Khám phá

Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê

Vừa qua, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức trưng bày hơn 200 hiện vật và tài liệu về Giảng Võ trường mang tên “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”. Đây là dịp để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa với bộ sưu tập bảo vật quốc gia vũ khí thời Lê.

Vừa qua, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức trưng bày hơn 200 hiện vật và tài liệu về Giảng Võ trường mang tên “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”. Đây là dịp để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa với bộ sưu tập bảo vật quốc gia vũ khí thời Lê.

Giảng Võ Trường được biết đến là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi các sự kiện: Năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070, lập Xạ đình. Tháng 8/1253, Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường làm nơi học tập của các tướng lĩnh. Từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (bao gồm khu vực Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh) đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn lập quân sự lớn. Khu di tích Giảng Võ phía tây Thăng Long chính là khu di tích về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII).

Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích trường Giảng Võ đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học. Bắt đầu từ những phát hiện hiện vật vũ khí tại Trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy (nay là trường Đại học Giao thông Vận tải) và đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học ở hồ Ngọc Khánh (Ba Đình - Hà Nội) năm 1983 với bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại phong phú bậc nhất của thời Trung đại cho phép xác định khu vực này là trường Giảng Võ thời Lê.

Du khách tham quan những tài liệu quý về Giảng Võ trường.

Đặc biệt, đến với chuyên đề trưng bày lần này du khách được chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia đó là Bộ sưu tập vũ khí thời Lê gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 02 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).

Đại đa số vũ khí của Giảng Võ trường được làm từ kim loại sắt và chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam. Ngoài sưu tập vũ khí, các nhà khảo cổ đã phát hiện các dấu tích của lò bễ, các cục xỉ sắt và những phác vật vũ khí đang chế tạo dở dang cho thấy những vũ khí được đúc tại chỗ là chứng minh rõ ràng rằng Giảng Võ trường ngoài vai trò là nơi đào tạo, huấn luyện binh sĩ còn là địa điểm tự cung cấp vũ khí, quân trang quân dụng, phục vụ việc rèn luyện đào tạo quân đội. Đặc biệt, khi mới phát hiện hầu hết vũ khí đều có tra cán bằng tre hoặc gỗ cũng cho thấy bộ sưu tập vũ khí đều đã và đang được dùng làm công cụ tập luyện để chiến đấu bảo vệ quốc gia.

Trong suốt hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã anh dũng chống lại nhiều kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong chiến tranh, con người là yếu tố quyết định, song vũ khí cũng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu vũ khí nhằm góp phần tìm hiểu nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước của ông cha ta- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.

 
 
 

Qua các hiện vật, hình ảnh, tài liệu được trưng bày của chuyên đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê” đã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về lịch sử, sức sáng tạo, chính sách võ bị của các triều đại phong kiến và qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của nhân dân ta, một sức mạnh  bất khả xâm phạm của toàn dân đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược./.

  • Bài và ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam  
  •  

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/giang-vo-truong-va-bo-suu-tap-vu-khi-thoi-le-355862.html


top