Asean

Đẩy mạnh kết nối điểm đến ASEAN

Thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thúc đẩy kết nối điểm đến và định hướng phát triển du lịch bền vững trong khu vực,Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2024 đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy du lịch nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác một cách hiệu quả và thực chất.


Thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thúc đẩy kết nối điểm đến và định hướng phát triển du lịch bền vững trong khu vực,Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2024 đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy du lịch nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác một cách hiệu quả và thực chất.

Với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm-Vì tương lai ASEAN bền vững”, các quốc gia Đông Nam Á mong muốn tạo ra các điểm đến chất lượng, ngành du lịch hành động có trách nhiệm với môi trường và thiên nhiên, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch nhanh và bền vững hơn trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những năm qua, các nước ASEAN+3, cũng như ASEAN với các đối tác đã phối hợp triển khai kế hoạch hành động với 4 hoạt động lớn là: Triển lãm, hội chợ du lịch, hội thảo du lịch và hoạt động chuyển đổi số trong du lịch. Bước đầu có thể thấy các hoạt động này đã đạt những thành tựu, đặc biệt là sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Lễ khai hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 tại Khu di tích chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo Kế hoạch chiến lược du lịch, ASEAN xác định đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao. ASEAN cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á. Trong đó, "Phát triển Du lịch Lễ hội ASEAN" là một dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khu vực, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối.

 Khu vực ASEAN được coi là những đất nước của các lễ hội. Tại đây lễ hội diễn ra quanh năm, ở nhiều nơi với nhiều sắc thái khác nhau. Đó có thể là lễ hội phản ánh tín ngưỡng thờ lúa, thờ nước, phồn thực, mặt trời, thờ cúng tổ tiên.

Hội thi voi Buôn Đôn 2023 tại xã KrongNa (Đắk Lắk). Hội thi có các hoạt động trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi.
Ảnh: TTXVN

Các lễ hội cổ truyền Đông Nam Á gồm lễ hội nông nghiệp, tôn giáo, tôn vinh anh hùng dân tộc, thành hoàng, tổ nghề... Du lịch lễ hội đem đến cơ hội để khách du lịch khám phá văn hóa bản địa, ẩm thực truyền thống và đặc biệt là trải nghiệm hoạt động vui chơi giải trí đặc sắc.

Quần thể di tích phật giáo Borobudur ở Yogyakarta, Trung Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Những năm qua, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở nhiều nước Ðông Nam Á. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng được đổi mới, chuyên nghiệp hóa với nhiều hoạt động thu hút du khách. Không ít lễ hội đã trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút đông đảo khách tham gia từ khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu như lễ hội té nước, lễ hội thả đèn lồng (Thái Lan), lễ hội đón năm mới Chnam Thmei (Campuchia), lễ hội đua thuyền (Lào), lễ hội nghệ thuật Bali (Indonesia), lễ hội nụ cười MassKara (Philippines), Festival Huế, lễ hội rằm Trung thu ở Việt Nam...

Người dân Thái Lan và du khách cùng hoà mình trong lễ hội Songkran năm 2023. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, bằng việc làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tôn giáo, du lịch chữa bệnh…, ngành du lịch không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân, mà còn làm tăng giá trị các sản phẩm, cũng như cung cấp cho du khách nhiều lựa chọn.

 

Hiện nay, với vai trò Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, Giám sát và Đánh giá Du lịch ASEAN; điều phối chính dự án "Xây dựng Sản phẩm Du lịch Lễ hội ASEAN", Việt Nam ủng hộ Lào xây dựng tiêu chuẩn Du lịch sinh thái ASEAN như một ưu tiên thực hiện trong Năm Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đề nghị ASEAN khám phá các tiêu chuẩn mới trong những năm tới, có tính đến các xu hướng mới nổi của khu vực như du lịch golf, đang là sản phẩm hấp dẫn và cũng là thế mạnh của nhiều quốc gia thành viên.


Theo dự báo của chuyên gia, ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, Lào cũng sẽ cùng các nước thành viên đẩy mạnh “tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”, nhất là kết nối, phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN./.

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam tổng hợp
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/day-manh-ket-noi-diem-den-asean-359817.html


top