Tiêu điểm

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của Việt Nam

Lời Tòa Soạn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của dân tộc, vị tướng huyền thoại của Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã mãi mãi ra đi ở tuổi 103. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ toàn quân. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam. Nhân dịp này, Báo ảnh Việt Nam xin trân trọng gửi đến bạn đọc những bài viết và hình ảnh đáng nhớ về Đại tướng đã được đăng trên Báo ảnh Việt Nam, để tỏ lòng tiếc thương và mãi mãi ghi nhớ công lao của Đại tướng đã dành cho non sông, đất nước.




NHỮNG TRANG BÁO QUÝ VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
TRÊN TỜ "HÌNH ẢNH VIỆT NAM" (NAY LÀ "BÁO ẢNH VIỆT NAM") SỐ 2, XUẤT BẢN THÁNG 12 NĂM 1954

 

Ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập tờ Báo ảnh Việt Nam để giới thiệu bằng hình ảnh với nhân dân thế giới về sự nghiệp cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Tháng 10 năm 1954, Báo ảnh Việt Nam ra số đầu tiên với tên gọi ban đầu là “Hình ảnh Việt Nam”. Tiếp đến tháng 12 năm 1954, số thứ 2, số báo đặc biệt chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ được xuất bản, cũng với tên gọi là "Hình ảnh Việt Nam". Trong số báo này, rất nhiều hình ảnh sinh động về chiến thắng Điện Biên Phủ đã được đăng tải. Đặc biệt, những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho đến hình ảnh Đại tướng cùng với quân và dân hân hoan trong niềm vui chiến thắng đã được thể hiện rất sinh động trên những trang báo của số báo đặc biệt này.

Gần 60 năm đã trôi qua, các thế hệ phóng viên, biên tập viên của Báo ảnh Việt Nam vẫn luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ những trang báo quý giá có một không hai ấy. Nhân dịp này, để cùng với đồng bào và nhân dân cả nước tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng dân tộc, vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Báo ảnh Việt Nam trân trọng gửi đến bạn đọc những trang báo quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đăng trên Báo ảnh Việt Nam cách đây vừa tròn 59 năm.
 


Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị,
Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn nghiên cứu tình hình quân sự và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 2 - tháng 12/1954)



Hình ảnh bức điện Lời kêu gọi của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
gửi toàn thể cán bộ, chiến sỹ kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ
và hình ảnh Đại tướng thân chinh ra tiền tuyến quyết định mở đợt tấn công thứ nhất vào cứ điểm Điện Biên Phủ.
(Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 2 - tháng 12/1954)


Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân và dân hân hoan trong niềm vui chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
(Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 2 - tháng 12/1954)



Bìa 1, Báo ảnh Việt Nam số 2 - tháng 12/1954, số đặc biệt chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.
 


 

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – KHÚC QUÂN HÀNH XUYÊN THẾ KỶ (*)
                                                                        Bài: NSND Đào Trọng Khánh
                                                                                          Ảnh: Trọng Thanh, Trần Định & TL TTXVN



Một ngày đầu năm 2001, ông nói vui với chúng tôi: “Mình là một người lữ hành xuyên thế kỷ!”.

Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 – năm Tân Hợi – năm mà cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa bùng nổ.

Quê ông ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ một đứa trẻ nghèo ở vùng quê “gió Lào, cát trắng”, đi học rồi lớn lên đi làm cách mạng, ông đã trở thành một tướng lĩnh kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam . Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gắn liền với lịch sử xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bạn chiến đấu thân thiết của những lãnh tụ Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ông nhớ nhiều đến cố đô Huế, nơi ông từng là học trò xuất sắc của trường Quốc học, nơi ông có những người bạn chí thiết sau này là những nhà hoạt động cách mạng xuất sắc như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn.

Năm 1924, nhà chí sĩ Phan Bội Châu bị chính quyền thực dân phong kiến bắt giam và đưa về an trí ở Huế. Ông thường cùng bạn bè lui tới căn nhà của cụ nghe những lời tâm huyết, đọc những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Phan. Ông ham đọc và hiểu sâu sắc những điều trong sách. Cụ Phan quý ông, có lần nói: “Khi qua đời, ta sẽ để lại tủ sách này cho Giáp”. 


Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trang trọng trên trang Bìa 1, Báo ảnh Việt Nam số 512 - tháng 8/2001.






Những trang báo về bài viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ"
đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 512 - tháng 8/2001.
 

Bị đuổi học vì tham gia vụ bãi khóa tháng 4 năm 1927 ở trường Quốc học, ông tự học, viết báo “Tiếng Dân” của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng rồi gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1930, ông bị bắt và kết án, đưa về quê quản thúc.

