Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ông là một vị tướng huyền thoại luôn sống mãi trong lòng người dân đất Việt. Triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật" đã đem đến cho công chúng những hình ảnh và khoảnh khắc đáng nhớ về Đại tướng.
Triển lãm do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Liên hiệp UNESCO Hà Nội và Hội quán Di sản phối hợp tổ chức. Nhiều du khách nước ngoài và Việt Nam đến thăm triển lãm đều rất xúc đông khi ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật khắc họa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện công phu, ấn tượng, thể hiện tình cảm cũng như lòng tôn kính của các nghệ sĩ Việt Nam.
Chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa qua những tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa, đồ họa, điêu khắc và mỹ thuật ứng dụng. Tranh sơn dầu chân dung khổ lớn của họa sĩ Đặng Xuân Hùng; tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Tuân; tranh cổ động của họa sĩ Hà Huy Lê; chân dung Đại tướng của bà Ngô Thị Thục, những bức ảnh Đại tướng của nhà báo Trần Hồng và Nguyễn Đình Toán… Họ là những tác giả sáng tác trong những chuyên ngành nghệ thuật khác nhau, có người đã từng gặp tướng Giáp, có người chưa một lần gặp ông nhưng đều yêu quý Đại tướng, người anh hùng của dân tộc.
Bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt trang trọng ngay tại khu vực trung tâm Triển lãm.
Một người lính già bồi hồi lưu lại hình ảnh người "Anh Cả" của Quân đội Nhân dân việt Nam khi đến xem Triển lãm.
Bức tượng đồng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm bằng chất liệu silicon do nhà điêu khắc Trần Văn Thức thực hiện.
Bức tranh cổ động với câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Nếu không có chiến tranh tôi là một thầy giáo".
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được làm từ 6 vạn que diêm của tác giả Ngô Thị Thục.
Tranh sơn dầu chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tranh sơn dầu chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tác phẩm điêu khắc "Tự hào Việt Nam" thể hiện được tinh xảo trên vỏ quả đạn pháo 105mm. |
Nhiều người xem đã ngồi lặng hàng giờ trước bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi làm việc với tỉ lệ 1:1 (tỉ lệ thực) bằng chất liệu silicon do nhà điêu khắc Trần Văn Thức thực hiện. Tác giả cho biết, để làm tác phẩm này ông đã miệt mài thể hiện liên tục trong 6 tháng. Tác phẩm đã thành công, từ bố cục đến những chi tiết trên khuôn mặt và thần thái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được thể hiện sắc nét và chân thực.
Đặc biệt, có tác phẩm chân dung Đại tướng được ghép từ hơn 6 vạn que diêm của bà Ngô Thị Thục. Bà là một người phụ nữ bình dị không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng với tình cảm và sự ngưỡng mộ Đại tướng, bà đã kỳ công sưu tập các que diêm và ghép thành hình chân dung Đại tướng. Những que diêm như có lửa, như có sức sống kỳ lạ thổi hồn vào tác phẩm.
Cuộc đời sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm lần này có 6 hiện vật ý nghĩa tượng trưng cho 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: tượng chân dung Đại tướng bằng đồng mạ vàng, huy hiệu Đại tướng và Điện Biên Phủ bằng vàng, vỏ đạn pháo 105mm thể hiện tác phẩm "Tự hào Việt Nam", tranh chân dung sơn dầu, bật lửa có khắc biểu trưng về Điện Biên Phủ và ấn phẩm đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác. Khi xem những bộ kỷ vật này, người xem sẽ hiểu hơn về chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, mảnh đất thấm không biết bao máu xương của đồng bào và chiến sĩ ta đã ngã xuống để mảnh đất này nở hoa đem lại cuộc sống hòa bình cho người dân đất Việt.
Những ngày tháng 5 lịch sử này, Việt Nam kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và không quên nhớ đến đại tướng Võ Nguyên Giáp, Triển lãm chân dung Đại tướng qua các tác phẩm nghệ thuật là dịp để nhiều thế hệ người Việt Nam hiểu hơn về lịch sử dân tộc về những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Văn Quyền
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-cac-tac-pham-nghe-thuat-51356.html