có rác thải loại ra môi trường.

Phát triển rừng trồng đã tạo cơ hội cho hơn 1,4 triệu hộ gia đình được giao đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, do đó đã tạo ra sinh kế và nhiều việc làm cho hộ gia đình và người dân ở nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa. Đến nay đã có nhiều hộ gia đình và chủ rừng là triệu phú, tỉ phú trồng rừng và chế biến gỗ.

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở cả trong và ngoài nước, hoạt động của ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi với những con số tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 và xa hơn là trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của thế giới./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/go-viet-suc-bat-nganh-cong-nghiep-xuat-khau-ty-do-278168.html


top