Tin tức

Giám đốc Sáng tạo May Kashi - Người thổi hồn vào các câu chuyện văn hoá của các lễ hội lớn tại Việt Nam

Là người luôn âm thầm đứng sau các Lễ hội văn hóa cấp Tỉnh, Thành phố, May Kashi đã và đang đóng góp quan trọng vào việc định hình nghề Giám đốc sáng tạo sự kiện, lễ hội tại Việt Nam.
   

Hành trình ‘’tạo nét’’ trong các lễ hội văn hóa Việt Nam

Trong lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt trong các lễ hội văn hóa, có một nhân vật đã âm thầm định hình vai trò của mình như một “người thổi hồn vào câu chuyện văn hoá” – đó chính là May Kashi (Nguyễn Thị Thu Vân). Hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông và tổ chức sự kiện, Giám đốc sáng tạo May Kashi đã để lại dấu ấn đặc biệt qua những câu chuyện văn hóa ấn tượng từ các dự án mà chị đảm nhiệm.

Là một người kín tiếng, chị luôn âm thầm làm việc và ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng qua những dự án, lễ hội cấp quốc gia như Festival Biển Nha Trang 2023, Lễ hội Tôm Hùm Cam Ranh 2024, Festival 100 năm Dừa Sáp Trà Vinh 2024, Liên hoan Phim ngắn Quốc tế Đà Nẵng, đến các cuộc thi sắc đẹp thế giới như Miss and Mister Supermodel Fitness World 2022, 2023 …, sự sáng tạo của chị không chỉ dừng lại ở việc tổ chức một sự kiện mà còn là việc truyền tải một câu chuyện đầy cảm hứng, mang đậm nét văn hóa bản địa. Những sự kiện này không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển du lịch, kinh tế địa phương.

Theo May Kashi, Giám đốc sáng tạo không chỉ là một vị trí đầy thử thách mà còn là một nghề "hot" trong tương lai, đặc biệt với giới trẻ.

  Vai trò Giám đốc sáng tạo đang ngày càng trở nên quan trọng trong các ngành công nghiệp sáng tạo như quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc và đặc biệt là tổ chức các lễ hội văn hóa. Đây là chức danh khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đang ngày càng nhận được sự chú ý.  

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự giao lưu văn hóa ngày càng đậm nét, các lễ hội văn hóa đang trở thành những điểm nhấn quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, và nghề Giám đốc sáng tạo sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình những trải nghiệm độc đáo đó. Để thành công trong vai trò này, cần có chuyên môn và kiến thức nền vững, từ việc hiểu biết văn hóa địa phương đến khả năng dẫn dắt, tổ chức và quản lý đội ngũ. Không những yêu cầu kỹ năng sáng tạo, tư duy chiến lược, mà còn phải am hiểu về lịch sử, có khả năng kể được câu chuyện để thuyết phục nhà đầu tư và quản lý tài chính cho toàn dự án. Đặc biệt, sự nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu hướng và thị hiếu đương đại cũng là yếu tố quyết định.

Đối với các lễ hội văn hóa, điều quan trọng nhất mà May Kashi luôn tâm niệm là sự kết nối giữa văn hóa bản địa với khán giả. Những yếu tố như lịch sử, tập quán và truyền thống địa phương được chị khéo léo lồng ghép trong từng dự án, nhằm tạo ra những câu chuyện văn hóa đầy cảm xúc và ý nghĩa. 

Khác với Art Director - người chỉ chịu trách nhiệm chính về câu chuyện hình ảnh - nghệ thuật , thì với Creative Director - Giám đốc Sáng tạo phải là người sáng tạo ý tưởng toàn bộ concept, định hướng sáng tạo câu chuyện hình ảnh, nghệ thuật, còn là người lập toàn bộ kế hoạch sáng tạo, định hướng chiến lược cho dự án đó sao cho phù hợp với định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển của địa phương, khách hàng và triển khai toàn bộ kế hoạch sáng tạo đó sau khi được duyệt.

“Touch” và “Vibe” – Linh hồn của câu chuyện sáng tạo

Hai từ then chốt trong quá trình sáng tạo của May Kashi chính là “Touch” và “Vibe”. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong mỗi dự án của chị, đặc biệt là trong các lễ hội văn hóa mang tầm quốc gia. "Touch" là sự chạm tới trái tim khán giả, khi mỗi người tham gia đều cảm nhận được nét văn hóa, giá trị nghệ thuật qua từng khoảnh khắc. Còn "Vibe" là năng lượng, là sự hào hứng tràn ngập không gian – thứ khiến mọi người bị cuốn vào, hòa mình và trở thành một phần của lễ hội.

