Trần Văn Thuỷ là đạo diễn có nhiều đóng góp lớn cho nền điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong thể loại phim tài liệu. Nhiều bộ phim của ông có giá trị lịch sử sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng giai đoạn trước và sau đổi mới.
Trần Văn Thủy từng là phóng viên chiến trường, sau đó ông học ở Nga và trở thành đạo diễn tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Sự đóng góp lớn của ông đối với điện ảnh nước nhà thể hiện qua nhiều phim tài liệu có giá trị phản ánh xã hội trung thực, dũng cảm, thẳng thắn và nhân văn. Phim của ông đã giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, điển hình như: Những người dân quê tôi (Giải Bồ câu Bạc, Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức, 1970); Phản bội (Giải Vàng, Liên hoan phim Việt Nam 1980); Hà Nội trong mắt ai (Giải Vàng, Liên hoan phim Việt Nam 1988), Chuyện tử tế (Giải Bồ câu Bạc, Liên hoan phim Quốc tế Leipzig 1988); Chuyện từ một góc công viên (Giải Vàng Liên hoan phim Hội Điện ảnh 1996); Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai (Giải thưởng Phim ngắn hay nhất tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương năm 1999)... Trần Văn Thuỷ làm nhiều phim tài liệu về chiến tranh, phim đời thường, ở mảng đề tài nào ông cũng bộc lộ cái nhìn khách quan, phản ánh suy nghĩ về xã hội một cách chân thực.
Chúng tôi gặp đạo diễn Trần Văn Thủy tại nhà riêng nằm trong một ngõ nhỏ bình yên trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ông giản dị, gần gũi, nồng hậu và nhiệt tình. Người đạo diễn đã đi qua gần cả cuộc đời với triền miên những chuyến đi làm phim tài liệu. Trần Văn Thủy có một cá tính rất lạ, ông làm nghề chẳng bao giờ nghĩ đến danh lợi cho bản thân mà triết lý của ông đã làm phim là phải làm hay, làm “tử tế”, làm đến tận cùng điều mình thích. Có lẽ chính tư duy đó nên phim của ông luôn được công chúng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.
Đạo diễn Trần Văn Thủy (tháng 3/2014). Ảnh: Trần Thanh Giang
Đạo diễn Trần Văn Thủy và những người bạn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đạo diễn Trần Văn Thủy ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
“Chuyện nghề của Thủy”, một cuốn sách hay về cuộc đời của đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: Trần Thanh Giang
Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ với độc giả về hành trình 40 năm trong nghề làm phim tài liệu của mình. Ảnh: Trần Thanh Giang
Đạo diễn Trần Văn Thủy vào nghề bằng phim đầu tay “Những người dân quê tôi” quay tại chiến trường Quảng Đà trước năm 1970. “Những người dân quê tôi” phản ánh thân phận người dân trong chiến tranh, đó là một em bé mồ côi, một người phụ nữ, một nhà sư... Khi bắt tay làm bộ phim này, kinh nghiệm, kỹ thuật với Trần Văn Thủy đều mới, bộ phim làm trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, điều kiện làm phim khắc nghiệt do đói kém, bệnh tật, bom đạn. Nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, xả thân với thực tế, bộ phim mang hơi thở xã hội và nhân văn sâu sắc này đã đoạt Giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1970. Quê hương nơi đoàn làm phim bấm máy trong những năm bom đạn ấy là vùng đất miền Trung máu lửa. Hiện nay, hầu hết những người đã phụ giúp ông làm bộ phim này và nhân vật trên màn ảnh đã hy sinh, một nhân vật trong phim vẫn còn sống là chị Văn Thị Xoa, nguyên là xã đội trưởng Xuyên Châu của huyện Duy Xuyên.
Sau này khi đi học ở Nga về, Trần Văn Thủy có điều kiện tốt hơn để theo đuổi về nghề làm phim tài liệu. Đó là phim “Phản bội” nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, được đánh giá là bộ phim tài liệu dài nhất và hấp dẫn nhất của lịch sử phim tài liệu chính luận. Bộ phim đã nhận được Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 1980.
