Trong đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hát then được ví là điệu hát của “thần tiên”, là giai điệu của “Trời”, nó bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của họ, và gắn liền với họ từ lúc sinh ra cho đến tận lúc lìa đời. Vì thế, người ta có thể tìm thấy trong then những giá trị nhân sinh quan mang tính toàn cầu.
Sống cùng then, chết cũng theo then về Trời
Theo quan niệm của người Tày, Nùng, Thái, then có nghĩa là “Trời”. Hát then trong lễ cúng then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Ngọc Hoàng ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành.
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, then vừa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là một loại hình âm nhạc dân gian. Toàn bộ hệ thống bài bản của then có gần bốn nghìn câu thơ, nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chuyện đời sống, bản mường, chim muông, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi, phu phen, tạp dịch… Lễ cúng then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ then cổ truyền, người ta có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái.
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật hát then, chúng tôi đã vượt qua chặng đường dài hơn 300km lên huyện miền cao Chiêm Hoá của tỉnh Tuyên Quang, vùng đất được coi là cái nôi hình thành nên những làn điệu hát then độc đáo và quyến rũ của người Tày.
Tại nhà anh Nông Văn Sếp ở thôn Hà Thoi chúng tôi được tham dự buổi lễ Cầu Khoăn, một nghi lễ cầu sức khoẻ, cầu thọ cho cha mẹ theo đúng phong tục cổ xưa của người Tày. Lễ do thầy Cao Xiêm, một thầy then nức tiếng trong vùng chủ trì. Với người Tày, người chủ trì lễ cúng then gọi là Ông then, Bà then. Họ là người “nhà Trời” phái xuống, là người trung gian, là cầu nối, giữ vai trò thông linh giữa con người trần thế với thần linh.
Đúng như những gì mà trước đó chúng tôi đã được nghe kể về một buổi lễ cúng then của người Tày. Buổi lễ Cầu Khoăn ở nhà anh Nông Văn Sếp đông vui như ngày hội của bản làng. Mọi người trong bản kéo đến ngồi quây quần chật kín cả trong và ngoài căn nhà sàn rộng 5 gian.
Trong trang phục áo mũ màu đỏ, trên tay cầm cây đàn tính, thầy Cao Xiêm bắt đầu buổi lễ Cầu Khoăn bằng một làn điệu then cổ. Trong làn khói hương, tiếng hát, tiếng đàn rộn ràng của thầy Cao Xiêm như lôi cuốn mọi người lạc vào một thế giới huyền bí đầy xa lạ, khác hẳn với thế giới của trần gian. Ở đó con cháu đang thực hiện một chuyến hành trình dài lên Thiên giới để cầu xin ông Trời ban phúc cho cha mẹ được mạnh khỏe, trường thọ.
Theo thầy Cao Xiêm, người Tày coi then như suối nguồn văn hoá của chính họ, bởi vậy họ gửi gắm vào những làn điệu then tất cả mọi nghĩ suy liên quan đời sống như: sự đấu tranh sinh tồn, những tình cảm suy tư thầm kín, những ước mơ, khát vọng, ý chí, niềm tin...
Vì thế, then chính là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật, thiên tai, địch họa… để vững bước xây dựng cuộc sống. Bởi vậy, với người Tày, những làn điệu then gắn bó với họ từ lúc mới sinh ra cho đến tận lúc lìa đời.
Theo các nhà nghiên cứu, do được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên then hàm chứa những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời mang tính nhân văn sâu sắc của người Tày. Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn hàm chứa cả những lời răn dạy con người; ca ngợi về đạo đức; phản ánh, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ, và cả tình yêu thiên nhiên, đất nước… Do đó, then chính là môn nghệ thuật tổng hợp chứa đựng cả thơ ca, nhạc, múa… nó đánh thức vẻ đẹp tâm hồn, khơi dậy trong con người những giá trị thẩm mỹ, nhân văn cao cả. Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, nghi lễ hát then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Then trong đời sống đương đại
Cũng theo thầy Cao Xiêm, hiện nay, bên cạnh các loại then nghi lễ với hệ thống các bài then cổ, thì đã xuất hiện một hình thức then mới, được cải biên, làm mới dựa trên âm hưởng then cổ. Những bài then này đã dần thoát ly bối cảnh sinh hoạt tín ngưỡng để trở thành một loại hình dân ca độc lập, một hình thức trình diễn văn nghệ cộng đồng. Đây được coi như là sự tiến bộ, sự khéo léo của cộng đồng người Tày, đồng thời là sự thay đổi tất yếu trong việc phát triển, gìn giữ văn hoá truyền thống của các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến gặp nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ông là người Tày đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian vì đã có đóng góp to lớn trong việc xã hội hoá những làn điệu then.
