Tin tức

Đặt nền móng vững chắc cho hệ thống quan điểm của Đảng về văn hóa

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc cơ bản là “Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa” có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943-1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam với tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa… Đó là nội dung đã được các đại biểu làm rõ tại phiên thảo luận chủ đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam”, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 27/2.
  Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

* Sự khai phá mở đường cho văn hóa Việt Nam

Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Đó là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị.

Ba luận điểm làm rõ “Thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa” được trình bày ngắn gọn, cô đọng trong Đề cương, có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động; Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, mới tạo được ảnh hưởng của dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng cho rằng, rõ ràng Đề cương không chỉ nói về văn hóa hoặc chỉ có giá trị đối với lĩnh vực văn hóa cụ thể, mà còn góp phần tạo nên cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng để dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ tầm nhìn đó, có thể thấy rằng, mặc dù sau 80 năm nhìn lại, trong Đề cương có một số nhận định, đánh giá cụ thể chưa chính xác, cần điều chỉnh, bổ sung, nhưng giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943-1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vừa có tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa. Không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, Đề cương còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.  

Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng khẳng định, quá trình tìm tòi trên gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học, nghiêm túc, sáng tạo. Đó vừa là sự kế thừa khoa học, vừa là sự phủ định biện chứng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện tiếp theo. Song, rõ ràng nền móng vững chắc, sự khai phá mở đường đã bắt đầu đúng đắn từ bản Đề cương lịch sử này. Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta.

“Nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận về văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn, trong đó, luận điểm cơ bản “văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung” được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần và vươn tới sự hoàn chỉnh trong những năm gần đây”, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng nhận định.

  Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

* Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Tinh thần của Đề cương cho thấy, còn mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc thì đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa luôn là vũ khí phê phán trọng yếu mà Đảng phải nắm lấy, sử dụng để bảo vệ chân lý, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của giai cấp và dân tộc, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái thoái bộ, cổ vũ và thúc đẩy giá trị chân - thiện - mỹ, mở đường cho cách mạng xã hội.

Tư tưởng chỉ đạo phàm những gì phản dân tộc, phản nhân dân, phản khoa học đều phải chống lại, kiên quyết đấu tranh vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Cách thức xây dựng nền văn hóa mới phải bắt đầu từ chống lại cái phản động, thoái bộ, gắn cách mạng văn hóa với cách mạng xã hội vẫn tiếp tục rọi sáng công tác tư tưởng, văn hóa. Điều này cũng đòi hỏi công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đặt nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, văn hóa đúng tầm của nó, nhất là trong thời đại số xuất hiện không ít văn hóa phẩm ngoại lai không phù hợp cho xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí có cả nguy cơ xâm lăng văn hóa, đe dọa lợi ích quốc gia - dân tộc.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn cho rằng, không chỉ đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động mới cần đến vũ khí tư tưởng, văn hóa, mà kể cả muốn có hợp tác, hội nhập văn hóa hiệu quả cũng cần phải có định hướng tư tưởng - lý luận văn hóa đúng đắn, sáng suốt. Thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm sự nghiệp đổi mới, trong nhiều trường hợp không hẳn do thiếu nguồn lực đầu tư, mà quan trọng hơn là tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ chưa đủ năng lực định hướng, dẫn dắt. Từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn phát triển nền văn hóa dân tộc thì phải bắt đầu từ nâng tầm công tác tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ, làm cho nó đủ sức định hướng, dẫn dắt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “văn nghệ độc lập với chính trị”, ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sỹ qua không gian mạng. Vì vậy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định đúng phương pháp đấu tranh từng đối tượng. Không gian mạng đang trở thành mặt trận chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa, văn nghệ mà chúng ta phải nắm lấy, giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ thông qua cả đấu tranh chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý, hành chính.

Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh tiếp tục làm rõ những vận dụng tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh Nam Định.

Theo ông Lê Quốc Chỉnh, trong những năm qua, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết và thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, cùng với việc nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn coi trọng vai trò của văn hóa thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xác định đây là yếu tố quan trọng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh cho biết, hiện nay, Nam Định vẫn tiếp tục vận dụng sáng tạo những nội dung của Đề cương văn hóa Việt Nam và những chủ trương của Đảng vào phát triển sự nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/dat-nen-mong-vung-chac-cho-he-thong-quan-diem-cua-dang-ve-van-hoa-324929.html


top