Khoảng 8 năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi từ trồng lúa trên đất nhiễm phèn sang trồng cói ba vụ/ năm, nhiều hộ dân ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) đã vươn lên thoát nghèo, có được cuộc sống ấm no, sung túc nhờ nghề trồng và dệt cói.
Chúng tôi đến xã Đức Mỹ đúng vào mùa cao điểm thu hoạch cói. Hai bên bờ dòng sông Cổ Chiên phủ một màu xanh thẳm của hơn 600ha đất trồng cói ở xã Đức Mỹ tạo nên một bức tranh làng quê sinh động và yên bình.
Gần đó, tiếng máy dệt cói của Hợp tác xã (HTX) Quyết Tâm đang vận hành liên tục, “nuốt” từng cọng cói vàng khô rồi “nhả” ra những tấm thảm, tấm chiếu tinh tươm. Những người thợ khéo tay đang cẩn thận làm những công đoạn cuối cùng: cắt tỉa các phần cói thừa, cột dây và làm nốt những chi tiết còn lại để hoàn chỉnh các sản phẩm.
Ông Nguyễn Tấn Sen (56 tuổi), Chủ nhiệm HTX Quyết Tâm cho biết, nhờ lãnh đạo địa phương khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn chuyển sang trồng cói, loại cây phù hợp với điều kiện đất đai ở đây nên đã thu được những kết quả tích cực.
Hơn 600ha cói ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Người dân xã Đức Mỹ phơi cói vừa thu hoạch.
Cói tươi sau khi gặt xong phải phơi khô trước khi sản xuất thành phẩm.
Từng thảm cói được phơi, hong khô ngoài sân.
Cói sau khi phơi khô được mang vào nhà xưởng chuẩn bị cho các công đoạn gia công sản xuất tiếp theo.
Dệt thảm cói tại một gia đình ở Đức Mỹ.
Một cụ bà cũng phụ con cháu làm những công đoạn nhẹ nhàng trong quá trình làm sản phẩm cói.
Máy dệt thảm cói được một số hộ dân trong vùng sử dụng giúp tăng năng suất sản phẩm.
Một số sản phẩm cói mỹ nghệ vẫn được làm từ phương pháp thủ công khéo léo.
HTX Quyết Tâm cũng là nơi đào tạo nghề uy tín với những người thợ lâu năm, lành nghề.
Đôi bàn tay khéo léo của người thợ đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của một sản phẩm cói mỹ nghệ. |
HTX Quyết Tâm được thành lập từ năm 1999, vừa là điểm thu mua cọng cói thô từ các hộ dân, vừa là nơi gia công các sản phẩm làm từ cây cói. Ngoài gần 20 công nhân làm việc tại HTX, còn có khoảng 500 nhân công nhận làm gia công các sản phẩm cói thô tại nhà.
Ông Sen hồ hởi cho biết thêm: “Cây cói dễ trồng và chăm sóc nên mỗi công đất có thể thu trên một tấn cói khô. Hiện nay, mỗi năm bà con trồng được ba vụ cói, với giá cói loại I được mua từ 19.000 – 20.000 đồng/kg đã giúp cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân”.
Từ khi thành lập HTX, không chỉ những hộ dân trong xã mà một số bà con ở các địa phương lân cận cũng có thêm việc làm, tạo thêm thu nhập vào những lúc nông nhàn từ cây cói. Sản phẩm của HTX Quyết Tâm được làm rất tinh xảo và phong phú về chủng loại. Các sản phẩm phổ biến như chiếu cói, thảm cói cùng các đồ gia dụng, mỹ nghệ như: nón, giỏ, túi xách, sọt, khuôn… được nhiều địa phương trong và ngoài nước thu mua.
Riêng hai mặt hàng chiếu cói và thảm cói thường xuyên được xuất bán sang các nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc với các đơn đặt hàng ổn định hàng tuần, hàng tháng. Các sản phẩm của HTX Quyết Tâm được bạn hàng đánh giá rất cao về chất lượng, tính thẩm mỹ cao.
Một số sản phẩm cói mỹ nghệ của HTX Quyết Tâm:
|
Được biết, xã Đức Mỹ có 2.348 hộ dân thì đã có hơn 1.600 hộ gắn bó với nghề trồng cói, gia công các sản phẩm từ cây cói. Đời sống người dân ngày càng đi lên cũng từ nghề trồng cói. Bởi thế mà từ năm 2009, xã Đức Mỹ đã được công nhận là làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu, và trở thành thành viên của Hiệp hội làng nghề Việt Nam./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/det-coi-ben-dong-co-chien-85921.html