Tiếp nối sự thành công của làng Bát Tràng qua nhiều sản phẩm của các nghệ nhân. Các nghệ nhân làng Bát Tràng đã lấy cảm hứng từ chiếc ấn Hoàng đế chi bảo vừa được đưa thành công từ Pháp về Việt Nam để chế tác, tạo nên những chiếc ấn Rồng dát vàng độc đáo phục vụ cho nhu cầu năm Giáp Thìn sắp tới.
Những ngày này, ông Phạm Việt Khoa cùng những người thợ làm gốm đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm
có biểu tượng linh vật rồng theo đơn hàng của một cơ sở kinh doanh phục vụ nhu cầu khách tiêu dùng.
Tiếp nối sự thành công của làng Bát Tràng qua nhiều sản phẩm của các nghệ nhân. Các nghệ nhân làng Bát Tràng đã lấy cảm hứng từ chiếc ấn Hoàng đế chi bảo vừa được đưa thành công từ Pháp về Việt Nam để chế tác, tạo nên những chiếc ấn Rồng dát vàng độc đáo phục vụ cho nhu cầu năm Giáp Thìn sắp tới.
Những ngày giáp Tết, ở làng gốm 500 năm tuổi Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ai nấy đều tất bật để chuẩn bị cho kịp đơn hàng Tết.
Bên trong một xưởng sản xuất nằm sâu trong làng, không khí lại hoàn toàn khác biệt. Những người thợ lành nghề đang chăm chú, tỉ mẩn tạo từng đường nét lên chiếc ấn rồng họa vàng độc đáo.
Sản phẩm này được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật vô giá của Việt Nam - và tạo hình lấy cảm hứng từ rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.
Muốn chế tạo một chiếc ấn hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Người thợ phải tạo hình từ đất sét, đây là một khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn thận khi từng nét chạm khắc đều cần chuẩn xác. Sau đó chiếc ấn sẽ được đem đi nung lần 1. Sau khi ra khỏi lò nung sẽ đi tới công đoạn được chờ đợi nhất là vẽ vàng. Người thợ thủ công sẽ sử dụng vàng pha dạng lỏng đi từng đường nét trên sản phẩm rồng, sau đó sẽ tiếp tục nung lần 2 từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ nữa để có được độ nổi bật, sang trọng.
Ông Phạm Việt Khoa làng Bát Tràng, có thâm niên gần 40 năm làm nghề gốm sứ cho biết, để tạo ra chiếc ấn gốm dát vàng độc đáo, 5 người thợ giỏi phải thay nhau chế tác từ khâu lên khuôn, tạo hình sản phẩm, hoàn thiện phần thô, tráng men, nung gốm rồi đến công đoạn vẽ vàng lên gốm.
Mỗi công đoạn lại có yêu cầu, thời gian thực hiện khác nhau và không phải chiếc ấn nào được làm ra cũng đều đạt tiêu chuẩn. Chỉ những chiếc ấn nào không bị nứt chân, màu men lên đẹp mới được chuyển sang công đoạn vẽ vàng.
Anh Mạc Triều Dương là thợ đã có 4 năm theo việc vẽ trên các sản phẩm gốm sứ cho biết, để hoàn thiện vẽ một sản phẩm linh vật rồng Giáp Thìn 2024, trung bình anh mất khoảng 2,5 tiếng, một ngày vẽ nhiều nhất được 5 sản phẩm. Khó nhất là vẽ các chi tiết ẩn khuất, nằm sâu sau các khe nhỏ hẹp trên sản phẩm.
Một sản phẩm ấn Rồng hoàn thiện. Trên 3 mặt sản phẩm có 3 chữ An-Thuận-Phát, mặt còn lại được điêu khắc cảnh cá chép hóa rồng thể hiện sự lột xác, vượt trội, chuyển sang một giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Văn Lực, người lên ý tưởng nghệ thuật và đặt hàng các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện “Kỳ linh Giáp Thìn” cho biết, ấn gốm được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, một bảo vật của Việt Nam. Hình tượng rồng trên ấn được khơi nguồn sáng tạo từ rồng thời Lê ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Thông qua các hoạt động làng nghề lan tỏa những giá trị, nét đẹp của lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Những chiếc ấn được đặt tên là Kỳ Linh Giáp Thìn 2024 và nằm trong một bộ sưu tập sản phẩm mang tên "Dấu ấn rồng thiêng". Đại diện doanh nghiệp đặt hàng sản phẩm này cho biết, bộ sưu tập trên mang ý nghĩa như một dấu mốc đánh dấu cho một thời kỳ mới, bước sang một giai đoạn thịnh vượng mới./.
Những chiếc ấn được đặt tên là Kỳ Linh Giáp Thìn 2024 và nằm trong một bộ sưu tập sản phẩm mang tên "Dấu ấn rồng thiêng".
Bài: Khánh Long, Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/doc-dao-an-rong-lang-bat-trang-359693.html