Nghe kể lại: “Một ngày vào mùa mưa bão, nước sông Kiến Giang lên to, ngập cả vào gần nhà, dân làng thấy bạn thân của ông, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu đi một chiếc thuyền nhỏ vào đón ông. Đó là ngày ông bắt đầu bước chân vào cuộc đời cách mạng”.

Ông ra Hà Nội, tự học tự làm, đỗ thủ khoa trong kỳ thi tổng hợp học sinh giỏi toàn Đông Dương, lần lượt lấy bằng tú tài triết học, rồi bằng cử nhân luật với luận án xuất sắc.

Ông vừa dạy học, vừa làm báo, vừa hoạt động cách mạng. Hết giờ dạy ở trường Thăng Long, ông viết cho các báo “Lao động, Tin tức”, “Tiếng nói của chúng ta”, cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong thời gian này ông Trường Chinh cùng với ông viết cuốn “Vấn đề dân cày” dưới hai bút danh Qua Ninh và Vân Đình. Trong phong trào Đông Dương đại hội, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Một buổi chiều, trên đường Cổ Ngư, Bí thư Trung ương lâm thời Hoàng Văn Thụ giao nhiệm vụ cho ông cùng với ông Phạm Văn Đồng sang Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Bên bờ Thúy Hồ thơ mộng, các ông gặp một người đứng tuổi, giản dị trong bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám. Đó là Nguyễn Ái Quốc, người của Quốc tế cộng sản, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Cuộc hội ngộ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời cách mạng của ông. Ông không bao giờ quên lời dặn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Mihh: “Làm cách mạng phải dĩ công vô thượng - việc công trên hết!”.

Suốt cuộc đời làm tướng, cầm quân đánh giặc, ông đã sống và làm việc theo lời dặn ân cần của Bác Hồ - Người ông vô cùng yêu mến và kính trọng.

Tháng 5 năm 1941, tại rừng Pác Bó thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa 1 dưới sự chủ trì lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Võ Nguyễn Giáp được cử phụ trách Ủy ban Quân sự Tổng bộ Việt Minh, xây dựng các lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Bước ngoặt quan trọng đưa ông trở thành vị tướng lãnh đạo quân đội nhân dân đó là sự kiện ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 12-1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập tổ chức này. Sau ít ngày chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông, chỉ sau hai ngày làm lễ thành lập, đội quân non trẻ đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phay Khắt và Nà Ngần thuộc Cao Bằng.

Võ Nguyên Giáp được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng quân và là Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc, Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ông vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Thay mặt Ủy ban Quân sự, Võ Nguyên Giáp đã ký mệnh lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay chiều 16-8-1945 bế mạc đại hội, dưới bóng cây đa cổ thụ Tân Trào, một đơn vị giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã làm lễ xuất quân tiến về đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc lâm bệnh nặng đã dặn riêng Võ Nguyên Giáp ở lán Nà Lừa trước khi họp Quốc dân đại hội, vừa là tình cảm thiêng liêng vừa là mệnh lệnh thôi thúc vị tổng chỉ huy quân đội trên đường hành quân tiến về Hà Nội.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ.

Quân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng tái xâm lược Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh với phái đoàn Pháp nhằm bảo đảm hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, ông dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Trù bị ở Đà Lạt. Ông đã phát biểu trước phái đoàn Pháp những lời như sau: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự… Nhân danh một dân tộc đã có hàng ngàn năm tôi luyện trong lao động và đấu tranh, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng…”.

Và lịch sử đã chứng minh những lời nói của ông.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông được cử làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ra lệnh mở đầu cuộc tổng giao chiến trên tất cả các thành phố, thị trấn có quân xâm lược, đánh địch ở khắp nơi. Trận đánh 60 ngày đêm trong lòng Thủ đô Hà Nội là một trong những trận đánh hào hùng nhất mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm của dân tộc.

Ngày 2 tháng 1 năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng.

Những năm đầu kháng chiến, ông đã sáng tạo một phương thức chiến đấu phù hợp để vừa tiêu diệt địch, vừa xây dựng lực lượng, triệt để dùng du kích vận động chiến, đánh vận động với lực lượng chủ lực nhỏ. Từ thực tiễn chiến tranh, ông đã tìm ra cách đánh duy nhất tránh cho một đội quân non trẻ không bị một kẻ thù có sức mạnh áp đảo tiêu diệt.

Suốt 9 năm kháng chiến, quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh không ngừng, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, tổ chức những chiến dịch tiến công và phản công với quy mô ngày càng lớn, dẫn tới chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đặt một “cái mốc chói lọi bằng vàng”, đại phá thành trì của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Trong kháng chiến 9 năm, dấu ấn của ông đặc biệt nổi bật ở hai quyết định lớn có ý nghĩa sống còn. Đó là quyết định thay đổi mục tiêu tiến công từ Cao Bằng xuống Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950), và quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông thường nói: “Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cả cuộc đời cầm quân đánh giặc của tôi!”.

Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã góp phần chỉ đạo xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ.

Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Ngụy hoàn toàn sụp đổ, buộc phải đầu hàng vô điều kiện trước thế tấn công thần tốc vũ bão của đội quân cách mạng. Từ Sài Gòn, tin chiến thắng báo về Tổng hành dinh ở Thủ đô Hà Nội. Vị tướng già của hai cuộc chiến tranh giải phóng bồi hồi nhớ lại: “Tất cả mọi người nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau… một cảnh tượng vui mừng không gì tả được. Các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu ôm chầm lấy chúng tôi và tất cả các chiến sĩ có mặt. Tất cả đều nghẹn ngào. Có người đã khóc. Đây là giây phút của cả một đời - Cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ đã kết thúc!”.

Ngoài tài năng của một vị tướng lỗi lạc, ông còn là một nhà khoa học, một nhà giáo dục tâm huyết. Năm 1978, là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông chuyên tâm chỉ đạo công tác khoa học, giáo dục. Cuốn sách “Mấy vấn đề về khoa học giáo dục” của ông là một tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng trong thời kỳ mới.

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, ông cùng toàn quân và toàn dân làm nên những võ công lừng lẫy. Khi không còn đảm nhiệm các chức vụ của Đảng và Nhà nước, ông dành tâm lực và thời gian nghiên cứu, chủ biên công trình khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” - một công trình lý luận rất sâu sắc.

Ông là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về quân sự như “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” cùng với nhiều cuốn sách khác bao gồm hơn 70 tác phẩm. Nhiều cuốn có tiếng vang lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt là những cuốn hồi ức của ông về chiến tranh. Ông thực sự là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ XX.

Nhắc đến sức mạnh Việt Nam đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, ông nói:

“Nhờ vào sức mạnh của nền văn hóa truyền thống, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam”.

Ông thường nhắc tới một cuốn hồi ký của ông về sự ra đời và trưởng thành của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, đó là cuốn “Từ nhân dân mà ra”. Ông chính là vị tướng của nhân dân, từ nhân dân mà trưởng thành, làm nên sự nghiệp.

Suốt một cuộc đời gắn bó với quân đội, ông vẫn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, thơ mộng, tràn đầy tình yêu thương con người. Ông yêu thơ và nhạc, yêu những bản hành khúc hào hùng của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh chiến đấu vì độc lập tự do. Cuộc đời ông là một khúc quân hành tuyệt đẹp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ, vang vọng mãi trong những bước đi lên của các thế hệ kế tục, vang vọng mãi với thời gian./.
---------
(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 512 - tháng 8/2001 nhân dịp mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi.
 



CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ TINH THẦN VÀ SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ VIỆT NAM (*)
                                                                                          Bài: Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo
                                                                  Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Sau hơn bảy năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã bị thiệt hại hơn 30 vạn binh lính và sĩ quan. Các kế hoạch Lơcơléc, Valuy đến Đácgiănglia, Bôla, Phinhông, Rơve, Tatixinhi theo nhau phá sản. Người Pháp lúc nào cũng như phải làm lại từ đầu. Cuộc chiến tranh không trận tuyến của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam đánh cả ở đằng trước mặt địch và đằng sau lưng địch; cả ở nông thôn và thành phố đã làm cho quân Pháp mệt mỏi, suy yếu. Chính phủ Pháp theo đó mà dựng lên đổ xuống 17 lần, năm Cao ủy và sáu viên Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương lần lượt bị triệu hồi.Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân trong sự kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh là: chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, từ thế bị động quân và dân ta đã chuyển dần sang thế chủ động, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi.

Trước những thất bại liên tiếp đó ở Đông Dương, dư luận Pháp ngày càng chán ngán với cuộc chiến tranh này. Bế tắc và lúng túng, Chính phủ Pháp không còn muốn tiếp tục cuộc chiến tranh quá tốn kém và vô vọng, nhưng cũng chưa muốn nhường chỗ cho người Mỹ nhảy vào. Họ cho rằng một giải pháp tốt nhất lúc này là dùng sự giúp đỡ tiền bạc và vũ khí của Mỹ, để rút ra khỏi cuộc chiến tranh bằng một “lối thoát danh dự” trên bàn đàm phán.Ngày 7-5-1953 với sự thỏa thuận của Mỹ, Thủ tướng Pháp Rênê Maye đã cử tướng bốn sao Nava thay tướng Xalăng sang cầm đầu đạo quân viễn chính Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch Nava được ra đời trong hoàn cảnh đó nhằm cứu vãn danh dự cho nước Pháp.Chọn Điện Biên Phủ là chọn địa bàn chiến lược rồi trở thành điểm quyết chiến chiến lược của ta là chính xác.Kế hoạch chiến lược của ta là nhằm chia cắt địch, phân tán địch, hoạt động mạnh ở các chiến trường khác, ở những chỗ địch sơ hở, không thể bỏ, tất phải cứu. Muốn mưu kế được thực hiện thì phải nghi binh, lừa địch, điều động địch.Để hạn chế các lực lượng cơ động của địch – một thủ đoạn tác chiến lợi hại có hiệu lực của địch - thì ta phải phân tán các lực lượng cơ động đó của địch ra các chiến trường khác, bảo đảm không có thể cơ động nhiều lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ có thế mới bảo đảm chắc thắng cho Điện Biên Phủ.Nhờ mưu kế đó ta đã điều động khoảng 70 tiểu đoàn cơ động trên tổng số 84 tiểu đoàn cơ động địch ra các chiến trường trên toàn Đông Dương.  


Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trang trọng trên trang Bìa 1, Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng5/2004,
trên ảnh có dòng lưu bút và chữ ký của Đại tướng đề tặng  Báo ảnh Việt Nam
với nội dung "Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Tặng Báo ảnh Việt Nam".
 

Tại chiến trường chính Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch (bộ phận đi trước), đề ra kế hoạch với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ 2 ngày 3 đêm trong điều kiện địch còn đang phòng ngự lâm thời. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy trưởng chiến dịch đi sau. Nhưng vì mới đến, sau khi nghe báo cáo, mặc dù rất phân vân, ông chưa có đủ yếu tố để bác bỏ phương án đã chọn của bộ phận đi trước bởi nó rất khác với suy tính của ông trước đó đã báo cáo gửi lên Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch.

Sau khi nghiên cứu kỹ thực tế chiến trường, Đại tướng khẳng định “nếu đánh nhanh thắng nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại”. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quả cảm quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, sau đó chuyển đội hình bố trí lại lực lượng. Phương châm tác chiến của ông đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn.Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn đã kéo lên vị trí chiến đấu với bao công sức, xương máu. Nhưng ông vẫn quyết tâm cho đưa pháo ra, rồi lại kéo vào vị trí tác chiến mới.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, địch đã ở vào thế cô lập, cố thủ trong một thung lũng bị ta bao vây tiến công từ bốn phía ở trên cao. Ta đã xây dựng cả một hệ thống giao thông hào, một hệ thống trận địa tấn công và bao vây tạo điều kiện cho bộ đội triển khai vận động tiến công. Đây là lần đầu tiên quân ta tiến hành bao vây, tiến công một tập đoàn cứ điểm trong điều kiện quân Pháp có vũ khí trang bị hiện đại hơn ta. Cùng với việc triệt phá các nguồn lực của địch: pháo binh, xe tăng và máy bay chi viện, bằng hệ thống hầm hào trận địa với chiến thuật “vây lấn, triệt phá” quân ta từng bước thắt chặt vòng vây, tạo thành ưu thế ở từng không gian và thời gian chiến dịch, đã tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tiến công để tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm để giành thắng lợi. 








Bài "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh chính trị tinh thần và sức mạnh của trí tuệ Việt Nam"
đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004).

Cách đánh của chiến dịch là đột phá liên tục, lần lượt kết hợp với vây lấn. Đánh công sự vững chắc là phải đột phá thì mới phá vỡ được công sự của địch, tiêu diệt

«
      Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng có thể khống chế cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Thượng Lào. Quân Pháp đã tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Đây là toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp tại Đông Dương. Lực lượng này được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm. Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
»
được địch. Nhưng ta phải đột phá liên tục để địch không có thời gian chống cự; nhưng lại phải lần lượt vì cả chiến dịch là đội hình rất lớn, rất phức tạp nên phải có một ít thời gian để điều chỉnh đội hình, chuyển hóa thế trận tiến công; và vì ta phải kết hợp với vây lấn nên phải tổ chức chiến hào, giao thông hào như thế mới bảo đảm được sức chiến đấu, và có bàn đạp tốt để tiến công vào các cứ điểm của địch một cách vững chắc, áp sát vào vị trí của địch, đỡ thương vong về phi pháo.

Đó là nói về cách đánh. Còn về hình trận và thế trận là, vây hai phía đông tây tập đoàn cứ điểm ở trên cao, phá vỡ thế phòng ngự của địch ở dưới thấp, phá vỡ vành phòng ngự tuyến ngoài để tiến vào chiều sâu bên trong, vào sở chỉ huy chiến dịch ở dưới thấp và vây lấn sân bay, ép dần vào sân bay hạn chế đi đến cắt đứt tiếp tế của địch bằng máy bay, con đường tiếp tế duy nhất và hy vọng cuối cùng của địch. Nghệ thuật tác chiến đó phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hình trận và thế trận đó cũng thể hiện tài thao lược về “dĩ đoản chế trường” của truyền thống Việt Nam.

