Tin tức

Cơ hội Kết nối chính quyền với doanh nghiệp Việt Nam - Pháp

Sáng 15/4, tại Hà Nội, tiếp tục diễn ra Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 với phiên Kết nối do UBND thành phố Hà Nội chủ trì.
  Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thành phố Rennes (Pháp). Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, tại thành phố Lille (Pháp). Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này liên tục được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.

Diễn đàn là cơ hội để kết nối chính quyền các thành phố và nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Pháp. Tại phiên Kết nối diễn ra các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Trong đó, UBND thành phố Hà Nội tham gia phiên kết nối với Hiệp hội quốc tế các vùng nói tiếng Pháp (AIRF) và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp ABVietfrance về phát triển kinh tế của các vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp thông qua việc thiết lập, thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực giữa chính quyền, doanh nghiệp, đối tác của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trải qua thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19, nhờ chính sách đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong thời gian tới, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Pháp sẽ là rất lớn.  

"Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi các vấn đề, tăng cường hợp tác địa phương, thích ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế; góp phần thúc đẩy hợp tác đa dạng trên các lĩnh vực chính như văn hóa, kinh tế, du lịch… là cầu nối giữa doanh nghiệp địa phương với đại diện doanh nghiệp của Pháp", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Việt Nam và Pháp cũng có những tiền đề quan trọng để mở rộng hợp tác đầu tư. Trong khi Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Pháp là thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu. Hai nước đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA). 

Diễn đàn cũng là cơ hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các địa phương Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hội nhập quốc tế.

Diễn đàn góp phần tuyên truyền, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP; xác định đây là nguồn lực rất quan trọng bên cạnh nguồn lực đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2025 của đất nước./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/co-hoi-ket-noi-chinh-quyen-voi-doanh-nghiep-viet-nam-phap-328633.html


top