Phóng sự chuyên đề

Đà Lạt - Thủ phủ hoa xuất khẩu

Khi mới được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt chỉ là vùng đồi núi hoang vu thưa thớt bóng người, nay nó đã trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng mang âm hưởng của bản hòa ca miền ôn đới, một thành phố ngàn hoa trong sương. Đà Lạt đang hướng đến việc trở thành trung tâm xuất khẩu hoa tươi của Đông Nam Á với mong muốn kim ngạch xuất khẩu phải vượt xa con số gần 50 triệu USD/năm như hiện nay để có thể tương xứng với tiềm năngcó thể sản xuất lên tới hơn 3,1 tỉ cành hoa/năm.
Đà Lạt – dấu ấn xứ ngàn hoa

Năm 1893, dẫu có lãng mạn đến mấy vị bác sĩ tài danh và có máu phiêu lưu, lãng tử người Pháp gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin cũng không thể tưởng tượng nổi vùng đất hoang vu trên cao nguyên Langbiang hùng vĩ, cao 1500 m so với mực nước biển mà ông đã khám phá ra sau chuyến thám hiểm dài ngày lại có ngày trở thành thành phố Đà Lạt mộng mơ được mệnh danh là một "tiểu Paris" kiều diễm giữa xứ Đông Dương nhiệt đới gió mùa, một “thành phố ngàn hoa” đẹp đến nao lòng người viễn khách.

Kể từ khi Yersin khám phá ra vùng đất này, Đà Lạt nhanh chóng trở thành nơi nghỉ dưỡng lí tưởng của những người lính viễn chinh Pháp, bởi họ tìm thấy nơi vùng đất hoang vu ở xứ thuộc địa này có chút gì đó hình ảnh của nước Pháp miền ôn đới xa xôi. Theo chân người Pháp, Đà Lạt thời bấy giờ không chỉ có những tòa biệt thự nghỉ dưỡng hoa lệ mà người ta còn đem đến đây cả những giống rau và hoa của miền ôn đới như để làm vợi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà.

Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, các giống rau và hoa ôn đới nhanh chóng bám rễ phát triển tốt tươi chẳng kém gì những loài cây trái bản địa của xứ này. Trải qua thời gian, Đà Lạt dần hình thành nên nghề trồng rau và hoa. Đặc biệt, nghề trồng hoa chính thức được bắt đầu vào năm 1938 kể từ khi người dân các làng hoa nổi tiếng Ngọc Hà, Nghi Tàm của Hà Nội di cư vào lập nên ấp Hà Đông, rồi từ đó dần phát triển hình thành nên các làng hoa nổi tiếng cho đến tận ngày nay như Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành.




Hoa khoe sắc trên đường phố Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa 


Cuộc thi trang trí xe hoa tại lễ hội hoa đường phố Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa 


Cẩm tú cầu, loài hoa ôn đới nổi tiếng ở Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa 


Hoa và người Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa 


Tham quan làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa


Hoa tươi bên bàn tiệc mang phong cách cổ điển của một nhà hàng ở Đà lạt. Ảnh: Thanh Hòa 


Đà Lạt có nhiều làng hoa và trang trại hoa luôn mở cửa đón du khách đến tham quan. Ảnh: Thanh Hòa


Phố núi Đà Lạt được ví như một “tiểu Paris” với khí hậu trong lành và muôn hoa khoe sắc quanh năm. Ảnh: Thanh Hòa

Đất lạ đãi ơn người, nghề trồng hoa không chỉ là sinh kế mà còn tạo nên một diện mạo cảnh sắc mới tuyệt đẹp cho vùng đất phố núi. Ngày nay, nếu có dịp đến với Đà Lạt người ta không khỏi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những làng hoa, cánh đồng hoa, con đường hoa và cả những khu biệt thự vườn hoa rực rỡ khoe sắc quanh năm.

Đà Lạt là bản hòa ca quyến rũ và làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp dung dị, thầm kín của các loài hoa bản địa cùng với sự kiêu sa, kiều diễm của những giống hoa đến từ miền ôn đới, như: oải hương, tulip, cẩm tú cầu, lay ơn, cẩm chướng, violet, thu hải đường, cúc trắng marguerite, cúc vàng calimero, cát tường , hồng, mỹ nhân, mimosa, phượng tím, mai anh đào… Đà Lạt hầu như hoa nở quanh năm nhưng nó cũng có riêng cho mình những mùa hoa quyến luyến lòng người, như tháng Giêng rực đỏ sắc mai anh đào, tháng Tư nhớ nhung khắc khoải với mùa phượng tím và tháng Mười về lãng mạn với sắc vàng kiều diễm của mimosa.

Hoa là tình yêu và cuộc sống của người Đà Lạt. Hoa không chỉ hiện dện trên những cánh đồng bát ngát hương thơm, trên những con đường trập trùng phố núi, bên những ô cửa sổ khép hờ… mà còn in đậm dấu ấn trong đời sống thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc… Và có lẽ, ở Đông Nam Á, Đà Lạt là thành phố duy nhất có riêng một Festival hoa mang tầm cỡ quốc tế được tổ chức định kì hai năm một lần để tôn vinh nghề trồng hoa và quảng bá ngành hoa ra thế giới.

