Phóng sự chuyên đề

EVFTA – Cơ hội cùng thắng

Trong khi bức tranh kinh tế thế giới đang phủ một màu xám ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự bất ổn khó lường của cuộc thương chiến Mỹ-Trung thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 được dư luận quốc tế đánh giá rất tích cực, coi như một sự kiện đặc biệt, là điểm sáng hiếm hoi về hoạt động thương mại quốc tế trong thời điểm khó khăn hiện tại. EVFTA được kì vọng sẽ đem lại những lợi ích to lớn về khả năng phục hồi, tăng trưởng và phát triển bền vững cho nền kinh tế của Việt Nam, EU và cả với những đối tác thứ 3 khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu này. Vì vậy, không ngạc nhiên khi EVFTA được đánh giá là một hiệp định mang tính lịch sử và sẽ tạo ra cơ hội cùng thắng cho cả hai phía lớn hơn bất kì FTA nào mà Việt Nam đã có từ trước đó.
Sự kì vọng của châu Âu

Trước khi có EVFTA, Việt Nam và EU đã là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Đối với EU, Việt Nam không chỉ là một thị trường quan trọng, năng động, ổn định, đầy tiềm năng với sức tiêu thụ lớn của gần 100 triệu dân, mà còn là một điểm kết nối tối ưu để các doanh nghiệp châu Âu có thể vươn tới một thị trường rộng lớn hơn, đó chính là ASEAN. Vì vậy, không khó để hình dung ra sự kì vọng của các nhà đầu tư châu Âu đối với EVFTA, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang có nhiều bất ổn khó lường như hiện nay.

Về đầu tư, tính cho đến nay EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng kí 24,67 tỉ USD, chưa kể một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.

Một ví dụ khác cũng cho thấy rõ Việt Nam luôn là thị trường quan trọng của EU. Đó là trong 8 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mặc dù kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với một số nước và khu vực giảm nhưng với EU lại tăng. Ví dụ với Hàn Quốc giảm 8,3% (đạt 28,7 tỉ USD), với ASEAN giảm 9,2% (đạt 19,4 tỉ USD), nhưng với EU lại tăng 4,7% (đạt 9,5 tỉ USD).



Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh: VNP


Một của hàng thời trang cao cấp của châu Âu trên một con phố lớn ở Hà Nội. Ảnh: Việt Cường / VNP


Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU. Ảnh: TTXVN


Thương hiệu xe hơi nổi tiếng BMW của Đức đã sớm có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu


EVFTA tạo cơ chội cho nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Thanh Giang/VNP


Công nghệ tự động hóa của hãng ABB được giới thiệu tại hội chợ máy móc công nghệ cao ở Việt Nam. Ảnh: Việt Cường/VNP


EVFTA là cơ hội tiếp cận nguồn vốn và công nghệ từ các “ông trùm” điện gió từ EU. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP 


Hàng hóa châu Âu là những sản phẩm công nghiệp nặng được nhập về qua cảng Hải Phòng. Ảnh: Việt Cường/VNP


Những mặt hàng dệt may cao cấp của châu Âu được người dùng Việt Nam rất tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Việt Cường/VNP


Sữa và các sản phẩm từ sữa từ châu Âu là những mặt hàng nổi tiếng, bán chạy tại các cửa hàng tại Việt Nam.
Đây là loại hàng có thuế nhập khẩu được bãi bỏ nhanh nhất tối đa sau 3 năm thực thi EVFTA. Ảnh: Việt Cường/VNP


Một của hằng bán thịt và các sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩ từ châu Âu tại Hà Nội.
Các mặt hàng loại này sẽ được giảm và tiến đến miễn thuế sau 7- 10 năm thực thi EVFTA. Ảnh: Việt Cường/VNP

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay do đời sống thu nhập của người dân Việt Nam tăng cao nên nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp, trong đó có hàng hóa từ châu Âu đang ngày một tăng nhanh. Chính vì lẽ đó mà ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn khác, người ta không khó để bắt gặp những salon ô tô hạng sang như Mercedes-Benz, BMW, Peugeot, hay những cửa hiệu thời trang nổi tiếng của châu Âu như Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Lacoste, Prada..., một điều khó có thể hình ra vào khoảng mươi năm về trước. Thậm chí, ở những lĩnh vực ít người biết đến như thiết bị y tế, dược phẩm, hóa chất, máy bay dân dụng, dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, máy móc thiết bị công nghệ cao... của các nhà đầu tư châu Âu giờ cũng được người Việt Nam quan tâm đặc biệt.

