Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, sáng 22/11/2015, tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử của Khu vực, là một dấu mốc quan trọng của ASEAN trong 48 năm thành lập và phát triển. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội sẽ giúp khu vực hội nhập sâu rộng hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Và như lời của Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak, ASEAN là nhân tố quyết định, mang lại sự chuyển biến rõ rệt cho Đông Nam Á từ khu vực nghèo nàn, chia rẽ, xung đột, bất ổn trở thành một cộng đồng hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác. Các nước thành viên đã vượt qua các rào cản và khác biệt, cùng xây dựng một cộng đồng "thống nhất trong đa dạng".
Với việc ký Tuyên bố Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN đã hình thành và sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kết thúc quá trình xây dựng Khu vực mà đây mới chỉ là sự khởi đầu. Vì vậy, ngay từ bây giờ các nước thành viên cần phải nỗ lực đoàn kết và hội nhập hết mình để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và phồn vinh như mong đợi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur
về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015. THX/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo các nước dự tiệc chiêu đãi chào mừng Hội nghị
do Thủ tướng Malaysia và Phu nhân chủ trì. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, bên cạnh việc tham gia ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn tham dự một loạt các sự kiện quan trọng khác như: Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 3, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18, Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 18, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 17, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 7, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - New Zealand... Và gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Indonesia...
Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cũng đã trao đổi sâu rộng về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình ở Biển Đông. Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 10. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 3.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 27.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: "Những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực".
Vì vậy, ông cũng đã nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)". Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự chia sẻ và đồng tình của các nước tham dự Hội nghị./.

Cộng đồng ASEAN gồm 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, được hình thành và phát triển dựa trên ba trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Sau khi ra đời, Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn với 625 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội lên tới 2.600 tỷ USD.
|
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/cong-dong-asean-giac-mo-da-thanh-hien-thuc-100496.html