Ngoài việc ghi chép, sưu tầm những làn điệu then cổ từ những người già trong bản, ông đã sáng tác được hơn 40 làn điệu then mới vừa gần gũi vừa mang hơi thở cuộc sống của người dân. Những lớp dạy hát then miễn phí tại chính ngôi nhà sàn của ông là nền tảng cho sự ra đời của các câu lạc bộ (CLB) hát then quần chúng trong và ngoài huyện Chiêm Hoá hiện nay.
Anh Ma Văn Đoàn, Chủ nhiệm CLB hát then xã Tân An cho biết, CLB hình thành cách đây hơn 20 năm. Đến nay, CLB vẫn luôn duy trì được 40 – 50 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Thành viên CLB có đủ các thành phần từ người già, thanh niên, trẻ em, với độ tuổi từ 5 đến 85 tuổi.
Sức sống của then không chỉ thể hiện ở các câu lạc bộ trong cộng đồng dân cư mà cũng đã dần phát triển trong các trường học. Thầy Ma Văn Đức, giáo viên Trường THCS Tân An (xã Tân An, huyện Chiêm Hoá) cho biết, nhà trường có một CLB hát then và đã gặt hái được rất nhiều thành tích cao ở cả những hội thi hát then cấp huyện và cấp tỉnh. Quan trọng hơn, việc được học các làn điệu then sẽ giúp cho học sinh hiểu và yêu sâu sắc hơn nền văn hóa truyền thống của quê hương mình
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 CLB hát then – đàn tính trên địa bàn 46 xã, phường, thị trấn, với 54 nghệ nhân then, 100 thầy Tào, 15 thầy Pựt (là những người thực hành trong các nghi lễ mang tính chất tâm linh), tập trung ở các huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang và Sơn Dương.
Những ngày cuối cùng trong chuyến hành trình khám phá then, chúng tôi may mắn được tham dự Liên hoan nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V - năm 2015 tại thành phố Tuyên Quang với sự tham gia của 14 tỉnh thành miền núi phía Bắc.
Trong dịp Liên hoan, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở khắp các tỉnh thành miền núi phía Bắc đã mang đến những làn điệu và nghi lễ diễn xướng then đặc sắc nhất của dân tộc mình, địa phương mình. Nhờ đó mà người xem đã khám phá được sự độc đáo và đa dạng của nghệ thuật hát then của các vùng. Ví dụ như then của vùng Cao Bằng dìu dặt tha thiết, then xứ Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, then vùng cao Tuyên Quang dồn dập như đoàn quân ra trận, then Hà Giang nhấn nhá, nỉ non, then Bắc Kạn lại rì rầm, thủ thỉ như lời tâm tình kể chuyện…
Liên hoan Nghệ thuật hát then – đàn tính 2015 đã đem đến cho người xem những khám phá mới lạ
về nghệ thuật hát then - đàn tính của đồng bào vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một thầy then trẻ tuổi tham gia Liên hoan “nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V - 2015”.
Tái hiện nghi lễ hát then tại Liên hoan.
|
Chia tay Tuyên Quang, cái nôi của điệu hát “thần tiên”, nơi những làn điệu then gắn chặt với cuộc sống của con người. Và nói như lời lão nghệ nhân Hà Thuấn: “Đời không biết then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như cá không suối sông… Then là cầu nối giữa thế giới tâm linh với con người, giữa Trời cao với sự sống dưới mặt đất. Đó là sợi dây tình, dây nghĩa gắn bó mọi người lại với nhau để cùng sống yên vui, giữ gìn nếp nhà, nếp bản”.
Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, then dường như đã vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một bản để trở thành di sản văn hóa của quốc gia, và xa hơn nữa là của nhân loại. Bởi những giá trị nhân sinh quan cao cả ẩn chứa trong từng làn điệu then chính là cái đích mà loài người đang vươn tới./.
Nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị di sản hát then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, ngày 12/8/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại.
|
Bài: Thảo Vy, Bích Liên - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/giai-dieu-cua-troi-102216.html