Côn Đảo có thế mạnh là đảo tiền tiêu của Việt Nam lại rất gần các đường hàng hải quốc tế và có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển như du lịch biển, hậu cần nghề cá, dầu khí, vận tải biển… Nếu các tiềm năng này được đánh thức và có cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững thì huyện đảo này sẽ sớm có cơ hội trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Huyện đảo Côn Đảo là quần đảo gồm 16 đảo lớn, nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm trên vùng biển phía Nam Biển Đông của Việt Nam. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Côn Đảo có thế mạnh là đảo tiền tiêu của Việt Nam lại rất gần các đường hàng hải quốc tế và có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển như du lịch biển, hậu cần nghề cá, dầu khí, vận tải biển… Nếu các tiềm năng này được đánh thức và có cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững thì huyện đảo này sẽ sớm có cơ hội trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 185 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km và cách cửa sông Hậu (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) 83 km. Tổng diện tích phần nổi tự nhiên toàn huyện là khoảng 7.578 ha; bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Với vị trí đặc biệt của mình, Côn Đảo không chỉ có lợi thế về phát triển kinh tế biển mà còn có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.
Côn Đảo từng được nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới mô tả là hòn đảo bí ẩn và quyến rũ nhất hành tinh, bởi trong thời kì chiến tranh trước đây nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, còn ngày nay lại được biết đến như một “thiên đường” biển hoang sơ đầy hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam.
Ngày nay, Côn Đảo được biết đến như hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, không khí trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Côn Đảo còn là quần thể di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, biểu tượng cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Được biết, theo định hướng phát triển đến năm 2030, Chính phủ đã xác định: “Côn Đảo là một đảo du lịch đặc sắc, độc đáo có tầm quốc gia và quốc tế. Có môi trường du lịch, môi trường dịch vụ đô thị và môi trường sinh thái biển - đảo hướng tới sự đa dạng, hấp dẫn theo hướng bền vững, phát triển đồng thời bảo vệ được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hoá của đảo, thu hút du khách, dân cư và các nguồn đầu tư phát triển.”.
Về phía địa phương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức xây dựng Đề án “Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là huy động và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ du lịch và dịch vụ chất lượng cao, trên cơ sở chú trọng hiệu quả, chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045 phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.
Xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế của địa phương, thời gian qua huyện Côn Đảo đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội mang tầm quốc gia, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị đặc trưng của văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Côn Đảo. Trong đó, chú trọng các loại hình như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, an dưỡng phục hồi chức năng, vật lí trị liệu chăm sóc sức khỏe, tham quan các đảo nhỏ, trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa… Huyện Côn Đảo cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, truyền thông, quảng bá du lịch trên nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế; liên kết giữa Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo với các vùng trọng điểm phát triển du lịch khác trong tỉnh; liên kết với các khu du lịch, điểm du lịch vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo đón khoảng 2.500 - 3.500 du khách. Ngành du lịch ngày càng khẳng định vị trí chiến lược, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỉ trọng trên 90% trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Côn Đảo hiện có 139 cơ sở lưu trú đang hoạt động, với khoảng 2.700 phòng lưu trú, sức chứa 7.000 người/ngày, công suất phòng bình quân đạt 40%, trong đó có những cơ sở nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Six Senses Côn Đảo.
Để nâng cao khả năng tiếp cận bằng cả đường hàng không và đường biển, huyện Côn Đảo đã báo cáo đề xuất tỉnh làm việc với Hãng hàng không Vietnam Airlines về việc tăng chuyến bay từ Tp. Hồ Chí Minh ra Côn Đảo, tăng hình thức bán vé nối tuyến từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh và tiếp tục từ Tp. Hồ Chí Minh ra Côn Đảo; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ kêu gọi các hãng bay nội địa như Vietjet, Vietnam Airline duy trì chặng bay Hà Nội - Côn Đảo và kết nối với các sân bay khác sau khi Bamboo Airways ngừng bay từ ngày 01/4/2024. Huyện Côn Đảo cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh việc kêu gọi đầu tư và xây dựng mới cảng hàng không để khai thác tàu bay lớn, bảo đảm nhu cầu vận chuyển hành khách.
Có thể nói, nếu biết đánh thức các tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng du lịch, Côn Đảo sẽ sớm là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á./.
- Bài: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
- Ảnh: Thanh Hòa - Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/con-dao-–-danh-thuc-nhung-tiem-nang-380976.html