Chỉ dự kiến sang Việt Nam giúp bạn mình hoàn thành phần cuối của một bộ phim tài liệu nhưng lại vô tình bị mê hoặc bởi chất liệu thổ cẩm mà Cynthia Mann quyết định ở lại Việt Nam. Nhà thiết kế người Úc với các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Future Traditions đã tạo dấu ấn với khách hàng, chủ yếu là người nước ngoài sống tại Việt Nam trong suốt 6 năm qua.
Ở Úc, Cythia Mann từng là nhà sản xuất, giám đốc nghệ thuật của một số bộ phim, cả truyền hình lẫn điện ảnh. Sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ khi có mẹ nhà thiết kế thời trang, bố là họa sĩ thiết kế đồ họa nên Cynthia Mann cũng sớm học khâu vá trên nhiều chất liệu vải. Trong quá trình tham gia sản xuất phim, bà cũng là người thiết kế nhiều trang phục khiến nên lại càng có điều kiện đến với thời trang.
Năm 2014, trong quá trình làm phim cùng người bạn tại Việt Nam, gặp gỡ bà con các dân tộc ở nhiều vùng miền, Cynthia Mann chứng kiến họ đưa các họa tiết quanh cuộc sống vào chất liệu vải, từ đó ai nhìn vào cũng biết đó là trang phục của người dân tộc Thái, Mông hay Dao. Cùng với sự động viên từ mẹ, Cythia Mann đã nghĩ đến việc ở lại Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu việc sử dụng chất liệu vải thổ cẩm của dân tộc thiểu số Việt Nam trong các thiết kế thời trang của mình.
Những ngày đầu ở Việt Nam, tuy gặp khó khăn trong việc giao tiếp vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng Cynthia Mann lại nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người bạn đã từng sinh sống ở đây. Theo thời gian, bà có thêm những người bạn Việt Nam, những người giúp Cynthia Mann tìm hiểu về con người, phong tục của 54 dân tộc ở đây.
Sau hơn 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhà thiết kế người Úc Cynthia Mann chia sẻ bà cảm thấy
hài lòng với quyết định ở lại đây, phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực thời trang. Ảnh: Khánh Long
Bên cạnh những họa tiết thổ cẩm, Cynthia Mann còn tự tay thêu những họa tiết khác
để sản phẩm thời trang của Future Traditions có thêm những điểm nhấn độc đáo. Ảnh: Khánh Long
Nhà thiết kế Úc Cynthia Mann chụp ảnh cùng người bạn Việt Nam của mình, chị Sầm Thị Tình, chủ thương hiệu Hoa Tien Brocade. Ảnh: Khánh Long
Nhà thiết kế Úc Cynthia Mann bên các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Mông trong một chuyến đi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà thiết kế Úc Cynthia Mann chụp ảnh cùng bà con dân tộc Dao trong chuyến đi du lịch của mình.
Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Future Traditions không phải là công sức của riêng tôi, mà là công sức của nhiều người đã giúp đỡ và đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu khi Future Traditions mới ra đời. Cũng như những người khác, tôi đã dành khá nhiều thời gian để đặt tên cho thương hiệu của mình. Bởi với tôi, tên thương hiệu cũng là mong muốn của tôi góp phần tạo ra một tương lai cho ngành dệt may truyền thống của Việt Nam.”, Cynthia Mann chia sẻ.
Trong các thiết kế của mình, Cynthia Mann thường lên ý tưởng cho trang phục sau đó tìm đến một số nơi như Hà Giang, Sapa, Mai Châu, Nghệ An để tìm những chất liệu vải thổ cẩm, phù hợp với màu sắc trong những mẫu thiết kế, sau đó tự tay đo cắt vải, chuyển cho một số thợ may của Việt Nam hoàn thành sản phẩm. Những trang phục thời trang mang thương hiệu của Future Traditions đều được bà phối hợp khá hài hoà trong việc kết hợp màu sắc, chất liệu vải có hoạ tiết khác nhau để tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Ngoài ra, Cynthia Mann thường hay tự tay thêu thùa thêm một số hoạ tiết để sản phẩm thêm đặc sắc hơn.
Trong nhà Cynthia có rất nhiều mảnh gốm sứ vỡ, khi được hỏi bà cười và chia sẻ: “Tôi mất rất nhiều năm mới thu nhặt được những mảnh vỡ này. Mỗi chuyến đi của mình đến các tỉnh của Việt Nam, tôi đều nhặt một chút những mảnh gốm sứ vỡ mà tôi nghĩ có thể biến nó thành sản phẩm. Đến giờ, tôi đã đi gần hết Việt Nam và phụ kiện đi kèm mà tôi nói là khác biệt mang tên thương hiệu Future Traditons chính là những sản phẩm trang sức mà tôi thiết kế, làm từ chính những vật dụng gốm sứ bỏ đi trên những bãi biển.”.
Nhà thiết kế Úc Cynthia Mann đã khiến những mảnh gốm sứ bỏ đi trở thành các phụ kiện trang sức... Ảnh: Khánh Long
... khi chúng được lên ý tưởng thành những trang sức đi kèm quần áo của thương hiệu thời trang Future Traditions. Ảnh: Khánh Long
Những mảnh gốm sứ vỡ được Cynthia Mann tỉ mỉ gọt giũa trở thành những phụ kiện trang sức đặc biệt... Ảnh: Khánh Long
... và đây là thành phẩm trang sức được Cynthia Mann cùng thợ kim hoàn của Việt Nam làm từ những sản phẩm gốm sứ vỡ bỏ đi. Ảnh: Khánh Long
Sản phẩm thời trang của thương hiệu Future Traditions từ chất liệu vải thổ cẩm của Việt Nam có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hàng ngày.
Ảnh: Khánh Long |
Với các sản phẩm trang sức, Cynthia Mann thường lên những thiết kế và chuyển cho anh Trần Huy Hạnh, người thợ kim hoàn lâu năm ở Việt Nam chế tác thành những phụ kiện trang sức khá bắt mắt. Ít ai biết rằng, nó được tái chế từ những mảnh gốm sứ bị người đời vứt bỏ. Được biết, hiện nhà thiết kế Cynthia Mann đang thực hiện một dự án mới, sẽ áp dụng kỹ thuật của Nhật trong việc tạo ra những mảnh mới bằng cách dùng vàng và bạc rồi thêm vào những mảnh gốm sứ cũ để đưa sản phẩm trang sức mang thương hiệu Future Traditions có thêm sự đặc sắc và tinh tế.
Đến nay, các sản phẩm thời trang của Future Traditions thường được nhà thiết kế Cynthia Mann giới thiệu thiết kế của mình qua trang web, Facebook, không gian nghệ thuật Manzi (quán café dành cho người yêu nghệ thuật ở Hà Nội), showroom gác mái của Hanoi Cooking Centre, với khách hàng chủ yếu là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long & Tư liệu nhân vật cung cấp
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/cynthia-mann-nha-thiet-ke-uc-dam-me-tho-cam-viet-239620.html