Biến giấc mơ “tiểu Hà Lan” thành hiện thực

Đà Lạt hiện có khoảng 9.000ha đất trồng hoa, mỗi năm cho ra đời hơn 3,1 tỉ cành hoa, song chỉ 10% trong số ấy, tức khoảng 310 triệu cành tìm được đường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm,một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu hoa của Việt Nam nói chung, Đà Lạt nói riêng là do công nghệ sản xuất và sau thu hoạch còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề bản quyền giống chính là “nút thắt” phải cần được sớm tháo gỡ. Bởi ngay tại Đà Lạt, “thủ phủ” hoa xuất khẩu của Việt Nam, lượng giống hoa đưa vào sản xuất có bản quyền cũng chỉ khoảng 20%, số còn lại hầu hết là giống cũ được nhân bản trái phép với chất lượng thấp. Và theo một lẽ đương nhiên, hoa trồng bằng cách nhân giống trái phép sẽ không thể xuất khẩu được do vi phạm bản quyền.

Để có được nguồn cây giống tốt phục vụ trồng hoa xuất khẩu, mỗi năm Đà Lạt phải nhập khoảng 50-90 triệu củ, cây, ngọn, cành, hạt… các giống hoa mới để khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, và phấn đấu đến năm 2030, ít nhất có 30% các giống rau, hoa đáp ứng yêu cầu về bản quyền để xuất khẩu; 90% cơ sở sản xuất giống rau, hoa, cây đặc sản đạt tiêu chí sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao.



Kĩ thuật sản xuất giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô theo công nghệ in vitro của Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa


Đà Lạt hiện có khoảng 9.000 ha đất trồng hoa, chiếm 30% diện tích đất trồng hoa của cả nước. Trong ảnh: Một vùng chuyên canh hoa công nghệ cao ở Đà Lạt.
Ảnh: Thanh Hòa


Thu hoạch hoa hồng xuất khẩu ở Cty hoa Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: Thanh Giang 


Nghề trồng lan xuất khẩu phát triển mạnh ở Đà Lạt. Ảnh: Thanh Giang


Quy trình giám sát kích cỡ hoa hồng xuất khẩu của Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: Thanh Giang


Nhân viên chăm sóc hoa tại trại hoa của Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: Thanh Giang


Hoa hồng sau khi cắt được bao gói cẩn thận ngay tại vườn bằng tấm chống va đập chuyên dụng để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Ảnh: Thanh Hòa



Dây chuyền phân loại và đóng gói hoa tươi xuất khẩu của Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: Thanh Hòa


Công nhân Đà Lạt Hasfarm vận chuyển hoa vừa thu hoạch từ các trang trại về phân xưởng kiểm tra và đóng gói. Ảnh: Thanh Hòa 


Dây chuyền đóng gói hoa thành phẩm. Ảnh: Thanh Hòa 

Nhằm giải “cơn khát” nguồn cây giống, một số doanh nghiệp ngành hoa của Đà Lạt đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất cây giống như Công ty PAN-HULIC, Dalat Hasfarm, Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt… và đã gặt hái được những thành công.

Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt được đánh giá là “ngân hàng” cây giống quan trọng tại Việt Nam. Công ty hiện có khu phòng Lab chuyên nghiên cứu sản xuất giống hoa quy mô công nghiệp theo phương pháp in vitro. Lab được thiết kế theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Pháp với tổng diện tích lên tới 5.000m2, có thể sản xuất được 24 triệu cây giống/năm. Nhờ đó mà mỗi năm doanh nghiệp này có thể xuất khẩu được hàng chục triệu cây giống sang các quốc gia được xem là cường quốc về trồng hoa như: Hà Lan, Bỉ, Newzealand, Nhật Bản, Mỹ, Đan Mạch, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tại Đà Lạt, Dalat Hasfarm hiện đang là doanh nghiệp nắm giữ gần 90% thị phần hoa xuất khẩu của địa phương. Đây là một trong số ít những thương hiệu hoa tươi của Việt Nam đủ tầm cỡ và năng lực đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường hoa tươi xuất khẩu thế giới.

Ngoài việc sở hữu bộ giống tốt cùng với hơn 320ha trang trại trồng hoa hiện đại, Dalat Hasfarm còn không ngừng mở rộng diện tích sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung bằng cách liên kết với hơn 200 hộ nông dân để trồng hoa. Với cách làm ấy, mỗi năm doanh nghiệp này có thể cung cấp ra thị trường hơn 450 triệu ngọn giống, 200 triệu cành hoa và hàng triệu chậu hoa, trở thành một trong những thương hiệu hoa tươi hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hoa tươi của Dalat Hasfarm hiện đã xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia, và từng được tạp chí Flowers Tech của Mỹ bầu chọn là nhà sản xuất hoa hàng đầu Đông Nam Á.

Với kho báu đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa và giấc mơ làm giàu không bao giờ tắt, Đà Lạt hứa hẹn sẽ sớm trở thành trung tâm hoa xuất khẩu của Đông Nam Á, đưa vùng đất từng được mệnh danh là “tiểu Paris” kiều diễm ở xứ Đông Dương trở thành một “tiểu Hà Lan” của khu vực./.

 
Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Giang, Thanh Hòa

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/da-lat-thu-phu-hoa-xuat-khau-233392.html


top