Khai thác nghệ thuật tuồng truyền thống để thu hút khách du lịch, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng chương trình đặc sắc “Đêm hoàng cung”. Chương trình không đi sâu vào nghệ thuật hát xướng đặc trưng của tuồng mà giới thiệu đến du khách quốc tế nghệ thuật biểu diễn tuồng, nghệ thuật múa tuồng, nghệ thuật âm nhạc truyền thống của tuồng trong chốn hoàng cung thời nhà Nguyễn...
“Đêm hoàng cung” được dàn dựng như một buổi biểu diễn có không gian trong chốn cung đình xưa, có vua, hoàng hậu cùng các quan ngồi thưởng thức tuồng. Sân khấu chương trình bài trí lộng lẫy, hài hòa vẻ thẩm mỹ.
Chương trình nghệ thuật “Đêm hoàng cung” gồm 2 phần. Phần 1 giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam như cách thực hiện trang phục, đạo cụ, hóa trang của nghệ sĩ... Qua đó, du khách có thể trải nghiệm nghệ thuật tuồng bằng việc xem các nghệ sĩ hóa trang và tự mình trực tiếp tham gia vào việc hóa trang thành các nhân vật trong tuồng như vua, hoàng hậu, quân lính...
Các nghệ sĩ tuồng hóa trang trước buổi diễn.
Nghệ thuật hóa trang của tuồng rất cầu kì, đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy tắc nghiêm ngặt
nhằm lột tả được tính cách của nhân vật cũng như nội dung của tích tuồng
Một nghệ sĩ tuồng đang hóa trang vào vai vua.
Chuẩn bị đạo cụ trước giờ diễn.
Những loại đạo cụ thường được sử dụng trong các tích tuồng cổ.
Gian trưng bày giới thiệu trang phục biểu diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Các loại mặt nạ mô tả cách hóa trang nhân vật tuồng. Tùy theo tính cách nhân vật, thiện - ác, ngay - gian...
mà đường nét và màu sắc thể hiện trên khuôn mặt nhân vật có nét đặc trưng riêng biệt.
Du khách nước ngoài tới xem buổi biểu diễn Đêm hoàng cung.
Không gian ấm cúng của khán phòng Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Ngoài chương trình biểu diễn, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn tổ chức không gian trưng bày giới thiệu
các loại trang phục và đạo cụ nhằm giúp du khách hiểu rõ thêm về nghệ thuật tuồng truyền thống của Việt Nam. |
Phần 2 gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong hoàng cung xa xưa với các tiết mục nổi tiếng như: múa cờ, múa lân sư, múa lân mẹ đẻ lân con, múa Liêm Cương thuần phục ngựa, chồng già cõng vợ đi xem hội, nhạc kèn khúc khải hoàn, múa hát hầu Thánh... Chương trình luôn lồng ghép giữa biểu diễn nghệ thuật và các thông tin về tuồng thông qua các đoạn hỏi – đáp giữa vua và quan thái giám, hoàng hậu và vua... Lời giới thiệu hay các đoạn thoại đều được dịch sang tiếng Anh giúp khách nước ngoài dễ nắm bắt được nội dung chương trình.
Ở phần biểu diễn, khán giả cảm nhận được âm hưởng hùng tráng, đặc trưng thẩm mỹ của tuồng cổ thể hiện qua trích đoạn “Ngũ biến”. Tích tuồng này kể về cô gái Xuân Trần của nghĩa quân của Lê Lợi (1384 – 1433) đã 5 lần biến hóa vượt qua vòng vây của giặc Minh xâm lược. Xuân Trần 5 lần sử dụng những hình thức hóa trang, phục trang, giọng nói của 5 nhân vật khác nhau nhưng vẫn là ánh mắt tinh nghịch, thông minh, lúc là trẻ chăn trâu, cô gái điên, lão tiều phu, khi làm người ăn mày bị phong hủi, ông thầy bói... Dù ở bất cứ hình thức, nhân vật nào cũng đượm chất khí phách anh hùng.
Không dừng lại ở các điển tích, tinh hoa tuồng cổ được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam mở rộng hướng tới du khách qua nhiều tích tuồng mang âm hưởng dàn nhạc tuồng. Tiết mục trích đoạn “Hồ nguyệt cô hóa cáo” hấp dẫn người xem bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố hát, múa, âm nhạc, diễn xuất làm nổi bật giá trị, tư tưởng, nhân văn sâu sắc.
Chương trình nghệ tthuật tuồng "Đêm hoàng cung" tái hiện lại khung cảnh chốn cung đình thời Nguyễn.
Vở diễn giúp người xem, đặc biệt là khán giả người nước ngoài hiểu thêm về đời sống chốn cung đình của người Việt xưa.
Cảnh hoàng hậu và thái tử nghênh đón nhà vua trong đêm hoàng cung.
Tiết mục múa cờ của các nghệ sĩ tuồng trên sân khấu.
Điệu múa thể hiện động tác phi ngựa mang tính ước lệ cao của nghệt huật tuồng cổ.
Một cảnh trong trích đoạn tuồng cổ kinh điển “Chồng già cõng vợ đi xem hội”.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam chào tạm biệt khán giả sau đêm diễn. |
Nghệ thuật múa tuồng qua trích diễn trích đoạn “Liêm Cương thuần phục ngựa” trong “Đêm hoàng cung” được coi một tích mẫu mực. Với một chiếc roi ngựa và bằng những động tác múa mang tính ước lệ cao, người nghệ sĩ có thể mô tả được cả những tư thế đặc trưng của người cưỡi ngựa và thuần phục ngựa. Trò diễn đưa đến một thế giới tưởng tượng trong nghệ thuật thực mà hư, như là cầu nối giữa thế giới nội tâm nhân vật với khán giả...
Chương trình “Đêm hoàng cung ” gồm 15 tiết mục biểu diễn tối thứ 2, thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần tại rạp Hồng Hà – Hà Nội mang đậm chất văn hóa cung đình xưa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế bởi sự mới mẻ, đậm đà chất văn hóa dân tộc./.
Nghệ thuật tuồng được coi là loại kịch hàn lâm của Việt Nam, được đánh giá tương đương như Kinh Kịch của Trung Quốc hay Kịch Noh của Nhật Bản. Dưới triều Nguyễn, từ năm 1802 đến năm 1945, tuồng được xem là quốc kịch nên nghệ thuật tuồng phát triển từ sân khấu dân gian trở thành nghệ thuật chốn cung đình. Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều soạn giả tuồng nổi tiếng như: Đào Duy Từ (1572 – 1634) với tác phẩm “Vũ khúc tuồng cổ Sơn Hậu”, Đào Tấn (1845 – 1907) với hàng chục vở tuồng cổ kinh điển tạo thành những hình tượng bất hủ như: “Tam nữ đô vương”, “Đào Phi Nhung”, “Quan Công quá quan”, “Hò sanh đàn”...
|
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/dem-hoang-cung-58746.html