EVFTA là FTA thứ 13 có hiệu lực của Việt Nam và là FTA thế hệ mới thứ 2 của Việt Nam sau CPTPP. Tại châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). Với số lượng này, Việt Nam hiện nằm trong tốp các nền kinh tế có nhiều FTA nhất trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế không phải ngẫu nhiên tờ Financial Post của Canada dẫn đánh giá của EU coi EVFTA là "thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất" mà châu lục này kí với một nước đang phát triển. Lí giải cho “tham vọng” này giới chuyên gia nhận định rằng, với EVFTA, châu Âu không chỉ có lợi ích lớn từ Việt Nam, một trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới mà thông qua Việt Nam, quốc gia đang có vị thế và tầm ảnh hưởng ở ASEAN, các doanh nghiệp châu Âu còn có thể thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường được đánh giá là năng động nhất thế giới với hơn 600 triệu dân này. Thậm chí, có những dự báo còn nhận định rằng, cùng với FTA EU đã kí với Singapore, EVFTA sẽ là hình mẫu và bàn đạp mở đường cho EU thiết lập thêm những hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên khác của ASEAN, hoặc thậm chí là cả một FTA đa phương EU-ASEAN.

Có thể nói, EU kì vọng EVFTA sẽ mang lại nhiều tác động tích cực bởi đây là thỏa thuận được kí với một quốc gia có tính bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu. Theo đó, Việt Nam là một nhà sản xuất rất nhiều sản phẩm mà châu Âu cần và cũng là quốc gia sẽ nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ các nhà sản xuất EU, đồng thời cũng là cầu nối để EU mở rộng cũng như sắp xếp lại thị trường.

Nói về EVFTA, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cho biết 80% doanh nghiệp thành viên của Eurocham tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Vì thế, ông khẳng định rằng: “EuroCham - đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam - sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai”.

Xuất khẩu, FDI... và cơ hội của Việt Nam

Gia tăng xuất khẩu và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được xem là hai trong số những động lực chính giúp Việt Nam duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.

Trong một nghiên cứu mới đây, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore đã nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm qua phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và điều đó cũng giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. ISEAS cũng nhận định Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; coi thương mại và đầu tư là các công cụ quan trọng để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.

Theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có như hiện nay thì việc thực thi hiệp định EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thực tế cũng cho thấy, EVFTA đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bởi EU là đối tác nhập khẩu hàng đầu với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong nhiều năm. Vì thế, ngay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, tận dụng những ưu đãi về thuế quan của hiệp định này, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU bật tăng trở lại so với sự sụt giảm của các tháng trước đó.





Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực,
trị giá xuất khẩu cà phê, tiêu và các mặt hàng nông lâm, thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2020. Ảnh: VNP


Đã có 9 giống gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: TTXVN


Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua sẽ giúp ngành điều tham gia sâu
vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng quy mô xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: VNP


Xuất khẩu tôm trong tháng 7 và tháng 8 đã khởi sắc và dự kiến tăng tốc từ nay đến cuối năm nhờ Hiệp định. Ảnh: VNP


Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới,
chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới trong đó có ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: VNP


Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ lập tức về 0%,
trong khi giày dép da sẽ giảm từ mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (Most Favoured Nation - MFN) là 12,5% về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm. Ảnh: VNP


Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: VNP

Theo số liệu của Tổng cụ Hải quan, tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 25,92 tỉ USD. Riêng trong tháng 8, tức tháng EVFTA vừa được đưa vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quan trọng này đạt 3,78 tỉ USD, cao hơn khoảng 600 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm, chủ yếu tập trung ở các nhóm ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như: điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, nông sản, dệt may, giày dép…

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020.

Bên cạnh xuất khẩu, EVFTA cũng được kì vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút các FDI hàng đầu thế giới. Theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nếu có sự gia tăng hoạt động thương mại của EU vào Việt Nam thì EVFTA có khả năng sẽ kích hoạt một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ EU vào Việt Nam.

Một điểm đáng chú khác là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến cho thế giới xuất hiện làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới bắt đầu tìm kiếm những bến đổ mới an toàn, hiệu quả hơn, trong đó có Việt Nam, để đa dạng hóa chuỗi sản xuất, né tránh rủi ro và quan trọng nhất là tận dụng những lợi thế mà Việt Nam đang có, trong đó có EVFTA và 12 FTA mà Việt Nam đã kí.

Có thể nói, EVFTA là con đường cao tốc nối Việt Nam – EU, tạo cơ hội cho đôi bên cùng thắng. Đặc biệt, đối với Việt Nam, đây là cuộc chơi với những "người khổng lồ" nên EVFTA vừa là chất xúc tác, vừa là chiếc đòn bẫy giúp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng có cơ hội được hoàn thiện và nâng cao khả năng của mình trên bước đường hội nhập ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.


EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Dự kiến, sau khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Có tới 99% các loại thuế quan còn lại sẽ được Việt Nam bãi bỏ trong vòng 10 năm và EU bãi bỏ trong vòng 7 năm. Song song với tăng trưởng kinh tế, dự kiến mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm việc làm cho khoảng 146.000 lao động nhờ EVFTA. Về phía châu Âu, trong dài hạn, EVFTA cũng sẽ giúp thu nhập quốc dân của khối này có thể tăng lên tới 29,5 tỉ Euro. Ngoài ra, xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%, đó là chưa kể đến các lợi ích đến từ những lĩnh vực dịch vụ, mua sắm chính phủ...
 
Bài: Thanh Hòa 
Ảnh: Việt Cường, Nguyễn Luân, Thanh Giang, VNP, TTXVN & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/evfta-–-co-hoi-cung-thang-248578.html


top