Hôm nay, đến với Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), không ai không khỏi ngạc nhiên trước sự nhộn nhịp và dáng dấp của một khu kinh tế năng động, giàu tiềm năng trên vùng biên ải Đông Bắc Việt Nam.
Từ trung tâm thị xã Cao Bằng, theo con đường rải nhựa bằng phẳng đi men qua các triền núi, chúng tôi tới một thung lũng rộng lớn, nơi có Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng).
Không như ý nghĩ ban đầu về một vùng biên ải vắng vẻ, thưa thớt, những hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp lại là những đoàn xe nặng trĩu nối đuôi nhau hối hả chuyển hàng qua lại báo hiệu một không khí giao thương nhộn nhịp lan tỏa khắp khu vực cửa khẩu Tà Lùng.
Những năm gần đây, tình hình giao lưu, hợp tác kinh tế giữa Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng phát triển, thúc đẩy nhiều hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và du lịch.

Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng.

Một góc thị trấn Tà Lùng.

Du khách làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Tà Lùng.

Bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu đã đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Những chiếc xe trọng tải lớn chờ đưa hàng qua cửa khẩu.

Hạ tầng giao thông đang gấp rút được hoàn thiện. |
Anh Hoàng Cao Bái, Trưởng Ban Kinh tế Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, người đã gắn bó lâu năm với khu cửa khẩu cho biết, so với những năm trước khi mới thành lập, chưa bao giờ không khí nơi đây lại nhộn nhịp như thế này. Anh Bái tâm sự thêm: “Trước đây cửa khẩu rất vắng vẻ, chủ yếu là nơi giao thương của người dân địa phương, hàng hóa qua lại cũng hạn chế về số lượng và chủng loại. Từ khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2005, nhờ có chính sách chủ trương đúng đắn của Trung ương và tỉnh, Tà Lùng hôm nay đã khác xưa nhiều lắm”.
Huyện Phục Hòa có thế mạnh với 21km đường biên giới giáp Trung Quốc, trong đó Tà Lùng có 5km đường biên. Đường xá tuy xa nhưng đi lại thuận tiện bởi hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp nên Tà Lùng đã thực sự là nơi thu hút các doanh nghiệp đến đây giao thương.
“Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới dài 322km, tức dài nhất trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Thuận lợi của Cao Bằng là giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), là nơi đông dân, giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, nhu cầu trao đổi, xuất khẩu hàng hóa, vật tư, nguyên liệu giữa Trung Quốc và Việt Nam là rất lớn. Vì thế tỉnh Cao Bằng xác định các cửa khẩu không chỉ phục vụ cho riêng tỉnh mà còn tạo thành hệ thống giao thương quốc tế ở vùng Đông Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc, từ đó mở rộng ra cả hệ thống giao thông xuyên Á và ASEAN”-
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. |
Ông Trần Văn Xếp, Đội trưởng đội bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu cho biết, hiện có 200 – 300 nhân công thường xuyên túc trực và làm việc tại cửa khẩu cả ngày lẫn đêm. Họ là người địa phương và cả những người dưới xuôi lên làm việc. Công việc bốc dỡ hàng hóa đã đem lại cho họ một nguồn thu nhập đáng kể để đảm bảo cho cuộc sống gia đình với khoảng 200 nghìn/1 ngày công.
Trong những năm qua, được Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kĩ thuật, diện mạo Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng đang từng bước được hiện đại. Cùng với đó là các cơ chế chính sách ưu đãi đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và doanh nhân đến đầu tư, phát huy thế mạnh cửa khẩu biên giới.
Tà Lùng hôm nay không còn là vùng đất khô cằn sỏi đá, làng bản thưa thớt mà thay vào đó là một khu kinh tế năng động nhộn nhịp ngày đêm với người và xe qua lại. Cuộc sống người dân nơi đây cũng đổi thay và hòa mình với nhịp sống của Tà Lùng. Tính cho đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế đã có 16 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với 18 dự án thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau, tổng vốn đầu tư đăng kí lên đến hàng chục triệu USD. Trong đó có những dự án lớn như: Dự án xây dựng khách sạn 3 sao; trung tâm vui chơi giải trí dành cho khách quốc tế; trung tâm thương mại quốc tế và khu làng các dân tộc mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam...
Tính đến cuối năm 2010, tại Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 50 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng trên 60 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như quặng sắt, hạt điều, sản phẩm gỗ, nguyên liệu mía. Hàng nhập khẩu gồm có máy móc công nghiệp, hàng nông sản, xe máy, thiết bị cơ khí...
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thị trấn Tà Lùng thành khu đô thị hiện đại, văn minh, mới đây UBND tỉnh Cao Bằng đã quy hoạch, điều chỉnh thị trấn Tà Lùng. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 2 nghìn tỉ đồng xây dựng một phân khu chức năng rộng 642ha cho Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng với nhiều hạng mục như: Khu thương mại quốc tế; Khu thương mại nội địa; Khu công nghiệp chế biến, lắp ráp; Khu chức năng quản lí nhà nước tại cửa khẩu...
Về phía bạn, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng đang tích cực xây dựng Khu kinh tế Thuỷ Khẩu với đầy đủ các hạng mục công trình và hoàn thành tuyến đường cấp II khai thông tuyến đường giao thông từ Long Châu đi Cao Bằng (và ngược lại).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng có đường biên giới dài 322km, tức dài nhất trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Thuận lợi của Cao Bằng là giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), là nơi đông dân, giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, nhu cầu trao đổi, xuất khẩu hàng hóa, vật tư, nguyên liệu giữa Trung Quốc và Việt Nam là rất lớn. Vì thế tỉnh Cao Bằng xác định các cửa khẩu không chỉ phục vụ cho riêng tỉnh mà còn tạo thành hệ thống giao thương quốc tế ở vùng Đông Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc, từ đó mở rộng ra cả hệ thống giao thông xuyên Á và ASEAN. Và tương lai, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng sẽ trở thành một đô thị công nghiệp hiện đại và năng động của vùng Đông Bắc, sánh bước cùng các cửa khẩu lớn khác của Việt Nam như: Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)...
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Hoàng Hà
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/diem-sang-ta-lung-21566.html