Sau 2 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) kể từ khi được chọn làm huyện điểm của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc đang thay đổi từng ngày diện mạo của mình với “tấm áo” nhiều màu sắc của xoài, ngô, của những con đượng nhựa, bê tông trải rộng thênh thang đến từng thôn làng, ngõ xóm... Đó chính là thành quả từ những chính sách hợp lí của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận và nỗ lực lớn của người dân nơi đây.
Ngay sau khi có sự chỉ đạo của tỉnh, Xuân Lộc đã tập trung đẩy nhanh các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp trong huyện, điển hình như Dự án Khu Liên hiệp công nông nghiệp Donataba. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tại nơi có điều kiện, nhân rộng mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy phát triển đồng bộ, góp phần sớm hoàn thành xây dựng 14 xã NTM trên toàn huyện.

Công viên ở trung tâm huyện Xuân Lộc khang trang, sạch đẹp.

Trụ sở UBND huyện Xuân Lộc.

Phòng khám Đa khoa xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc.

Cơ chế một cửa tại UBND xã Xuân Hưng. |
Để tạo đà cho chiến lược xây dựng NTM, hai xã Xuân Định và Xuân Phú đã được huyện, tỉnh chọn làm điểm trước khi nhân rộng ra các địa phương còn lại. Ngay tháng 1/2012 vừa qua, xã Xuân Định của Xuân Lộc đã trở thành địa phương đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai hoàn thành chương trình xây dựng NTM khi đạt đủ 19/19 tiêu chí. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Định, chính quyền xã luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm nhằm tận dụng các thế mạnh sẵn có của địa phương. Từ đó, người dân Xuân Định đã mạnh dạn chuyển đổi từ các giống cũ sang trồng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, với tỉ lệ chiếm trên 80%, giá trị kinh tế bình quân từ 100 - 250 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn được coi là đòn bẩy tạo điều kiện cho việc đi lại và phục vụ vận chuyển nông sản cho người dân, giúp nông dân mở rộng quy mô các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa gần 26km đường với tổng kinh phí đầu tư gần 12,3 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp từ 50 - 100% kinh phí, cùng hàng chục ngàn ngày công lao động, giúp tỉ lệ đường giao thông được “cứng hóa” đạt 100%.
«...
Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Định: “Để Xuân Định có được bộ mặt mới khang trang, giàu đẹp như ngày hôm nay, người dân đã có vai trò chính trong việc nâng cao đời sống vật chất, phát triển kinh tế hạ tầng dưới sự quan tâm, định hướng của chính quyền địa phương". |
Những ngày ở Xuân Lộc, chúng tôi được kĩ sư Nguyễn Thị Ninh, một nữ cán bộ nông nghiệp đã gắn bó, sâu sát với nông dân vùng đất này trong suốt 30 năm qua, cho biết, nếu Xuân Hưng có thế mạnh trồng xoài, Xuân Phú gắn liền với mô hình trồng rau sạch, thì Lang Minh cũng bát ngát một màu xanh của ngô…
Ông Lý Phát Sinh, ở ấp Tây Minh, xã Lang Minh, một nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, cho biết, chị Ninh chính là người đã đưa giống ngô lai về trồng trên những cánh đồng Lang Minh từ năm 2000. Và ông Sinh cũng là người tiên phong của xã trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa 3 vụ chuyển sang canh tác 2 vụ lúa và 1 vụ ngô đạt hiệu quả kinh tế cao, riêng cây ngô đạt năng suất từ 12 - 13 tấn/ha.
Với xã Xuân Phú, thành công nổi bật nhất của quá trình xây dựng NTM chính là việc hình thành và phát triển 26 câu lạc bộ năng suất cao (CLB NSC), 1 liên hiệp CLB NSC và 3 hợp tác xã, thu hút gần 1.200 hội viên tham gia. Từ các mô hình này đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân và hội viên tiếp cận các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đưa giống mới vào sản xuất và nhất là đã cơ giới hóa đạt từ 80-100% tùy theo từng công đoạn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở xã Xuân Phú còn xuất hiện các vùng trồng rau sạch, rau an toàn do nông dân thực hiện với mức thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/ha...

Cán bộ huyện Xuân Lộc và xã Xuân Hưng trong chuyến thăm
trang trại xoài của anh Nguyễn Đình Hoài Vương ở ấp 3, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Ngôi nhà khang trang nhờ hiệu quả từ việc trồng xoài của ông Nguyễn Thế Bảo,
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại và Du lịch Suối Lớn, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Một ngôi nhà thờ của đồng bào theo đạo Hồi ở huyện Xuân Lộc.

Các doanh nghiệp cũng góp phần giúp Xuân Lộc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa 3 vụ chuyển sang canh tác 2 vụ lúa và 1 vụ ngô
giúp nông dân ở xã Lang Minh đạt hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai xây dựng đường bê tông tại huyện Xuân Lộc.

Trại chăn nuôi heo giống của nông dân anh Lê Văn Kiếm. |
Tiếp nối những thành công bước đầu, huyện Xuân Lộc tiếp tục đề ra mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là Bảo Hòa, Xuân Thọ, Suối Cao. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa vào nông nghiệp nông thôn, triển khai thực hiện mô hình liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”.
Hiện tại, huyện Xuân Lộc cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Gia Măng, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng tại các xã Suối Cát, Lang Minh, Xuân Hiệp; huy động mọi nguồn lực thực hiện các công trình phục vụ dân sinh như trạm xá, trường học, nhà văn hóa… Phấn đấu đến năm 2015, Xuân Lộc sẽ hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tiến đến đạt chuẩn huyện NTM theo 19 nhóm tiêu chí Quốc gia của Chính phủ./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/dien-mao-moi-nong-thon-xuan-loc-33774.html