Trong chương trình của Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III), phu nhân, phu quân và người đi cùng của các đại biểu đã tới thăm Vịnh Lan Hạ- Đảo Cát Bà thuộc đặc khu Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu - TTXVN
* Lan tỏa giá trị văn hóa trường tồn
Trong khuôn khổ của ABAC III, Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tham quan, trải nghiệm đặc sắc, trong đó có hoạt động thăm làng gốm Chu Đậu và Vịnh Lan Hạ.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng, làng gốm Chu Đậu là trung tâm gốm sứ cao cấp và lừng lẫy nhất của Việt Nam xưa. Gốm Chu Đậu từng bị lãng quên suốt 400 năm. Đến năm 1980, khi một nhà ngoại giao Nhật Bản tình cờ phát hiện một chiếc bình gốm cổ tại bảo tàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới đáy bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên (1450), Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị hý bút". Nhờ thông tin quý giá này, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm về Nam Sách, Hải Dương (nay là Hải Phòng) và khai quật, làm sống lại cả một làng gốm rực rỡ trong quá khứ.
Gốm Chu Đậu xưa được ví von với 4 tiêu chuẩn: "Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông". Nét đặc sắc nằm ở lớp men tro trấu độc đáo và các họa tiết hoa văn đậm chất làng quê Việt Nam như mục đồng, hoa sen, hoa cúc. Vào thế kỷ 17, chiến tranh Trịnh - Mạc đã khiến làng nghề bị tàn lụi, các nghệ nhân phải phiêu bạt và gốm Chu Đậu tưởng chừng như đã biến mất. Nhưng nhờ các cuộc khai quật và đặc biệt là việc phát hiện con tàu đắm ở Cù Lao Chàm với hàng trăm ngàn cổ vật, gốm Chu Đậu đã được thế giới biết đến trở lại.
Bà Hiromi Okase, Nhật Bản là một trong những đại biểu của ABAC III đến thăm làng gốm Chu Đậu cho biết, các mẫu gốm sứ rất độc đáo, nổi bật, đặc biệt là du khách trải nghiệm trực tiếp vẽ trên các mẫu gốm với các họa tiết hoa, lá rất đẹp, tinh xảo.
Trong chương trình, các đại biểu cũng đã tới thăm vịnh Lan Hạ- nơi được mệnh danh là “viên ngọc xanh” của vịnh Bắc Bộ với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng hòa quyện cùng biển cả. Quần đảo Cát Bà sở hữu vịnh Lan Hạ với 366 đảo lớn nhỏ, 136 bãi tắm đẹp, hoang sơ. Vịnh được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới từ năm 2023. Cùng với vịnh Lan Hạ, Cát Bà còn sở hữu rừng quốc gia Cát Bà, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới từ năm 2004. Năm 2023, Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Theo bà Jee Woon, thành viên đoàn ABAC III, Hàn Quốc, Cát Bà có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt là vẫn giữ được trọn vẹn vẻ đẹp yên bình. Cùng với Cát Bà, bà Jee Woon và các đại biểu rất ấn tượng với hành trình tham quan các danh lam, thắng cảnh tại Hải Phòng, thưởng thức những món ăn đặc sắc của thành phố Cảng. Thành phố này có sức hút mãnh liệt với vẻ đẹp hiện đại của những công trình kiến trúc, với những con người hào sảng, thân thiện.
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty Cát Bà Panorama cho biết, công ty vinh dự là đơn vị đưa các vị đại biểu dự hội nghị ABAC III tham quan Vịnh Lan Hạ. Đây là cơ hội tuyệt vời để hình ảnh Cát Bà lan tỏa khắp thế giới thông qua các bức ảnh, các clip nhiều vị khách đã quay, chụp lại.
Ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ thêm, đơn vị đã có nhiều dịp đón các đoàn đại biểu cấp cao. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi các vị đại biểu về nước sẽ tiếp tục đưa người thân, bạn bè quay lại thăm, nghỉ dưỡng tại Cát Bà.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, ABAC III là thời cơ vàng để Hải Phòng quảng bá hình ảnh đến bạn bè trong nước, quốc tế, đặc biệt là giới thiệu về các danh lam, thắng cảnh. Trong 9 di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thới giới thì Hải Phòng đã có 2 di sản. Điều này cho thấy, sự phát triển của Hải Phòng đặt trên nền tảng của chiều sâu, bề dày văn hóa, tạo nên sức hút rất riêng có để chào đón bạn bè trong nước, quốc tế./.