Tin tức

Du lịch xứ Dừa Bến Tre sẵn sàng phục hồi sau thời gian "ngủ đông"


Đại biểu khảo sát điểm du lịch Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định trước khi mở cửa đón khách trở lại.
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Sau thời gian dài "cửa đóng, then cài" để phòng, chống dịch COVID-19, du lịch Bến Tre sẽ chính thức mở cửa trở lại với những sản phẩm đặc trưng của vùng đất xứ Dừa từ ngày 15/11. Để phục hồi sau thời gian "ngủ đông", nhiều khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã bắt tay chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón du khách tham quan, trên tinh thần đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện Bến Tre có 70/162 đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh đăng ký hoạt động lại trong điều kiện bình thường mới. Là một trong các điểm kinh doanh du lịch sinh thái quy mô lớn của tỉnh Bến Tre, khu du lịch sinh thái Lan Vương, ở xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre đã sẵn sàng khởi động cùng ngành du lịch của tỉnh. Ông Trần Bá Sanh – Giám đốc Khu du lịch Lan Vương cho hay, trong thời gian tạm nghỉ do dịch, nhân viên vẫn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, trang trí, cải tạo cảnh quan,...  Đặc biệt trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, công tác kiểm tra, bảo trì tất cả các trò chơi, bố trí cảnh quan như mô hình 12 con giáp bằng cây xanh, khung cảnh làng quê Nam Bộ... được "chạy nước rút" để tạo điểm nhấn mới khi mở cửa trở lại. 

Tất cả nhân sự trở lại làm việc đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và có phương án thích ứng với công tác phòng, chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không chỉ vậy, đơn vị sẽ từng bước mở cửa thận trọng với hình thức phục vụ ăn uống tại chỗ, đảm bảo giãn cách an toàn cho du khách. Đồng thời, du khách khi tới sẽ cần quét mã QR, khai báo y tế trước khi vào cổng, được khuyến cáo tuân thủ 5K trong quá trình tham gia các hoạt động tại đây.

Hoạt động dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh cũng đã khởi động lại để phục vụ du khách với quan điểm linh hoạt thích ứng để "sống chung" với COVID-19. Ông Thái Hồng Đức, chủ cơ sở homestay Xóm Dừa Nước ở xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre thông tin, đã sẵn sàng các biện pháp phòng chống dịch như bố trí khu vực rửa tay, sát khuẩn, có bảng thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch, nắm rõ quy định về khai báo y tế, quét mã QR khi khách đến và đi, sát khuẩn phòng ở sau khi khách rời điểm.... Ngoài ra, các phòng nghỉ được bố trí riêng biệt, thoáng mát trong khuôn viên vườn rộng và thân thiện với môi trường,... cũng là cách để thích ứng với các yêu cầu an toàn.

Trong điều kiện mới bắt đầu "rã đông", hoạt động du lịch sẽ còn nhiều khó khăn nhất định. Do đó, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành chức năng và các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết, tăng cường và phát huy mối liên kết, hợp tác, huy động mọi nguồn lực tập trung để cùng các doanh nghiệp du lịch phục hồi ngành du lịch của tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm kết nối, đầu tàu dẫn dắt hội viên và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường mối liên hệ, gắn kết; củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch. Các bên liên quan cần xây dựng nhiều chương trình kích cầu du lịch, thương hiệu nhằm tạo sự khác biệt; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá để sẵn sàng tái khởi động sau thời gian dài "ngủ đông". Song song đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch phát huy nội lực để "bật dậy", thích ứng tình hình mới với mục tiêu "an toàn cho bạn - cho tôi và cho tất cả chúng ta".

Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng như: Du lịch sông nước miệt vườn; du lịch về nguồn gắn với văn hóa - lịch sử; du lịch gắn với làng nghề truyền thống nổi tiếng, làng hoa kiểng, trái cây Chợ Lách; du lịch biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; du lịch chợ nổi, xứ dừa, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực xứ dừa...

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có một số nội dung về phương hướng hợp tác với Bến Tre trong thời gian tới. Trong đó, 2 bên tăng cường các hoạt động liên kết song phương và liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm, chính sách chung phù hợp thị hiếu du khách để trải nghiệm "Một hành trình – nhiều điểm đến"; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp với dịch vụ ăn uống, mua sắm phù hợp với các thị trường khách du lịch nội địa và khách quốc tế giai đoạn tới. Đồng thời, 2 bên đẩy mạnh hoạt động kết nối, giao thương, khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ để xây dựng và khai thác sản phẩm đặc trưng, khác biệt từ thế mạnh của Bến Tre như sông nước, nhà vườn, homestay, ẩm thực từ vùng xứ dừa, làng hoa kiểng... Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp "Du lịch an toàn", "An toàn trong từng trải nghiệm"…

Theo bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Trong bối cảnh hiện tại, việc liên kết du lịch tạm thời chuyển từ cấp độ đa phương (thành phố Hồ Chí Minh – 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) sang cấp độ song phương (thành phố Hồ Chí Minh – Bến Tre) để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 theo lộ trình kế hoạch phụ hồi du lịch của từng địa phương.

Để kích hoạt hoạt động du lịch liên tuyến giữa hai địa phương, bà Phan Thị Thắng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre phối hợp thống nhất các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch làm cơ sở tổ chức các chương trình du lịch liên tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, phát triển du lịch thông minh. Đồng thời, mở rộng xây dựng và chào bán các sản phẩm liên tuyến, liên vùng (vùng xanh), trong đó chú ý tổ chức thêm các chương trình du lịch kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ - thành phố Hồ Chí Minh – Bến Tre nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách sau thời gian giãn cách.

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch lữ hành, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết đã sẵn sàng kết nối Bến Tre đến với du khách Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, an toàn chính là tiêu chí hàng đầu khi phục hồi liên kết du lịch, với phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó". Ngoài việc đảm bảo nguồn nhân lực "sạch" và khách du lịch có "thẻ xanh" COVID-19 cùng các yêu cầu phòng chống dịch, đơn vị sẽ thực hiện chương trình du lịch khép kín tại các "vùng xanh" để quản lý và kiểm soát rủi ro trong tình hình hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết, hiện Bến Tre đang tập trung để đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã – đang chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương thực hiện giải pháp, biện pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Du lịch ở Bến Tre là một trong những ngành có điều kiện, tiềm năng phát triển tốt, đặc biệt là kinh tế du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp, du lịch gắn với cộng đồng, du lịch gắn với lợi thế sông nước,… Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh đã phối hợp, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để phục hồi và khẩn trương phát triển lại ngành "công nghiệp không khói" theo hướng "Du lịch vùng xanh xứ Dừa - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng".

Du lịch Bến Tre sẽ tái khởi động với phương châm "an toàn mới mở cửa", "mở cửa phải an toàn" - an toàn cho du khách, cho doanh nghiệp du lịch, cho cộng đồng và tỉnh Bến Tre./.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/du-lich-xu-dua-ben-tre-san-sang-phuc-hoi-sau-thoi-gian-quotngu-dongquot-276211.html


top