Tiềm năng địa phương

Gạo Nàng Thơm chợ Đào

Nhờ sự giao hòa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào (từ sông Vàm Cỏ Đông) và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm (từ sông Rạch Cát) nên vùng đất Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có những đặc tính thổ nhưỡng riêng biệt. Vì thế, hàng trăm năm nay, vùng đất này đã chắt chiu trồng nên giống lúa cho hạt gạo có hương vị thơm ngon độc đáo bậc nhất Việt Nam với tên gọi “mỹ miều” - gạo Nàng Thơm chợ Đào.
Ngày xưa, bên dòng Vàm Cỏ có truyền thuyết về cô gái tên Thơm kết duyên cùng một chàng trai ở Cần Đước. Từ khi về làm dâu, cô Thơm nổi tiếng hiếu thảo, vừa đẹp người lại đẹp nết, tính tình dịu dàng, dễ thương khắp vùng ai ai cũng mến mộ. Khi cô Thơm mang thai chờ ngày sinh nở thì lâm trọng bệnh qua đời. Hồng nhan bạc mệnh nhưng định mệnh lại không bất công với cô khi khoảng 100 ngày sau khi mất, trên mộ cô Thơm mọc lên cây lúa có hạt gạo trắng ngần, phát mùi thơm u ẩn, bên trong hạt gạo ửng hồng. Người dân Cần Đước vốn ngưỡng mộ nàng dâu hiếu thảo nên lấy tên cô đặt cho giống lúa này là lúa Nàng Thơm.


Những bông lúa trĩu nặng báo hiệu vụ mùa bội thu.

Thu hoạch lúa Nàng Thơm.

Đập lúa Nàng Thơm Chợ Đào theo cách truyền thống.
.

Máy đánh bóng gạo Nàng Thơm của cơ sở sản xuất gạo
Bảy Sánh tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Chúng tôi về vùng đất Chợ Đào khi những cánh đồng Nàng Thơm đang tỏa hương trong gió. Bà con nông dân ở đây cho biết, lúa Nàng Thơm Chợ Đào có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường với chu kỳ sinh trưởng 170 - 185 ngày (khoảng 6 tháng) nên một năm chỉ cấy được một mùa. Lúa gieo tháng 6, 7 đến tiết đông chí (21 - 22 tháng Chạp âm lịch) thì đồng loạt trổ bông. Nếu có cấy sớm trước 1 hoặc 2 tháng thì nó cũng chờ đến tiết đông chí mới trổ. Điều quan trọng là gạo Nàng Thơm tuy gắn với địa danh Chợ Đào nhưng lại chỉ trồng được ở 11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ. Hiện diện tích trồng Nàng Thơm Chợ Đào dù chiếm 500ha trên tổng số 900ha đất nông nghiệp toàn xã nhưng thực tế chỉ có khoảng 30 - 40ha trồng đúng giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng với năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Và loại gạo Nàng Thơm ngon nhất, đặc biệt nhất lại chỉ được gieo trồng trên đất thuộc 2 ấp Cầu Chùa và Rạch Đào. Cá biệt, nhiều chỗ hai đám ruộng kế bên nhau, một ruộng trồng được trong khi một ruộng thì Nàng Thơm lại còi cọc, năng suất kém. Trong khi đó, phần diện tích còn lại của xã Mỹ Lệ được người dân trồng bằng giống lúa dòng 1 và dòng 5 do Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam lai tạo từ giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng cho năng suất cao hơn nhưng chưa bằng được về chất lượng.

Về hình dáng, hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào có dạng thon dài, bẻ đôi hạt gạo thì bên trong có màu hạt lựu hồng hồng. Gạo mới gặt, chà xong như có một lớp dầu, chỉ cần đưa tay vào bao gạo, lúc đưa lên một lớp gạo đã bám đầy tay. Đem gạo nấu cơm, nước vừa sôi là bốc hương rất thơm, khi chín hạt cơm bóng mượt như ai trộn dầu vào cơm, vị thơm, dẻo, ăn rất ngon và đặc biệt để cơm qua đêm không bị thiu hay mất mùi thơm. Với chỉ 500ha ruộng, Chợ Đào đang là vùng đất duy nhất có thể trồng và nhân giống gạo Nàng Thơm, chính vì thế mà mỗi năm sản lượng loại gạo này sản xuất được là rất ít, chỉ khoảng 1.500 tấn/năm. Vì là loại gạo ngon đặc biệt nên phần lớn nông dân sau khi thu hoạch đều để dành riêng cho người thân và số lượng bán ra thị trường theo đó cũng rất ít. Và do vậy, hiện tại gạo Nàng Thơm Chợ Đào cũng chỉ tiêu thụ nội địa chứ chưa xuất khẩu.


Gạo Nàng Thơm vốn nổi tiếng từ xưa và gắn với truyền thuyết nàng dâu xứ Cần Đước.

Gạo Nàng Thơm được trồng hiệu quả và năng suất cao nhất ở hai xã Cầu Chùa và Rạch Đào.

Nông dân chuyển lúa Nàng Thơm đến nhà máy xay xát.

Đóng gói gạo Nàng Thơm đặc sản Long An.

Cân định lượng gạo.

Dây chuyền đóng gói gạo Nàng Thơm của Cty MECOFOOD.

Sản phẩm gạo Nàng Thơm Chợ Đào của MECOFOOD.

Cửa hàng bán trưng và giới thiệu sản phẩm gạo Nàng Thơm Chợ Đào
của Cty MECOFOOD.

MECOFOOD là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xay xát và đóng gói gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào được xuất đi nhiều tỉnh thành vì chất lượng hảo hạng và là đặc sản của Long An.

Với người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, gạo Nàng Thơm Chợ Đào là thứ gạo quý, thường được dùng trong ngày Tết, được lựa chọn làm nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét mỗi dịp Tết đến xuân về.

“Tiếng lành đồn xa”, thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào ngày càng được nhiều người ở xa biết đến và tin dùng. Hàng chục năm qua, xã Mỹ Lệ đã tiếp đón rất nhiều lượt khách từ các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre…đến tham quan và mua giống về trồng. Tuy chất lượng gạo Nàng Thơm sau khi gieo trồng tại các vùng đất khác không thể bằng ở đất Chợ Đào, nhưng cái chất “thơm thảo” của loại gạo đặc biệt này lại được chia sẻ với tất cả mọi người.

Người dân đất phương Nam thường truyền nhau câu cửa miệng “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Điều đó cho thấy hạt gạo Cần Đước cùng nguồn nước trong lành của dòng sông Đồng Nai đã ăn sâu vào đời sống tinh thần con người đất phương Nam như một loại đặc sản quý giá trong nền nông nghiệp lúa nước. Thực tế, gạo Nàng Thơm Chợ Đào của Cần Đước cũng từng là đặc sản của Nam bộ dùng để tiến vua Minh Mạng (1791-1841) trong những năm 1820. Và đến hôm nay, Nàng Thơm Chợ Đào vẫn nức tiếng xa gần với chất lượng ưu việt của mình…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/gao-nang-thom-cho-dao-41618.html


top