Tiêu điểm

Đổi mới vì quốc kế dân sinh

Sau hơn một tháng làm việc, chiều 27/11/2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 luật, một số nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Nổi bật là việc Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được thông qua đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Liên quan đến “quyền im lặng” trong tố tụng hình sự, đảm bảo tốt hơn quyền con người, Quốc hội đã luật hóa quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Đó là những thay đổi rất mới, rất tiến bộ, là kết quả của quá trình đấu tranh về tư tưởng lập pháp, tiếp thu ý kiến và khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tinh thần thượng tôn pháp luật trong Hiến pháp.

Hay như dự án Luật tạm giữ, tạm giam cũng với một quy định mới đáng chú ý và hết sức tiến bộ, thể hiện tinh thần bảo hiến một cách rõ ràng là việc đảm bảo quyền bầu cử; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Đặc biệt, cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày Chủ nhật 22/5/2016.

Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội từ 1/1/2016. Đây là những kết quả mang tính nền tảng, hình thành bộ khung chỉ đạo toàn bộ hoạt động bầu cử, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước trong năm 2016.


Hoạt động của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII có nhiều điểm mới được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là hoạt động chất vấn.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN



 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành Phiên chất vấn của Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn
về những vấn đề nóng trong công tác đổi mới giáo dục. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đã được các đại biểu Quốc hội
đưa ra chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Tại Kỳ họp này, nhiều đại biểu đã "truy" đến cùng những vấn đề
chưa được các Bộ trưởng giải đáp thỏa đáng. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Việc đổi mới trong hoạt động chất vấn tại Kỳ họp lần này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.
Ảnh: Văn Đạt – TTXVN


Báo chí luôn theo sát và đưa tin kịp thời về các hoạt động tại Kỳ họp của Quốc hội.
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều luật quan trọng.
Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Bên cạnh công tác lập pháp, nét nổi bật tại kỳ họp này là Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát; tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó thủ tướng Chính phủ và 16 bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều cùng trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy, các đại biểu quốc hội, những người thay mặt cử tri cả nước có quyền được chất vấn và giám sát mọi vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh. Và ngược lại, các thành viên của Chính phủ cũng phải có nhiệm vụ phải giải trình những vấn đề mà dân cần biết, kể cả những vấn đề mà trước đó Chính phủ đã hứa với dân.

Nhận xét về hoạt động chất vấn, giám sát lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là dịp để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.

Có thể nói, Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân./.



Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Trong đó, có những luật, bộ luật hết sức cơ bản như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng Hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân...


TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/doi-moi-vi-quoc-ke-dan-sinh-100976.html


top