Sau năm 1975, Địa đạo Củ Chi đã được bảo tồn, tôn tạo trở thành một di tích lịch sử cách mạng, mở cửa giới thiệu đến du khách tham quan tìm hiểu về kiến trúc và quá trình chiến đấu gian khổ cũng như đời sống của quân dân trong hầm địa đạo trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Theo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, hiện nay trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1,5 triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi đây cũng đã đón nhiều đoàn khách là lãnh đạo cao cấp nhà nước, quân đội của các quốc gia trên thế giới.
Du khách khám phá mạng lưới địa đạo phức tạp ở huyện Củ Chi.
Đường hào trong làng giải phóng thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP
Xưởng tái chế các loại bom đạn thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP
Mô hình bộ đội cưa bon thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thông Hải/VNP
Du khách tham quan các loại bẫy chông tự tạo thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP
Tái hiện không gian, cuộc sống sinh hoạt trong làng giải phóng thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP
Đến với Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được tận mặt chứng kiến một hệ thống địa đạo quy mô, bài bản và chắc chắn nhưng lại được thực hiện hoàn toàn thủ công và bằng sức người đã tồn tại suốt hơn 75 năm qua.
Ngoài hầm địa đạo là điểm nhấn chính, một khu vực hấp dẫn nữa là khu vực tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn từ 1960-1975. Nơi đây như một bức trang làng quê miền Nam thu nhỏ, yên bình nép dưới rừng tre xanh mát, nhiều hoạt cảnh tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt đặc trưng của người dân lúc bấy giờ rất sinh động. Các địa điểm khác như: Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu trưng bày vũ khí chiến tranh, hồ mô phỏng biển Đông, rừng gỗ quý ba miền, ba mô hình mô phỏng làm đại diện của ba miền đất nước - gồm chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế) và Bến Nhà Rồng (Tp.HCM) được tái hiện sinh động trong Khu di tích.
Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động cấy lúa, bắt cá, tham gia các trò chơi thể thao như bắn súng sơn, bắn súng đạn thật, đi xe đạp, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản miền đất Củ Chi, đặc biệt là món khoai mì luộc, vốn là món ăn truyền thống của vùng đất này trong thời kỳ chiến tranh gian khó.
Du khách thăm quan khu trưng bày xe tăng. Ảnh: Lê Minh/VNP
Máy bay C130 tại khu trưng bày. Ảnh: Lê Minh/VNP
Trải qua bao năm tháng, dấu vết chiến tranh đã mờ dần nhưng vẫn còn đó một hệ thống Địa đạo Củ Chi gần như nguyên vẹn, trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng rất đặc biệt./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/dia-dao-cu-chi-mot-vung-di-tich-lich-su-dac-biet-390251.html