Văn hóa

Craft link với người nghèo vùng cao

Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển Thủ công mĩ nghệ (Craft Link) thành lập từ năm 1996, là một tổ chức rất có uy tín trong việc triển khai các dự án đào tạo nghề thủ công cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nhằm giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả và bền vững.
Phụ nữ các dân tộc vùng cao Việt Nam vốn rất khéo tay và biết nhiều nghề thủ công truyền thống như may, thêu, dệt, đan lát... Tuy nhiên, do không biết cách tổ chức công việc và quảng bá sản phẩm nên hầu hết họ không thể tự phát triển kinh tế bằng chính nghề truyền thống của mình.
 

Cuộc sống của phụ nữ dân tộc vùng cao thường gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: Công Đạt

Nguồn thu nhập thêm chủ yếu bằng các công việc may vá, thêu thùa. Ảnh: Công Đạt

Những sản phẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc vùng cao. Ảnh: Công Đạt

Phụ nữ dân tộc vùng cao với nghề thêu truyền thống. Ảnh: Công Đạt

Nắm bắt thực tế ấy, gần 15 năm nay, Craft Link đã đến với nhiều bản làng xa xôi để mở các khóa tập huấn giúp bà con biết cách tổ chức công việc, kĩ năng đo đạc, cắt may, hoàn thiện sản phẩm, quảng bá sản phẩm, làm sổ sách, tính giá thành và bán sản phẩm... Craft Link còn giúp bà con tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống đại lí của mình. Nhờ đó, sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào làm ra không chỉ được bán cho khách du lịch trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mĩ và nhiều nước trên thế giới.
Con đường đến với các bản làng vùng cao, vùng xa của Craft Link xem ra cũng lắm gian nan, vất vả. Nhớ lại những ngày tháng gắn bó với công việc, chị Trần Tuyết Lan, Tổng giám đốc Craft Link kể lại, có lần đoàn dự án của Craft Link lặn lội lên Sa Pa đề nghị giúp đỡ đồng bào Mông ở xã San Sả Hồ nâng cao năng lực sản xuất và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm thủ công mĩ nghệ. Thuyết phục mãi không được, mọi người mới nghĩ
Craft Link là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, và công bằng thương mại của Việt Nam, hoạt động với mục đích trợ giúp các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề, khôi phục nền văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập cho thợ thủ công nghèo.
ra cách dẫn họ sang Tả Phìn (Sa Pa), nơi có một dự án của Craft Link đã triển khai thành công trước đó để tham quan, tìm hiểu thực tế. Sau khi được tận mắt chứng kiến những thành quả mà người dân Tả Phìn đạt được họ mới chịu nghe theo. Thế mới biết, để thuyết phục được bà con dân tộc thiểu số, ngoài công việc và tấm lòng nhiệt tình ra còn cần phải hiểu được tâm lí, văn hóa tập quán của người dân.
Ông Federica Voltoline (Tổ chức Oxfam Italia) người đã tình nguyện cùng Craft Link đến với nhiều vùng dân tộc thiểu số, cho biết: “Những dự án của Craft Link đã giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống và nâng cao văn hoá. Đặc biệt, tôi nhận thấy tổ chức này có một đội ngũ nhân viên rất đam mê và sáng tạo, họ là cầu nối giúp cho những sản phẩm tuyệt vời của đồng bào vùng cao có cơ hội được phát triển và vươn đến với thế giới bên ngoài”.
Điều ấn tượng của tổ chức Craft Link là có đội ngũ nhân viên rất trẻ và chiếm tới 98% là nữ. Với mong muốn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vừa phát triển kinh tế vừa có thể bảo tồn được nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình, họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả tìm đến nhiều bản làng xa xôi để nghiên cứu, tìm hiểu về các ngành nghề truyền thống của người dân địa phương. Từ những chuyến đi thực tế này, họ đã thiết kế ra nhiều mẫu mã hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường rồi đặt hàng người dân sản xuất theo đúng quy trình kĩ thuật truyền thống để xuất khẩu. Nhờ đó mà giá trị văn hóa và kinh tế của các loại sản phẩm truyền thống này được nâng lên một cách rõ rệt.

 
Phụ nữ dân tộc ở Hà Giang lần đầu tiên được xem các mẫu thiết kế sản phẩm thủ công của mình trên máy tính.
Ảnh: TL Craft Link


Chuyên gia của Craft Link hướng dẫn phụ nữ dân tộc vùng cao biết cách tăng thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống của mình.
Ảnh: TL Craft Link

Cán bộ Craft Link đến từng thôn bản hướng dẫn bà con cách làm kinh tế bằng nghề truyền thống. Ảnh: TL Craft Link

Chuyên gia của Craft Link hướng dẫn phụ nữ dân tộc vùng cao cách tính toán giá thành sản phẩm. Ảnh: TL Craft Link

Triển lãm những dự án bảo tồn sản phẩm thủ công truyền thống vùng cao nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập Craft Link.
Ảnh: Công Đạt

Hàng năm, Craft Link còn tổ chức hội chợ thủ công truyền thống tại Hà Nội để đồng bào miền núi vừa có cơ hội giới thiệu các sản phẩm do chính mình làm ra, vừa có thể giao lưu với khách hàng nhằm tìm kiếm mở rộng thị trường. Từ đó có thể quảng bá thêm về nền văn hóa của dân tộc mình.
Cho đến nay, Craft Link đã thực hiện thành công khoảng 30 dự án tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 6.000 người, trong đó đa phần là phụ nữ các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, Tà Ôi, Chăm, Lô Lô, Nùng, Khmer... Trong năm 2011 vừa qua, Craft Link vừa triển khai xong 4 dự án hỗ trợ phát triển nghề truyền thống cho phụ nữ dân tộc Mông, Dao ở Sa Pa (Lào Cai) và Lô Lô ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Nói về những dự định trong tương lai, chị Trần Tuyết Lan cho biết: “Nơi nào có phụ nữ nghèo, có sản phẩm thủ công truyền thống là có bước chân của Craft Link. Chúng tôi muốn đem đến cho phụ nữ nghèo vùng cao ngọn lửa đam mê nghề nghiệp để các sản phẩm thủ công truyền thống đậm bản sắc dân tộc của họ có một chỗ đứng yêu mến trong lòng bè bạn gần xa./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Công Đạt & Tư liệu của Craft Link

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/craft-link-voi-nguoi-ngheo-vung-cao-30414.html


top