Do ta kém về vũ khí đột phá như máy bay, xe tăng, pháo binh nên phải dùng cách đánh đó. Cách đánh đó phải kéo dài thời gian. Sau này trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sức đột phá, chọc sâu của ta mạnh, nên ta chỉ đánh có mấy ngày là giải phóng Sài Gòn. Giải quyết mâu thuẫn trong mối liên hệ giữa các sự vật và hành động phù hợp với thực tế là biện chứng, là sáng tạo, là chỉ huy có phương pháp luận.

Một điều rất hay và sáng tạo là lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là rất hiếm ở trên thế giới, ta đã cho kéo pháo lên núi cao, đặt vào hầm chĩa thẳng pháo xuống đầu kẻ địch ở dưới thấp mà chế áp. Với cách đánh này, vừa bảo vệ được pháo, vừa nâng cao được uy lực và mức chính xác. Pháo của ta kéo vào gần mục tiêu của địch có 5km và 7km. Thường pháo 105 ly bắn xa tới 10km đến 11km. Ta kéo pháo vào gần, bắn gần như thế thì chính xác hơn, ít tốn đạn hơn, khoảng 2 đến 3 viên đạn là trúng trung tâm mục tiêu. Bắn xa có thể đến 7 viên và sức mạnh, sức phá hoại của bắn gần cũng lớn hơn. Ta ở trong hầm an toàn hơn, có thể chống được bom đạn của địch. Do pháo ta bắn gần, bắn trúng dù ít pháo đạn hơn địch, lại ở trên cao có thể khống chế được pháo địch rất có hiệu quả, đến mức khiến cho viên chỉ huy pháo binh của Pháp là Pirốt bất ngờ hoảng loạn mà phải tự sát.

Thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của chiến tranh nhân dân trên toàn quốc với các trận đánh vang dội, tiến công vào sân bay Gia Lâm, sân bay Cát Bi, đường 5, đường sắt – Hà Nội, và khắp các chiến trường phân tán địch trên toàn Đông Dương. Ở Điện Biên Phủ ta tiêu diệt và bắt sống 1,6 vạn quân, còn toàn Đông Dương tiêu hao 20 vạn quân địch. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả chung của thắng lợi toàn Đông Dương.

Điện Biên Phủ như một Xương Giang – Bạch Đằng – Chi Lăng – Đống Đa, Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử vàng hào hùng và oanh liệt của dân tộc ta.

Thắng lợi đó đã đem lại niềm tin mãnh liệt, mở ra một kỷ nguyên mới cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhất là ở lục địa châu Phi, đã tạo nên phản ứng dây chuyền không những dẫn đến độc lập ở các thuộc địa Pháp mà còn cho các dân tộc đang bị áp bức khác.

Đó là tinh thần bất khuất quật cường của một dân tộc quyết chống giặc ngoại xâm, như lời Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam tỏ cho ta biết rằng: Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết đấu tranh cho Tổ quốc họ thì không ai, không một lực lượng gì chiến thắng được họ”(**). Đó là thắng lợi của văn hóa Việt Nam, văn hóa Hồ Chí Minh.
 

   17 giờ ngày 13-3-1954 quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
   Trong đợt tiến công thứ nhất (từ 13 đến 17-3-1954) quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm địch.
   Trong đợt tiến công thứ hai từ ngày 30-3-1954, quân ta thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công địch, buộc địch rơi vào tình trạng cố thủ bị động, bị tiêu hao sinh lực, mất tinh thần cao độ.
   Từ ngày 1-5 – 7-5-1954, quân ta mở đợt tiến công thứ 3, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân địch, bắn cháy 62 máy bay, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch.

---------
(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004)
(**) Hồ Chí Minh – toàn tập, trang 409, NXB Chính trị Quốc gia 11-1995


 

CUỘC TỔNG CÔNG KÍCH (*)
                                                    Bài, ảnh: Báo ảnh Việt Nam


7 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Toàn bộ địch còn lại lũ lượt ra hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục. Đoạn trích trong hồi ức "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới đây đã khắc họa lại giờ phút lịch sử hào hùng ấy.

Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho De Castries hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".

Tại trận địa, đại đội 360 của tiểu đoàn 130, có chính trị viên tiểu đoàn Trần Quải đi cùng, đã có mặt ở cứ điểm 508. Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo cho các lực lượng của 154 tiến sang cứ điểm 509, cứ điểm cuối cùng bảo vệ cầu Mường Thanh, rồi trao đổi với chính trị viên Trần Quải, lệnh cho đại đội 360 tiến vào khu trung tâm, nơi lửa khói của những đám cháy mỗi lúc càng bốc cao. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lập tức dẫn đại đội 360 luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên bốn nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân địch hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật cho bộ đội rời giao thông hào đầy ắp quân địch, nhảy lên mặt đất, dùng một lính ngụy dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới Sở chỉ huy của De Castries.

Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Lili, hướng về sở chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ. Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Anh Thái (Tướng Hoàng Văn Thái) luôn luôn nhắc các đơn vị: "Bao vây chặt, không để một tên nào chạy thoát".

5 giờ 30 chiều, 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries".

Cả khu rừng cơ quan chỉ huy mặt trận, từ xưa đến nay rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, khua chân múa tay, ôm nhau nhảy nhót, biểu lộ sự vui mừng như những em nhỏ.

Sự vui mừng chưa đến với tôi. Có chắc chắn là đã bắt được tướng giặc không? Ở Hồng Cúm, vẫn còn một ngàn rưởi quân địch. 


Bài "Cuộc tổng công kích" đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545-tháng 5/2004. 

Từ Mường Thanh, các đơn vị báo cáo lên: Binh lính địch lũ lượt kéo ra hàng. Có tên vừa đi vừa hát. Các chiến sĩ ta cũng ra khỏi công sự, nhảy múa trên giao thông hào. Nhiều anh em bắn súng chỉ thiên và pháo hiệu xanh, đỏ để mừng thắng trận.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị: "Cuộc chiến đấu chưa chấm dứt. Tất cả phải ở vị trí chiến đấu. Không được để một tên địch nào chạy thoát. Lập tức dùng hệ thống loa địch vận kêu gọi và hướng dẫn địch ra hàng. Khẩu hiệu như sau: "Hãy ra hàng! Các anh sẽ được đối đãi tử tế. Cầm cờ trắng, đi ra phải có trật tự. Cấm không được phá hoại vũ khí, đạn dược. Ai còn mang súng, phải chúc đầu súng xuống đất".

Ngay sau đó, tôi hỏi anh Lê Trọng Tấn: Có đúng là đã bắt được De Castries không? - Báo cáo anh, anh em báo cáo lên là đã bắt được.

- Căn cứ vào đâu mà biết nó là De Castries? - Anh Tấn im lặng.

- Cần bắt cho được De Castries. Không được để địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhân dạng với căn cước, kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu. Các đồng chí chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Các đồng chí có ảnh của De Castries chưa?

Đơn vị trả lời không có. Một cán bộ của mặt trận dùng xe jeep xuống đơn vị mang theo tấm ảnh của De Castries.

Anh Lê Chưởng và anh Nam Long báo cáo ở Hồng Cúm, địch có triệu chứng định đánh ra để tháo chạy sang Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho 308 đưa một đơn vị nhanh chóng tăng cường cho Hồng Cúm, phối hợp cùng 304 truy kích tiêu diệt quân địch, không để một tên nào chạy thoát.

Chung quanh vẫn ầm ầm. Không sao hạn chế được sự ồn ào, niềm vui của mọi người. Các đồng chí vệ binh hạ những cánh cửa liếp xuống cho sở chỉ huy yên tĩnh hơn.

Lệnh cho 312 phải báo cáo nhanh về việc bắt De Castries được nhắc lại. Mỗi phút chờ đợi lúc này rất dài.

Lát sau, anh Lê Trọng Tấn gọi dây nói báo cáo, đúng là đã bắt được De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm. De Castries vẫn mang cấp hiệu, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của y.

Tôi hỏi lại: Đồng chí đã thực mắt nhìn thấy De Castries chưa? Anh Tấn vui vẻ đáp: - Báo cáo anh, De Castries cùng với cả bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả "can" và mũ đỏ.

Tôi viết ngay điện báo cáo với Trung ương và Chính phủ tin quân ta ở Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

... 24 giờ, anh Lê Chưởng gọi điện thoại báo cáo đã bắt được toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có cả Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng.

Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Geneve, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ... Lá cờ Tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử. Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó./.

---------

(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004).


 

VỀ TRONG TÌNH QUÂN DÂN (*)
                                                    Bài: Sơn Lê - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
 




 

--------- 

(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004)


 

KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN (*)
                                        Bài: Quang Phùng
                                                         Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam




---------
 (*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004)

 
 

VIỆT NAM TRONG PHIM CỦA ROMAN KARMEN (*)
                      Bài: Lê Sơn
                                                                                         Ảnh: Tư liệu và trích trong phim "Việt Nam" của R. Karmen

 




---------
(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 545 - tháng 5/2004, nhân Kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004)




ĐIỆN BIÊN PHỦ, TRANG SỬ - TRANG BÁO (*)
 

 Điện Biên Phủ, một thung lũng với cánh đồng Mường Thanh và dòng Nậm Rốm hiền hòa nằm lọt giữa trùng điệp núi non vùng Tây Bắc, đã trở thành tên chiến thắng – Chiến thắng Điện Biên Phủ - làm nức lòng bạn bè năm châu, là niềm tin của các dân tộc thuộc địa từ châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh đang đấu tranh giành độc lập và cũng là điểm đen trong lịch sử nước Pháp kiêu hùng.

