Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, gắn liền với địa danh sóc Bom Bo huyền thoại, nơi ghi dấu về lịch sử cách mạng vẻ vang – nơi văn hóa bản địa đa sắc màu, là điểm nhấn du lịch, khám phá văn hóa đặc trưng của địa phương.
Thị trấn Đức Phong là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Bù Đăng hiện nay.
Ngược dòng lịch sử, Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ của thế kỷ 20, sóc Bom Bo chính là trung tâm tiếp tế lương thực cho chiến dịch ở địa phương, hình ảnh “giã gạo chày đôi” được phục dựng trong Khu bảo tồn cùng với các hoạt động hướng dẫn du khách tìm hiểu, trải nghiệm cách giả gạo bằng chày của người Stiêng nhằm tái hiện giai đoạn “toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân” với sự đoàn kết và tình yêu nước của đồng bào. Ngày nay, Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có tổng diện tích khoảng 113ha, trở thành địa chỉ văn hóa – lịch sử đặc biệt của Bù Đăng, với nhiều hạng mục, địa chỉ tham quan, khám phá, trải nghiệm văn hóa ấn tượng.
Khu bảo tồn ngày nay là điểm du lịch nổi tiếng tỉnh Bình Phước ở xã Bom Bo, có thiết kế mô phỏng mái nhà dài của người S’tiêng. Thời gian qua, huyện Bù Đăng đã tiến hành trùng tu, nâng cấp và xây dựng nhiều công trình trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, quảng bá các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích văn hóa, nhằm phát triển dịch vụ du lịch hướng tới xây dựng “Bù Đăng – cuộc sống xanh, điểm đến bình yên”. Nhiều hoạt động văn hóa được tái hiện một cách sinh động phục vụ du khách đến qua, như: tham quan kiến trúc nhà ở của người S’tiêng, tìm hiểu bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam trong Khu bảo tồn, khám phá nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của người bản địa, trải nghiệm giã gạo chày đôi cùng nhiều hoạt động bảo tồn các làn điệu ca, múa dân gian của người S’tiêng và các lễ hội dân gian đặc sắc khác. Tại đây, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ẩm thực địa phương đặc trưng, trong đó không thể không nhắc đến món cơm lam và những chén rượu cần - là một trong những món ăn và thức uống không thể thiếu của bà con dân tộc vùng cao. Đến với sóc Bom Bo, tiếng cồng chiêng vang lên trong đếm tối, khách mặc trải nghiệm trang phục truyền thống của đồng bào S’tiêng, cùng ca múa bên ánh lửa bập bùng, “"Người đi xa vắng rồi cũng có ngày - tìm đường này thăm sóc Bom Bo"… lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sỹ Xuân Hồng cứ thế lại hào hùng cất vang, say đắm, nồng thắm, tự hào…
Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, điểm du lịch nổi tiếng tỉnh Bình Phước ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.
Khách tham quan trải nghiệm giã gạo chày đôi trong nhà dài truyền thống của người S’tiêng.
Khách tham quan tìm hiểu bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Đến với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh), du khách được chiêm ngưỡng bộ đàn đá nặng 20 tấn với 20 thanh.
Tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Thuyết minh viên Điểu Cường (người S’tiêng) giới thiệu bộ ché mang đặc trưng văn hóa dân tộc S’tiêng, M’nông ở Bình Phước.
Bù Đăng ngoài sóc Bom Bo, vẫn còn rất nhiều địa chỉ văn hóa, địa điểm tham quan, trải nghiệm ấn tượng không kém, có thể kể them như: khu căn cứ Nửa Lon, chùa Đức Bổn A La Nhã, hệ thống thác nước đồ sộ (thác Voi, thác Đứng) cùng trảng cỏ Bù Lạch rộng đến 500ha thuộc xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng) hòa quyện thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, sống động, mang lại những trải nghiêm, khám phá đa dạng cho du khách.
Để nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở địa phương, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Bù Đăng đã đặt ra các giải pháp tập trung hình thành các tour, tuyến du lịch, đồng thời chủ động kết nối với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh; Hiệp hội du lịch tỉnh để xây dựng và kết nối với các điểm du lịch lân cận như: Khu du lịch Tà Nùng Thác Diệu Thanh (Đắk Nông); vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng); Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập (Huyện Bù Gia Mập)…/.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/den-bu-dang-kham-pha-khu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-stieng-381375.html