Tin tức

Gắn kết khoa học và chính sách hướng tới phát triển bền vững trong khu vực ASEAN

GS.TS Kano Mitsunobu R. – Cố vấn về Khoa học công nghệ Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (JASTIP) và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (ASEAN COSTI) tổ chức hội thảo "Gắn kết khoa học và chính sách: Đối thoại giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách hướng tới phát triển bền vững trong khu vực ASEAN".

Hội thảo diễn ra từ ngày 17-19/1, nhằm triển khai nội dung đã được thông qua tại cuộc họp đối thoại ASEAN - Nhật Bản về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2019; thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ hợp tác đối thoại ASEAN - Nhật Bản nhiệm kỳ 2018-2020; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản; đồng thời, tranh thủ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc Danh mục các hoạt động Việt Nam chủ trì trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Các phiên họp của hội thảo tập trung vào các chủ đề: Thúc đẩy vai trò tiềm năng của Nhật Bản trong đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong khu vực ASEAN; Tăng cường an ninh năng lượng thông qua các công nghệ bền vững; Hợp tác bảo tồn và khai thác đa dạng sinh học đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia; Thúc đẩy gắn kết giữa khoa học và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Hội thảo là một trong những sự kiện được tổ chức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu duy trì tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển được đề ra trong Kế hoạch Hành động ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (APASTI) 2016-2025 cũng như trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là nền tảng và động lực phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào tiến trình hơn 30 năm đổi mới và phát triển của đất nước, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Việt Nam coi trọng và đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN, của Nhật Bản cũng như các đối tác quốc tế khác. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn đóng góp cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trong khuôn khổ hội thảo, Cuộc họp Ban Điều hành Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (JASTIP) cũng đã được tổ chức nhằm đánh giá về hoạt động của JASTIP trong giai đoạn 2015-2019, đồng thời thảo luận về phương hướng và trọng tâm hoạt động giai đoạn 2020-2025.   

Ngày 18-19/1, hội thảo tiếp tục thảo luận về năng lượng bền vững; trao đổi các nội dung gắn kết tả khoa học và chính sách; bảo tồn và khai thác đa dạng sinh học; phương hướng hoạt động của JASTIP giai đoạn 2020-2025...

Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (JASTIP) đã phối hợp với các nước ASEAN tổ chức nhiều hội thảo nhằm hướng tới việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ASEAN (APASTI) 2016-2025 cũng như các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Các hội thảo tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng như các thành viên chủ chốt của JASTIP trao đổi quan điểm một cách cụ thể và cởi mở về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, các hội thảo của JASTIP không chỉ nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng mà còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu cơ bản, với cách tiếp cận đa dạng từ lý thuyết đến thực tiễn, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu chung, mở rộng hợp tác khu vực và đào tạo các thế hệ lãnh đạo kế cận, góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Nhật Bản - ASEAN phát triển mạnh mẽ và hiệu quả./.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/gan-ket-khoa-hoc-va-chinh-sach-huong-toi-phat-trien-ben-vung-trong-khu-vuc-asean-220002.html


top