Nghệ thuật

Đèn sứ thấu quang Bát Tràng

Với nguyên liệu đất cao cấp nhất hiện nay, đèn sứ thấu quang là sản phẩm đặc biệt của làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chúng tôi có mặt ở xưởng sản xuất của Công ty TNHH Gốm Sứ Mai Linh, một trong những hộ chuyên sản xuất về sản phẩm đèn sứ thấu quang. Chị Đặng Thị Tuyết - chủ công ty cho biết, hiện nay ở Bát Tràng có rất nhiều loại gốm sứ gia dụng được nhiều người biết đến nhưng đèn sứ thấu quang là sản phẩm độc đáo với nguyên liệu đất thấu quang được nhập từ mỏ đất của các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Dòng sản phẩm này đặc biệt ở chỗ kết hợp sử dụng với các loại tinh dầu sẽ giúp khử mùi hôi trong phòng, đuổi muỗi và làm ấm phòng.

Quy trình sản xuất đèn sứ thấu quang gồm khá nhiều bước. Người thợ sẽ đổ đất thấu quang vào hệ thống khuôn nhất định. Sau khi có được khuôn sẽ đem gọt, tiện đi cho trau chuốt. Khâu vệ sinh bằng nước cũng đòi hỏi sự cẩn thận vì bản chất sản phẩm đèn sứ thấu quang khá mỏng để thấu được ánh sáng ra ngoài và nổi bật được họa tiết sao cho thật nhất.


Xưởng chuyên sản xuất đèn sứ thấu quang Bát Tràng, Hà Nội.


Đất thấu quang được đổ vào khuôn có sẵn theo từng loại đèn to nhỏ khác nhau.



Các thiết bị máy móc hỗ trợ cho việc làm hình khối trở nên chính xác và tăng năng suất hơn.



Các sản phẩm sau khi được làm thô bởi các thiết bị máy móc sẽ chuyển tới tay người thợ để sửa sản phẩm.



Công đoạn tiện, gọt đế đèn thấu quang cho trau chuốt.



Sau khi được trau chuốt, sẽ 
rửa sạch sản phẩm bằng nước trước khi đem vẽ.


Khu vực vẽ các sản phẩm đèn thấu quang.



Các họa tiết trang trí lên đèn sứ thấu quang chủ yếu được lấy ý tưởng từ phong cảnh, làng quê Việt Nam, như cây tre, chợ quê…



Để hoàn thiện mỗi tác phẩm sẽ mất khoảng từ 30 phút đến 2 tiếng tùy từng kinh nghiệm của người thợ.



Ngoài các hình ảnh về quê hương Việt Nam thì các dòng sản phẩm thư pháp cũng được ưa chuộng vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Công đoạn quan trọng nhất trong việc sản xuất đèn sứ thấu quang là sáng tạo các họa tiết lên trên các sản phẩm. Các họa tiết được vẽ trên đèn sứ thấu quang sẽ được người thợ tự nghĩ ra hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Các chủ đề, họa tiết khá phong phú nhưng hầu hết là tập trung vào các phong cảnh mộc mạc, bình dị ở làng quê Việt Nam như cây tre, con đò, đêm trăng, chợ quê.

Là người đã có 
10 năm kinh nghiệm, chị Đỗ Thị Thùy cho biết, vẽ trên đèn sứ thấu quang khó hơn so với loại lọ thông thường, bởi phải làm sao khi thắp đèn lên thì họa tiết trên đèn trông giống hình 3D thật nhất. Nên hầu hết đều sử dụng cách vẽ nổi bằng bút và bơm với những nét vẽ nhỏ, kỹ và tinh xảo. Hồi mới đầu vẽ chưa quen thì mất tầm 2-3 tiếng mới xong một sản phẩm, đến giờ đã có kinh nghiệm thì mất khoảng 30 phút là có thể vẽ xong một sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được tráng men và đem vào lò nung xong, người thợ sẽ xem để chỉnh sửa lại, cũng như rút kinh nghiệm cho những lần vẽ khác.

Ngoài ra, để tăng thêm sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm thì người thợ làng Bát tràng còn đưa chữ thư pháp, các câu thơ, các chữ đơn gắn liền với ngày Tết hay những họa tiết hoa lá cỏ cây mang phong cách hiện đại, trẻ trung vào sản phẩm đèn xông tinh dầu. Bởi kiểu đèn này còn dùng trong trang trí nội ngoại thất phù hợp với không gian sống.

Cùng với sự đa dạng về kiểu dáng như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật, hình trụ… cho khách hàng lựa chọn, sản phẩm đèn sứ thấu quang hiện nay của làng Bát Tràng được bán với giá dao động từ 55 nghìn đến hơn 1 triệu phù hợp với nhu cầu sử dụng./.


Các mẫu đèn sứ thấu quang phong phú, bắt mắt qua bàn tay của các nghệ nhân làng Bát Tràng:












 
 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/den-su-thau-quang-bat-trang-249842.html


top