Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Nhận thức rõ điều này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm tạo cú huých để Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Nhận thức rõ điều này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm tạo cú huých để Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Hộ nông dân Lê Văn Cường ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có 1 ha trồng cà phê đặc sản liên kết với doanh nghiệp chế biến,
mỗi năm thu hoạch khoảng 3,5 tấn cà phê nhân, thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Là khu vực địa hình cao nguyên, có lãnh thổ đồi núi, cao nguyên, chia cắt phức tạp; xa các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các địa phương lân cận còn khó khăn; quy mô nền kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ…
Với nỗ lực trong 20 năm qua, Tây Nguyên đã mở rộng quy mô kinh tế, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả...
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đề ra 6 nhóm giải pháp gồm: Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; Phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Trong Nghị quyết số 23 xác định, để phát triển vùng Tây Nguyên trước hết quy hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng khôi phục, phát triển rừng gắn với giữ vững, bảo vệ rừng hiệu quả, ổn định và nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề gắn với bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên.
Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển Vùng. Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN.
Ngoài ra, Nghị quyết số 23 cũng nhấn mạnh, xây dựng nền văn hoá Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; tôn trọng các giá trị văn hoá khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế. Ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá, giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số, nhất là các lễ hội truyền thống, không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên. Giảm tỉ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận với giáo dục, dịch vụ y tế có chất lượng. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trên tinh thần “cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, đến năm 2030 sẽ đưa Tây Nguyên - "nóc nhà của Đông Dương" trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiến tới một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước vào năm 2045./.
Tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2022, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vinh dự là một trong 3 thành phố
đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2022. Ảnh: TTXVN
Tháng 11/2022, các tỉnh Tây Nguyên đã ký thỏa thuận hợp tác và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng trị giá hơn 5 tỷ USD và 25.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng khu công nghiệp, đô thị, tuyến giao thông kết nối, trung tâm logistic, công trình thủy lợi và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, chế biến nông - lâm sản, khai khoáng...
Bài: VNP Ảnh: TTXVN
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/cu-huych-de-tay-nguyen-vuon-minh-320139.html