Với dân tộc Việt Nam, suốt chặng đường ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã từng có những tên đất trở thành tên chiến thắng: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đông Đô… và thế kỷ hai mươi lại có thêm Điện Biên Phủ, thể hiện đầy đủ nhất sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đi trong đoàn quân ra trận ngày ấy có cả những phóng viên chiến trường. Họ cùng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát để ghi lại bằng ngòi bút, bằng ống kính về cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Có những người trở về sau chiến thắng, có những người ngã xuống trên chiến trường như một người lính, không kịp trông thấy lá cờ chiến thắng tung bay trên sở chỉ huy của địch. Báo ảnh Việt Nam số 2 (tháng 12/1954) dành trọn 42 trang để đăng hơn một trăm bức ảnh của các phóng viên chiến trường giới thiệu với bạn đọc toàn cảnh Chiến dịch lịch sử ngày ấy.

Quyết tâm chiến lược
Thung lũng Điện Biên Phủ với những bản làng yên ả, với đồng lúa và núi rừng xanh tươi bốn mùa, nhưng trong con mắt của các nhà cầm quân, nơi này là một vị trí chiến lược.

Người Pháp nói, nếu chiếm được thung lũng này sẽ khống chế được cả vùng Tây Bắc rộng lớn, một phần miền bắc Trung Bộ và miền Thượng nước Lào. Cho nên họ đã cố chiếm đóng, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm với 49 cứ điểm có đủ sân bay, trận địa pháo binh, sở chỉ huy với 16.200 quân gồm bộ binh, pháo binh, xe tăng, công binh, vận tải… Đây là thành phần tinh nhuệ nhát của Pháp ở Đông Dương thời bấy giờ.

Đầu tháng 12/1953 trong một cuộc họp, Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược cho mùa Đông-Xuân 1953–1954, mặc dù đấy là một cứ điểm mạnh của địch. Đồng thời Bộ Chính trị chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Trước ngày rời căn cứ địa Việt Bắc lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ. Đại tướng kể lại, khi chia tay, Bác dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng.”

Đánh thắng là quyết tâm của cả dân tộc. Đánh thắng nhằm tạo bước chuyến biến quan trọng cho cuộc kháng chiến đã bước sang năm thứ chín. 











Bài "Điện Biên Phủ, trang sử - trang báo" đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 605 - tháng 5/2009.  

Tất cả cho tiền tuyến
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, trên đường ra trận ông đã được “chứng kiến hình ảnh cả nước ra trận, người đi như trẩy hội”. Những đoàn dân công từ Việt Bắc, Tây Bắc, Khu Ba, Khu Bốn, rồi bộ binh, công binh, pháo binh, vận tải… đơn vị này nối tiếp đơn vị khác, người người lớp lớp cùng ra mặt trận.

Để bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, chúng ta phải vận chuyển gần năm ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội, chưa kể một lượng lớn vũ khí, đạn dược. Phương tiện vận chuyển thời đó chỉ có xe đạp, gánh gồng, chuyên chở bằng thuyền, bằng mảng, ngựa thồ… Hơn 260 ngàn dân công, thanh niên xung phong phục vụ cho chiến dịch này. Gian khổ nhất và cũng là thần kỳ nhất là việc bộ đội kéo pháo vào trận địa. Suốt 15 cây số đường rừng, bộ đội phải kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn qua những dèo cao, vực sâu để đưa pháo vào sát cứ điểm của địch. Bằng mồ hôi và cả xương máu, công tác chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng cũng đã hoàn thành. Pháo đã vào vị trí, sẵn sàng nhả đạn…

Quyết chiến và quyết thắng
17 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, cùng lúc toàn bộ lực lượng pháo binh của ta, gồm 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 ly, đồng lọat dội đạn xuống các cứ điểm, mở màn chiến dịch. Về sau, viên hạ sĩ Kubiak sống sót trong cứ điểm Him Lam kể lại trận đánh đầu tiên ấy: Tất cả đều kinh ngạc tự hỏi, không biết Việt Minh lấy đâu ra nhiều pháo đến thế? Đạn trút xuống như một trận mưa đá… Đợt tấn công thứ nhất kết thúc sau đấy ba ngày, ta diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo. Trong đợt tấn công thứ hai (từ ngày 30/3 đến 30/4), quân ta siết chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tấn công địch, buộc địch phải rút vào cố thủ, sinh lực bị tiêu hao, tinh thần suy sụp cao độ. Từ mồng 1 đến 7/5/1954 quân ta mở đợt tấn công tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy bị bắt sống. Đó là lúc 5 giờ 30 phút chiều 7/5/1954.

