Một điều đặc biệt nữa là năm 2007, Nguyễn Quang Diệu cũng chính là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam trong đợt phong học hàm năm đó. Có lẽ, trong suy nghĩ của mọi người, hàm Giáo sư thường gắn với hình ảnh những người thầy, những nhà khoa học đáng kính với mái tóc đã điểm “màu thời gian”, nhưng ít ai biết rằng học hàm cao quý này đã được phong cho một nhà khoa học có tuổi đời còn rất trẻ như thầy giáo Nguyễn Quang Diệu. Điều đó cho thấy tài năng cũng như những đóng góp đặc biệt của anh cho nền khoa học của nước nhà.
Nguyễn Quang Diệu sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghiên cứu khoa học, bố là giáo sư toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nên ngay từ nhỏ anh đã có môi trường cũng như điều kiện để tiếp xúc với toán học, nhưng anh thực sự bắt tay vào nghiên cứu toán học cao cấp khi bước vào những năm cuối ở Khoa Toán - Cơ - Tin học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó anh may mắn được sang Pháp làm luận án tiến sĩ toán học tại trường Đại học Toulouse 3 (Pháp) dưới sự đồng hướng dẫn của GS Đỗ Đức Thái (Đại học Sư phạm Hà Nội) và GS Pascal Thomas (Đại học Toulouse 3).
Tháng 6 năm 2000, Nguyễn Quang Diệu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành giải tích phức với đề tài “Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực”. Tiếp đến, vào tháng 11/2006, cũng tại Đại Học Toulouse 3, anh bảo vệ thành công bằng Habilitation Diriger des Recherches, một loại văn bằng quốc gia của bậc giáo dục đại học Pháp dùng làm tiêu chuẩn để xét bổ nhiệm giáo sư, điều hành một nhóm nghiên cứu, hướng dẫn hoặc làm phản biện cho luận án tiến sĩ. Cuối năm 2007, anh về nước và được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2009, anh được mời làm cộng tác viên khoa học tại trường Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc). Tại đây, anh chuyển sang nghiên cứu "Lý thuyết toán tử và giải phương trình d ngang với đánh giá". Đây là một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam, và anh được cho là người đầu tiên nghiên cứu thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, anh còn có 35 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới nằm trong danh mục SCI và SCIE. Đây được xem như những công trình tạo nên dấu ấn đặc biệt cho bộ hồ sơ xét phong hàm Giáo sư của anh đối với Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.
Một điều khá thú vị đó là cả hai lần phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư, anh đều vắng mặt do đang bận công tác ở nước ngoài. Lần gần đây nhất là phong hàm Giáo sư, anh cũng đang bận công tác ở Viện Nghiên cứu toán học Max-Planck (CHLB Đức) nên cũng không kịp về dự lễ.

GS Nguyễn Quang Diệu (ngồi bàn đầu) trong một buổi họp chuyên đề hàng tuần của Khoa Toán – Tin, Trường ĐHSP Hà Nội.

GS Nguyễn Quang Diệu trong một giờ lên lớp với các học viên lớp cao học.

GS Nguyễn Quang Diệu và các học trò của mình.

Vị Giáo sư trẻ và cô con gái yêu. |
GS Nguyễn Quang Diệu tâm sự, anh là người rất may mắn khi được các thầy Đỗ Đức Thái, Nguyễn Thanh Vân giúp tiếp cận và làm quen với toán học hiện đại. Đặc biệt, GS Pascal Thomas ở Đại học Toulouse 3 đã rất tận tình hướng dẫn anh trong quá trình làm luận án tiến sĩ toán học ở Pháp. Không những thế, ông còn truyền cho anh những phương pháp tư duy làm toán rất hay, rất hiện đại, đó là luôn đặt ra những câu hỏi nho nhỏ xung quanh một vấn đề lớn, và biết biến những cái trừu tượng thành những cái đơn giản và cụ thể. Và những điều này đã được anh áp dụng rất thành công trong khi dạy học trò của mình ở các trường đại học. Ngoài ra, với GS Nguyễn Quang Diệu, người học toán còn cần phải biết "tò mò" và tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức để "dự trữ" phòng khi cần dùng đến. Có lẽ nhờ đó mà trong một lần nghiên cứu cùng với một vị giáo sư người Nhật, bằng những kiến thức cũ anh đã giải được những phép toán khó, trong khi vị giáo sư nọ lại tỏ ra khá lúng túng vì không biết phải xử lí như thế nào.
Hiện nay, GS Nguyễn Quang Diệu là Phó Chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết hàm, Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bằng tài năng, tâm huyết và sức trẻ, GS Nguyễn Quang Diệu hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp nhiều cho nền toán học Việt Nam, nhất là khi ngành toán học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành chương trình phát triển trọng điểm của quốc gia./.
5 công trình toán học tiêu biểu gần đây của GS Nguyễn Quang Diệu
đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín của Pháp, Mỹ, Nhật Bản:
1- Jensen measures and unbounded B-regular domains , Annales Inst. Fourier 2008.
2- Toeplitz operators on bounded domain in C, Proceedings of American Math. Soc. 2011.
3- d-bar equations with Donnely-Feferfemann estimates, Osaka Journal of Math., 2009.
4- Local polynomial convexity of graphs, Michigan Math. Journal, 2009.
5- Peron-Bremermann envelopes on bounded domains, International Journal of Math., 2007. |
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/giao-su-toan-hoc-tre-nhat-viet-nam-38403.html