Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.
Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.
Theo tín ngưỡng dân gian của người Tày trên cung trăng có Mẹ Trăng và các nàng tiên. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên hàng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng cho hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian và giúp dân làng tong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở. Trên quan niệm đó, cứ nhằm vào ngày 22/3 âm lịch các năm chẵn, người dân nơi đây lại tổ chức Lễ hội Nàng Hai.
Các vật dụng chuẩn bị cho nghi thức của Lễ hội Nàng Hai.
Lễ hội Nàng Hai diễn ra trong nhiều ngày với nhiều nghi thức cúng, lễ. Từ Lễ cúng thổ công, Lễ phá nhà Nàng Hai, Lễ chính… Những nghi thức này được thực hiện một cách cẩn thận và trang trọng. Đặc biệt, sự kết hợp nhịp nhàng, tinh tế giữa những lời ca, lời hát đối với những điệu múa truyền thống của người Tày trong hầu hết các hoạt động tâm linh tạo không khí vô cùng cuốn hút. Có nhiều điệu múa quạt dùng trong Lễ hội Nàng Hai nên người Tày dùng đạo cụ chính là quạt khi múa. Múa quét xoay vòng từ phải sang trái để bắt đầu một nghi thức; Múa cầu mùa thì xoay vòng quạt theo chiều ngược lại; Múa điệu chèo thuyền là xoay đảo quạt thẳng hướng về phía trước… Mỗi kiểu múa quạt đều có chung quy định là người múa phải đi ba vòng quanh khu vực làm lễ. Tuy hình thức múa đơn giản nhưng lại có tính biểu đạt cao khiến nguời xem liên tưởng đến những nàng tiên trên trời với những đôi cánh trong truyện cổ tích.
Những điệu múa quạt đặc sắc trong lễ hội.
Để có được một lễ hội có quy mô lớn, Lễ hội Nàng Hai đòi hỏi sự cố gắng, đoàn kết của cả cộng đồng người Tày ở Tiên Thành. Đây cũng là dịp mọi người gặp gỡ, giao lưu tạo thêm thân tình. Không chỉ là sự kiện văn hóa, những ngày hội hàng năm để lại những kỷ niệm đáng nhớ với tất cả. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều hợp tác và cùng nhau tham gia vào việc tổ chức và thực hiện mọi việc. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đầy ắp tình yêu thương, lễ hội mang thông điệp chính đó là hãy thương yêu, nhân từ, độ lượng để tất cả được gắn kết trong tình thương yêu.
Lễ hội Nàng Hai là một phần không thể thiếu trong văn hóa của dân tộc Tày ở Tiên Thành đồng thời cũng là một điểm nhấn nổi bật trong di sản văn hóa ở tỉnh Cao Bằng. Sự kết hợp giữa nghi lễ truyền thống, nghệ thuật và tinh thần đoàn kết đã tạo ra một sự kiện độc đáo và đầy ý nghĩa, thu hút sự quan tâm và lòng yêu mến của mọi người. Với những giá trị độc đáo và đặc sắc đó, Lễ hội Nàng Hai đã vịnh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017./.
- Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/doc-dao-le-hoi-nang-hai-cua-nguoi-tay-o-cao-bang-362708.html