Tin tức

Chuyên gia Trung Quốc nêu các yếu tố then chốt giải quyết ô nhiễm không khí

Trong khuôn khổ “Triển lãm Kinh tế Khí tượng lần thứ nhất”, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc Vương Hội Quân, khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Trung Quốc, cho biết để ứng phó hiệu quả với vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay của Việt Nam, chính phủ và người dân cần đồng lòng, với quyết tâm cao trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, kiểm soát nguồn phát thải, đồng thời kiên định đi theo con đường phát triển sạch và bền vững.
  Ông Vương Hội Quân, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ảnh: Quang Hưng – PV TTXVN tại Trung Quốc.  

Ông Vương Hội Quân nhấn mạnh rằng ô nhiễm không khí thực chất là một phần trong tổng thể vấn đề ô nhiễm môi trường. Hầu hết các quốc gia đều đã trải qua quá trình phát triển theo mô hình “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Từ thực tiễn, ông nêu ra ba bước then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm:

Bước thứ nhất là giám sát và xác định rõ nguồn gây ô nhiễm. Mỗi loại chất gây ô nhiễm cần có phương pháp xử lý khác nhau. Chỉ khi xác định rõ nguồn thì mới có thể đưa ra các biện pháp phù hợp. Bước thứ hai là chính phủ và toàn xã hội phải cùng chung tay kiểm soát nguồn ô nhiễm. Nguồn ô nhiễm bao gồm khí thải công nghiệp, khí thải giao thông, sản xuất xi măng và các hoạt động công nghiệp khác – tất cả đều phải được quản lý nghiêm ngặt. Chính phủ cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và người dân cũng cần tích cực tham gia. Bước thứ ba là đảm bảo cơ chế dài hạn, tránh tái phát ô nhiễm. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để đảm bảo chất lượng không khí được cải thiện bền vững. Theo ông, nếu chỉ xử lý theo kiểu phong trào hoặc chiến dịch thì hiệu quả khó duy trì lâu dài. Do đó, cần sự chung tay của toàn xã hội cùng với thể chế pháp luật để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí.

Ông Vương Hội Quân cho biết xét từ góc độ nghiên cứu cơ bản, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư lượng lớn tài chính cho việc giám sát và xác định nguồn ô nhiễm. Ông cho rằng Việt Nam hiện đang ở giai đoạn cần đẩy mạnh giám sát và thu thập dữ liệu nền tảng, từ đó phục vụ nghiên cứu khoa học, xác định rõ nguồn gây ô nhiễm và thực hiện các biện pháp xử lý. Đồng thời, cần có quyết tâm từ chính phủ và sự tham gia của toàn dân để kiểm soát khí thải và tiến tới phát triển xanh. Ông cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế xanh, bao gồm phát triển năng lượng sạch và khuyến khích xe năng lượng mới. Chỉ bằng cách xử lý tận gốc nguồn phát thải và chuyển đổi mô hình tiêu dùng năng lượng theo hướng xanh, mới có thể xây dựng môi trường sinh thái trong lành, với bầu trời xanh, nước sạch và núi non xanh tươi.

Cũng đưa ra quan điểm tương tự, ông Hứa Tiểu Phong, Hội trưởng Hiệp hội Dịch vụ Khí tượng Trung Quốc cho rằng không chỉ các nước đang phát triển mà cả các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ cũng từng trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, các nước này đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể chất lượng môi trường sinh thái.

Theo ông Hứa Tiểu Phong, Trung Quốc cũng từng trải qua quá trình như vậy và trong khoảng 10 năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí và đạt được những thành tựu đáng kể. Ông nhấn mạnh, muốn giải quyết vấn đề môi trường, điều quan trọng nhất là phải giảm thiểu tối đa nguồn gây ô nhiễm ngay từ đầu. Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ ban hành các chính sách pháp luật liên quan mà còn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp bảo vệ môi trường. Hiện nay, ngành công nghiệp môi trường của Trung Quốc có quy mô rất lớn, với hàng trăm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Các doanh nghiệp này tích cực nghiên cứu và áp dụng công nghệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và ứng dụng năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát triển xe năng lượng mới (xe điện), không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường. Ông khẳng định xe năng lượng mới góp phần quan trọng trong phát triển xanh, giảm phát thải khí. Vì vậy, biện pháp then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là sự hợp tác giữa chính phủ và thị trường, cùng thúc đẩy công cuộc bảo vệ môi trường.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Khương Đồng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu, Viện trưởng Viện Quản lý Khí hậu và Môi trường, Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh cho biết Trung Quốc đã thực hiện nhiều công việc quan trọng trong lĩnh vực này, chủ yếu ở hai phương diện: Thứ nhất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu – tức là giảm phát thải khí CO₂, hướng tới phát triển ít hàm lượng carbon, xanh và thân thiện môi trường. Thứ hai, thích ứng với biến đổi khí hậu – Trung Quốc đã ban hành chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và các địa phương cũng xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể.

Ngoài ra, từ chính phủ đến doanh nghiệp, địa phương và từng cá nhân, Trung Quốc cũng thông qua tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường… để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn xã hội. Ông Khương Đồng nhấn mạnh công tác giảm nhẹ biến đổi khí hậu chủ yếu là trách nhiệm của chính phủ và doanh nghiệp, còn công tác thích ứng cần có sự tham gia của toàn xã hội. Chỉ khi hình thành lối sống và mô hình sản xuất xanh mới có thể cùng xây dựng một thế giới sạch đẹp./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/chuyen-gia-trung-quoc-neu-cac-yeu-to-then-chot-giai-quyet-o-nhiem-khong-khi-402992.html


top