    

Đối với May Kashi, không có chi tiết nào là thừa thãi. Mọi thứ từ ánh sáng, âm thanh, đến thiết kế sân khấu đều được chăm chút để tạo nên một tổng thể gắn kết, nơi cảm xúc và không khí hòa quyện, để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.

Triết lý “Hay - Đủ - Đầy”

Ba yếu tố “Hay – Đủ – Đầy” là triết lý sáng tạo mà May Kashi luôn theo đuổi. Đối với chị, một câu chuyện sáng tạo phải “hay” – nghĩa là nó phải độc đáo, gây ấn tượng và cuốn hút khán giả ngay từ cái nhìn và cái nghe đầu tiên. Đó là sự mới mẻ trong cách tiếp cận văn hóa, cách kể chuyện sao cho hấp dẫn mà không làm mất đi tính bản địa.

Tuy nhiên, sự sáng tạo không chỉ dừng lại ở tính hay, mà còn phải “đủ” – nghĩa là có chiều sâu, có ý nghĩa văn hóa, xã hội và nghệ thuật. Mỗi dự án của chị luôn được xây dựng trên nền tảng của sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo rằng mỗi yếu tố trong sự kiện đều có câu chuyện riêng, góp phần tạo nên bức tranh lớn về văn hóa địa phương mà nó đại diện.


Và một dự án sáng tạo phải “đầy” – nghĩa là hoàn thiện, từ khâu lên ý tưởng đến việc thực hiện, từ kỹ thuật sân khấu, âm thanh đến ánh sáng, ứng dụng công nghệ trình diễn hiện đại, âm nhạc, vũ đạo, hiệu ứng sân khấu… tất cả phải hài hòa để tạo nên một tổng thể trọn vẹn và gắn kết. Với May Kashi, “đầy” còn là việc đảm bảo mọi khía cạnh của sự kiện đều phục vụ tốt nhất cho trải nghiệm của khán giả, không chỉ dừng lại ở việc giải trí mà còn là việc khắc sâu giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lòng người tham dự.

Giữ một tâm thế trẻ trung trong một nghề dễ bị "burn-out" và đào thải

Nghề Giám đốc sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực sự kiện, không phải là một nghề dễ dàng. Đây là một lĩnh vực yêu cầu sự đổi mới liên tục, áp lực không ngừng và dễ ddẫn đến kiệt sức. May Kashi thừa nhận rằng, nghề này rất dễ rơi vào trạng thái "burn-out" khi sự sáng tạo bị bão hòa và đòi hỏi phải đổi mới liên tục để không bị đào thải trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt của hơi thở thời đại hiện nay.

Và đặc biệt, trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo AI, thị trường sáng tạo đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Khán giả, khách hàng ngày nay có quá nhiều lựa chọn, điều này đòi hỏi các nhà sáng tạo không ngừng đổi mới. May Kashi thừa nhận rằng áp lực sáng tạo luôn là một phần không thể thiếu của công việc này, và để vượt qua, người làm nghề phải không ngừng học hỏi và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

    

Để có thể đứng vững và phát triển trong nghề, với chị là luôn giữ cho mình sự trẻ trung trong tâm thức, luôn muốn khám phá cái mới dù bản thân đã có nhiều kinh nghiệm thực chiến. Đó là sự kết hợp giữa những bài học xương máu trong nghề và khao khát được học hỏi, sáng tạo liên tục. Với chị, không bao giờ là quá muộn để thử nghiệm một ý tưởng mới, khám phá một góc nhìn mới và đưa ra những cách tiếp cận mới mẻ.

Luôn sẳn lòng chia sẻ và học hỏi từ thế hệ trẻ

Một trong những điều mà May Kashi luôn tâm huyết là mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm thực chiến và trao đổi từ các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z – những cá nhân với tư duy sáng tạo mạnh mẽ và không ngại thử thách. Chị luôn đánh giá cao sự đa năng, linh hoạt của các bạn trẻ và tin rằng đây chính là nguồn cảm hứng, động lực lớn để nghề sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

    

May Kashi luôn sẳn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình và học hỏi từ những góc nhìn mới lạ của các bạn trẻ. Với chị, việc hợp tác với các thế hệ sau không chỉ giúp bản thân đổi mới mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển chung của ngành sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Việt ngày càng có vị thế trên trường quốc tế./.

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/giam-doc-sang-tao-may-kashi-nguoi-thoi-hon-vao-cac-cau-chuyen-van-hoa-cua-cac-le-hoi-lon-tai-viet-nam-378599.html


top