Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tại Lễ hội các dân tộc, sự kiện thường niên do quận Borgomanero thuộc vùng Piemonte bảo trợ tổ chức, cộng đồng người Việt tại Italy đã mang đến những nét tiêu biểu của văn hóa dân tộc, qua đó giới thiệu hình ảnh tươi đẹp và bình yên của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong khu vực trưng bày của Việt Nam, những chiếc nón lá với nhiều kích cỡ, được tỉ mỉ sắp xếp, trang trí nổi bật khiến các khách tham quan đặc biệt chú ý. Cùng với đó, không gian giới thiệu thư pháp Việt cũng là nơi thu hút rất nhiều bạn trẻ từ các nước đến tìm hiểu, trải nghiệm loại hình nghệ thuật mới lạ này. Đông đảo những người tham gia lễ hội cũng đặc biệt ấn tượng và nhiệt tình cổ vũ những màn trình diễn thời trang áo dài, múa lân, múa nón, cùng với các tiết mục biểu diễn võ thuật.
Đội hình múa nón lá nữ của cộng đồng Việt Nam tại Lễ hội. Ảnh: Trường Dụy-TTXVN
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Nguyễn Hoàng Mỹ, Việt kiều định cư ở Piemonte hơn 25 năm và nhiều lần tham gia lễ hội này, chia sẻ: “Ban đầu chỉ có hai mẹ con mình với một người bạn, rồi mọi người đến tham gia rất đông, trong đó có một gia đình múa võ và múa lân từ thành phố Milan. Khi các bạn đến mặc áo dài thì tất cả những người tham gia ai cũng nói ‘Ôi mấy cô gái Việt Nam mặc áo dài rất dễ thương’. Sau đó, các bạn tập trung múa mà đa số các bạn ở Rome, Milan. Một số bạn ở xa thì đến nhà mình để tập trước, tổ chức nấu ăn như làm chả giò, bánh bao để quảng bá văn hóa Việt Nam trên đất nước Italy và được các bạn cổ vũ nồng nhiệt. Một chút nữa đây, mình sẽ đi diễu hành cầm cờ Việt Nam. Mình rất tự hào là người Việt Nam. Mình muốn cho Italy và tất cả các nước bạn biết về con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam”.
Sau khi cùng vợ biểu diễn màn công phá gạch bằng tay không, anh Zucca Ricardo, võ sư Thanh Long Võ Đạo, môn phái cổ truyền Việt Nam được truyền bá, mở rộng tại Italy, chia sẻ: “Tôi thường xuyên tập luyện và dạy võ thuật Việt Nam tại Italy. Mối lương duyên của tôi với đất nước Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 với chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam để tìm hiểu về võ thuật truyền thống. Tại đó, tôi quen biết vợ tôi và chúng tôi kết hôn vào năm 2013. Hôm nay, tôi cùng gia đình muốn giới thiệu những giá trị văn hóa võ thuật Việt Nam và đóng góp một phần ý nghĩa trong ngày hội này của các dân tộc”.
Đánh giá và ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt tại Italy, ông Sergio Vercelli, Trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về sự tham gia của cộng người Việt trong lễ hội lần này. Trong đó, với sự kết nối rộng rãi với nhiều người Việt Nam tại Italy, chị Nguyễn Hoàng Mỹ và những người bạn đã mang đến cho chúng tôi cơ hội khám phá nhiều điều mới mẻ về văn hóa và truyền thống của các bạn. Họ chính là những nhịp cầu thúc đẩy hòa bình, yêu thương và sự gặp gỡ. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp và những tiết mục đặc sắc mà các bạn đã cống hiến”.
Sau chương trình nghệ thuật đặc trưng của từng dân tộc, lễ hội lần này được khép lại với cuộc diễu hành và hát múa tập thể hướng đến quảng trường trung tâm Borgomanero. Hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển trong sự đa dạng là thông điệp mạnh mẽ mà Ban tổ chức và mỗi thành viên các cộng đồng dân tộc đều muốn nỗ lực xây đắp, không chỉ ở Borgomarero mà cho tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/dac-sac-truyen-thong-viet-nam-trong-le-hoi-cac-dan-toc-tai-italy-330674.html