Toàn thắng đã về ta
Sau 56 ngày đêm phá núi, mở đường, đào hầm, ngủ rừng, vất vả, hy sinh, với quyết tâm cao độ, chúng ta đã tiêu diệt 21 tiểu đoàn, 10 đại đội, tổng cộng 16.200 quân tinh nhuệ của địch ở Điện Biên Phủ.

Cuộc tấn công chiến lược Đông–Xuân 1953–1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa đến Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương ký ngày 20/7/1954./.
--------- 
(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 605 - tháng 5/2009, nhân Kỷ niệm 55 Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2009)




ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI ĐIỆN BIÊN (*)
                                                              Bài: Mạnh Thành, Long Tuấn
                                                                          Ảnh: Trần Định, Trọng Thanh & Tư liệu
 

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh rời căn cứ địa Việt Bắc lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Mười hai ngày sau, ông đến khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy và cũng là nơi ông làm việc suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Đất Điện Biên, rừng Điện Biên chở che cho ông, người Điện Biên dành cho ông những tình cảm thân thương nhất. Cũng kể từ đấy sự nghiệp của ông gắn với vùng đất này.

Tại đây, ngày 26/1/1954, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi nổ súng mở màn chiến dịch, ông đã có “quyết định khó khăn nhất” trong đời binh nghiệp: chuyển từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” như kế hoạch ban đầu sang “đánh chắc, tiến chắc” bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, làm nên vinh quang cho dân tộc. 
 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trở lại vùng đất này. Và hầu như lần nào trở về, Đại tướng cũng dành thời gian tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội, thăm lại một số di tích của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, đi thăm đồng bào các dân tộc… Trong không khí thân tình, Đại tướng thường không quên dặn dò đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cần phải đồng sức đồng lòng, nỗ lực xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Đáp lại tình cảm của Đại tướng, người Điện Biên đón vị Tổng tư lệnh tài ba bằng những tình cảm hết sức nồng hậu, ấm tình quân dân và một lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng, người làm vẻ vang, rạng rỡ vùng đất này.

 

Báo ảnh Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ và vùng đất Điện Biên trong những lần Đại tướng trở về, nơi mà tên ông gắn liền với một chiến thắng của dân tộc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng thắng Điện Biên Phủ./.
  




Bài "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên" đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 605 - tháng 5/2009.

--------- 

(*) Bài đăng trên Báo ảnh Việt Nam số 605 - tháng 5/2009, nhân Kỷ niệm 55 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2009)


 

ĐẠI TƯỚNG VỚI BÁO ẢNH VIỆT NAM


Đối với Báo ảnh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành những tình cảm đặc biệt, quan tâm, động viên kịp thời các thế hệ cán bộ phóng viên, biên tập viên của Báo ảnh Việt Nam vững bước trên con đường phát triển. Thành lập ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (15/10/1954), Báo ảnh Việt Nam luôn đồng hành với những chặng đường đấu tranh giải phóng đất nước trước đây, và công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước. Trên nhiều trang báo của Báo ảnh Việt Nam, hình ảnh Đại tướng bình dị, gần gũi và thân thương luôn hiện hữu một cách sinh động, đầy ấn tượng đối với bạn đọc trong nước và quốc tế, đặc biệt là những số báo xuất bản vào những dịp có sự kiện trọng đại của đất nước.
 


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), Ban Biên tập Báo ảnh Việt Nam
tặng Đại tướng bức ảnh do phóng viên Báo ảnh Việt Nam chụp cảnh Đại tướng về thăm lại Điện Biên .
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Ban Biên tập Báo ảnh Việt Nam báo cáo Đại tướng kế hoạch ra số báo đặc biệt
chào mừng kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/2009). Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Đại tướng góp ý với Ban Biên tập Báo ảnh Việt Nam về nội dung số báo kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ảnh: Tư liệu của Báo ảnh Việt Nam



Ban Biên tập và các cán bộ, phóng viên Báo ảnh Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Đại tướng vào ngày 27/04/2009.
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho Báo ảnh Việt Nam
mang dòng chữ "Tặng Báo ảnh Việt Nam, tờ báo đã đi cùng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ",
nhân dịp Báo ảnh Việt Nam ra số báo đặc biệt kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2009). Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Bìa số báo đặc biệt 605 - tháng 5/2009, Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 17/5/2009).
 

 Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/dai-tuong-vo-nguyen-giap-vi-tuong-huyen-thoai-cua-viet-nam-49132.html


top