Nhân kỷ niệm 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Pháp (1973-2014), Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Triển lãm cổ vật Pháp với gần 100 hiện vật phản ánh một phần văn hóa Pháp đã từng hiện diện trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến tháng 6/2015 tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Đông đảo công chúng tham quan Triển lãm đã được chiêm ngưỡng rất nhiều cổ vật phong phú về loại hình và chất liệu qua nhiều bộ sưu tập như: bộ đồ ăn 26 món của giới quý tộc Pháp, cặp bình Bertin, bộ tượng nữ thần biển, Napoléon Bonaparte… và bộ sưu tập đèn dầu, chân đèn với những thiết bị chiếu sáng đã ra đời cách đây hàng ngàn năm.

Gần 100 cổ vật Pháp được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.

Giới sinh viên Tp. Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến cuộc Triển lãm này. |
Gây ấn tượng đầu tiên cho công chúng là bộ đồ ăn có từ thế kỷ 19 được làm bằng gốm phủ men trắng, được cho là đặt riêng cho giới quý tộc Pháp sử dụng. Nét độc đáo của bộ đồ ăn quý tộc này là sự kết hợp hài hòa giữa đề tài trang trí mang đậm phong cách phương Đông với những nét đặc trưng phương Tây. Ví dụ như 2 chiếc đĩa vẽ tích “Trúc lâm thất hiền” thì cả 7 người đàn ông được vẽ đều phục trang theo lối phương Đông nhưng khuôn mặt lại là người Âu. Dưới chân các hiện vật của bộ đồ ăn đều ghi ký hiệu do xưởng Jules Vieillard & Cie (Bordeaux) chế tác vào thế kỷ 19.
Triển lãm cổ vật Pháp cũng giới thiệu đến công chúng cặp bình Bertin được chế tác vào năm 1859. Đây là 2 chiếc trong bộ bình gồm 4 chiếc mang tên Xuân, Hạ, Thu, Đông do Antoine Francois Dalacour chế tác bằng kỹ thuật đổ khuôn vào năm 1859. Cặp bình có chiều cao hơn 1m, đường kính khoảng 0,6m, sau đó được điêu khắc gia Léopold Joseph Gély dùng bột cao lanh đắp nổi các họa tiết. Lịch sử Pháp ghi lại rằng, cặp bình Bertin được cung tiến cho Hoàng đế Napoléon Đệ Tam (1808-1873). Một điều đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử chưa tìm ra nguyên nhân vì sao cặp bình này “lưu lạc” đến Việt Nam sau bao biến thiên của lịch sử.
Ngoài ra, công chúng còn được thưởng lãm chiếc đĩa gốm màu vẽ chân dung ông Fouquier Tinville ghi năm 1793. Được biết, Fouquier Tinville là công tố viên khét tiếng trong thời kỳ Cách mạng Pháp (1789-1799). Ông này đã buộc tội và đưa nhiều nhân vật nổi tiếng của Pháp thời bây giờ lên đoạn đầu đài như: Hoàng hậu Marie Antoinette, nhà hóa học vĩ đại Antoine Laurent de Lavoisier, Elisabeth (em gái vua Louis 16), Barry (ái phi của vua), nhà thơ André Chénier, tướng Hoch…
Riêng bức tượng Napoléon Bonaparte (1769-1821) trong tư thế ghì cương ngựa nổi bật ở bộ sưu tập tượng trang trí chất liệu đồng. Chính tư thế của người và ngựa cũng như trang phục của Napoléon Bonaparte đã cho thấy bức tượng được phỏng theo bức tranh nổi tiếng Đệ nhất Tổng tài vượt dãy Alpes trên đèo Srand Saint Bernard (để tiến vào đất Ý) do danh họa Jacques Louis David thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 1800 đến 1803.

Tượng Napoleon bằng kim loại, cuối thế kỷ 19.

Thố có nắp bằng sứ, thế kỷ 19.

Bình trà sứ thế kỷ 19.

Bình Bertin được chế tác vào năm 1859.

Đĩa chân cao sứ, thế kỷ 19.

Chiếc đĩa gốm màu vẽ chân dung ông Fouquier Tinville ghi năm 1793.

Bình bằng kim loại cuối thế kỷ 19.

Đĩa sứ, thế kỷ thứ 19.

Đĩa in hình phụ nữ Pháp thế kỷ 19.

Đèn kim loại, thế kỷ 19.

Đèn dầu, thế kỷ 19.

Chân đèn kim loại, thế kỷ 19.

Nét độc đáo của bộ đồ ăn quý tộc này còn là sự kết hợp hài hòa
giữa đề tài trang trí mang đậm phong cách phương Đông với những nét đặc trưng phương Tây. |
Mỗi một cổ vật hay bộ sưu tập trong Triển lãm cổ vật Pháp đều gắn với những hoàn cảnh thú vị, tạo sự hấp dẫn cho công chúng đến tham quan, thưởng lãm. Triển lãm còn phản ánh một phần văn hóa Pháp đã từng hiện diện trong dòng chảy của lịch sử văn hóa Việt Nam vốn rất đa dạng và phong phú./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/co-vat-phap-trong-dong-chay-van-hoa-viet-69345.html