Trần Văn Thủy cũng thành công với thể loại phim tài liệu đời thường. Dấu ấn phải kể đến phim “Hà Nội trong mắt ai” năm 1982. Bộ phim được bắt đầu dựa trên nguồn cảm xúc của nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng, một người nghệ sĩ nổi tiếng luôn ước ao được nhìn thấy hình ảnh tươi đẹp của Thủ đô Hà Nội. Với cái tứ ấy, đạo diễn Trần Văn Thủy đã tái hiện một Hà Nội hào hoa, thanh lịch và có bề dày lịch sử với các nhân vật nổi tiếng như Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Quang Trung... Năm 1988, bộ phim đã giành Giải Bông sen Vàng cho phim tài liệu Việt Nam hay nhất. Có lẽ, cho đến nay chưa có bộ phim tài liệu nào vượt qua được phim này ở lời bình sâu sắc và kiến thức sâu rộng về lịch sử Hà Nội trong thời điiểm đó.
Đạo diễn Trần Văn Thủy nhận Giải Vàng LHP Châu Á - Thái Bình Dương cho bộ phim "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" năm 1999. Ảnh: Tư liệu
Đạo diễn Trần Văn Thủy (thứ 3, bên phải) trong vai trò thành viên Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Leipzig năm 1989. Ảnh: Tư liệu
Bằng chứng nhận danh hiệu “Chứng nhân của thế giới”
do Hội thảo “The Robert Flaherty” (Hoa Kỳ) trao tặng cho đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: Trần Thanh Giang
Đạo diễn Trần Văn Thủy (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đạo diễn Karmen R.L (ngoài cùng bên phải),
Anh hùng Lao động Liên Xô, người đã làm bộ phim tài liệu nổi tiếng thế giới về Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Tiếp theo “Hà Nội trong mắt ai”, đạo diễn Trần Văn Thuỷ làm phim “Chuyện tử tế”. Nội dung phim đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Bộ phim nói về những số phận con người trong đời sống xã hội hiện tại. Nó mang giá trị nhân văn sâu sắc, bộc lộ sự trăn trở, dằn vặt của đạo diễn Trần Văn Thủy trước cuộc sống khó khăn và sự thiếu đi cái tình người trong xã hội. Phim có lời bình dí dỏm, sâu sắc và thẳng thắn về lòng yêu thương và sự đối xử của xã hội với các tầng lớp nhân dân. Năm 1988, “Chuyện tử tế” nhận Giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig. Đây cũng là bộ phim được các đài truyền hình phương Tây mua bản quyền nhiều nhất.
Nay dù đã ở tuổi 74 nhưng đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn đi nhiều, viết nhiều. Cuộc đời và hành trình làm nghề của ông đã được người bạn thân là Tiến sĩ Lê Thanh Dũng cùng ông thể hiện đậm nét trong cuốn “Chuyện nghề của Thủy”. Cuốn sách tái hiện những lời gan ruột và những năm tháng làm nghề gian nan, nguy hiểm và cũng đầy "may mắn" của đạo diễn Trần Văn Thủy trong những năm tháng làm phim. Cuốn sách đoạt Giải sách hay năm 2013. Hiện nay, cuốn sách đang được các nhà văn, nhà biên kịch Mỹ mua bản quyền dịch sang tiếng Anh.
Khó có thể kể hết những trải nghiệm xương máu trong hơn 40 năm làm nghề của đạo diễn Trần Văn Thủy. Năm 2003, tại New York (Mỹ), hội thảo “The Robert Flaherty” dành cho 200 nhà làm phim tài liệu độc lập đã trao tặng đạo diễn Trần Văn Thủy danh hiệu “Chứng nhân của thế giới”./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Trần Thanh Giang, Nguyễn Đình Toán & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/dao-dien-tran-van-thuy-nhung-thuoc-phim-nhung-cuoc-doi-54969.html