Văn hóa

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn sâu sắc

Lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 - Vesak 2025, và là lần thứ tư Việt Nam vinh dự được chọn làm nơi diễn ra sự kiện văn hóa Phật giáo trọng đại này. Qua đó cho thấy được dấu ấn, vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.

Lá cờ Phật giáo có kích thước 500m² tung bay trên nền trời xanh. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam

Lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 - Vesak 2025, và là lần thứ tư Việt Nam vinh dự được chọn làm nơi diễn ra sự kiện văn hóa Phật giáo trọng đại này. Qua đó cho thấy được dấu ấn, vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.

Các đại biểu trong nước và quốc tế dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 -  Vesak 2025.

Lễ Phật đản là sự kiện văn hóa trọng đại của cộng đồng phật tử, những người con của Đức Phật khắp năm châu lại hân hoan kính mừng Đại lễ Vesak thiêng liêng, sự kiện được Liên hợp quốc tôn vinh bởi thông điệp về trí tuệ và tình thương bao la của Đức Phật. Năm nay, sự kiện này càng thêm có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Phật giáo và dân tộc Việt Nam, khi TP.HCM lần đầu tiên đăng cai tổ chức vừa đúng vào dịp hòa cùng không khí hào hùng, phấn khởi của đồng bảo cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở Tp. Hồ Chí Minh. 
Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" 

Đại lễ Vesak 2025 còn mang cả sự hân hoan trong niềm vui của người dân và cộng đồng phật tử, thể hiện lòng kính trọng và tri ân Đức phật, gắn kết con người trong tín ngưỡng, sẻ chia và hoan hỷ với nhiều hoạt động văn hóa - lễ hội Phật giáo đa dạng và ấn tượng.

Theo ghi nhân, có 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức đăng ký tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam lần này cùng với đông đảo chư tăng, phật tử tại địa phương cũng như trên khắp cả nước về tham dự với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, tham luận quốc tế diễn ra ở các chùa, học viên phật giáo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đến từ 600 tình nguyện viên cùng hàng ngàn phật tử hỗ trợ các công tác hậu cần, phục vụ, góp phần vào sự thành công trọn vẹn của đại lễ Vesak lần này.

Lễ hoa đăng/ tri ân tưởng niệm AHLS nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngọn đèn được thả dưới lòng hồ công viên Láng Le. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam

Đại lễ với 7 hoạt động văn hóa- nghệ thuật chính, đặc sắc diễn thu hút đông đảo công chúng tham gia, gồm: Chương trình Nghệ thuật tổ chức tại Công viên Văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh) với sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ; Triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" với 87 bảo vật Quốc gia của Phật giáo Việt Nam; Lễ Thượng kỳ với lá cờ Phật giáo 500m, cùng khí cầu hòa bình cao 10m và đại diện các nước tham dự sẽ ký tên lưu niệm trên khí cầu; Lễ hội Hoa đăng với 35.000 hoa đăng được thắp sáng trong lễ hội hoa đăng cầu nguyện hòa bình; Hội chợ Văn hóa và chương trình Trà đạo đặc sắc.

Đại lễ Vesak năm nay nhận hơn 1.000 bài tham luận tập trung vào chủ đề Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững, một lần nữa khẳng định trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

Thành công của Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

Chiêm bái xá lợi Phật trên đỉnh núi Bà Đen.
Lễ cầu nguyện hòa bình thế giới trên đỉnh núi Bà Đen.

Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Hơn 2.000 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 225.

Tại lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đại lễ Vesak năm nay đã được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo - văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc, đã thành công rất tốt đẹp. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP.HCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững./.

  • Bài:  Sơn Nghĩa/ Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh:  Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam - Trần Thế Phong - Trần Tiến Dũng & tư liệu TTXVN

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-khang-dinh-nhieu-gia-tri-nhan-van-sau-sac-396917.html


top