Vừa qua, tại sân vận động xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Gầu Tào. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Mông ở hai xã Hang Kia và Pà Cò. Lễ hội không chỉ là dịp để cộng đồng thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, thần linh mà còn là cơ hội gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “chơi ngoài trời” hoặc “chơi trên đồi”. Ban đầu, lễ hội này chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình với mục đích cầu sinh con. Tuy nhiên, qua thời gian, Lễ hội Gầu Tào đã trở thành hoạt động chung của cả bản làng và cộng đồng. Ngày nay, ý nghĩa của lễ hội không chỉ giới hạn trong việc cầu con cái mà đã mở rộng để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi và cuộc sống an khang, thịnh vượng.
Lễ cúng tạ dưới gốc cây nêu là nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Gầu Tào.
Phần lễ chính của hội Gầu Tào diễn ra dưới gốc cây nêu, một biểu tượng thiêng liêng nối trời với đất trong quan niệm của người Mông. Cây nêu được chọn kỹ lưỡng từ một cây tre đẹp, thẳng và khỏe. Sau khi được dựng giữa bãi đất rộng và bằng phẳng, ngọn cây hướng về phía đông và trang trí với hai mảnh vải lanh màu đỏ, đen cùng một bầu rượu, ba bông lúa nếp và một túm cây cây “sưi” (một cây bản địa thuộc họ dương xỉ). Mỗi vật trên cây nêu đều mang ý nghĩa riêng: hai mảnh vải lanh tượng trưng cho sự tụ hợp và lời kính báo tổ tiên; bầu rượu và bông lúa biểu trưng cho sự no đủ; túm cây “sưi” thể hiện sự sinh sôi nảy nở.
Lễ cúng chính được tiến hành trang nghiêm dưới gốc cây nêu với lễ vật là gà, rượu. Thầy mo, người chủ trì nghi lễ, thay mặt dân làng thắp hương, đọc bài khấn và đốt tiền mã để kính báo thần linh. Sau khi đọc lời khấn cầu, thầy mo dẫn mọi người đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, vừa đi vừa hát bài “Tịnh chay” (có nghĩa là hẹn ngày). Lời bài hát có nội dung gửi đến thần linh, thông báo về lễ tạ ơn của dân bản với thần linh.
Cuộc thi làm bánh giầy truyền thống của người Mông là hoạt động thu hút đông đảo mọi người tới tham gia.
Người dân tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
Khi phần lễ kết thúc, không khí lễ hội chuyển sang phần hội sôi động và náo nhiệt. Tại khu vực rộng lớn gần cây nêu, người dân tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc của người Mông như ném pao, đẩy gậy... Những chàng trai, cô gái người Mông trong trang phục rực rỡ tụ họp lại, cùng nhau thổi khèn, nhảy múa, tạo nên một khung cảnh rực rỡ sắc màu. Điệu khèn Mông vang lên không ngừng, dẫn dắt mọi người hòa mình vào những điệu múa truyền thống mềm mại và uyển chuyển. Bên cạnh các hoạt động văn nghệ, người Mông ở Hang Kia – Pà Cò còn còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Trong đó, hội thi giã bánh giầy truyền thống là hoạt động nổi bật, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Phần hội Gầu Tào thường kéo dài suốt cả ngày trong không khí lễ hội vui vẻ, rộn ràng.
Lễ hội Gầu Tào diễn ra như báo hiệu mùa xuân về. Đây là dịp để người Mông bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần linh và là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Qua những hoạt động sôi động, bà con các dân tộc anh em ở Hang Kia- Pà Cò không chỉ thắt chặt tình đoàn kết mà còn truyền cảm hứng, khơi gợi niềm tự hào dân tộc và cùng nhau tin tưởng về một năm mới ấm no, hạnh phúc./.
- Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dau-xuan-di-hoi-gau-tao-387322.html