Nghề Việt

Chuôn Ngọ: Làng nghề khảm trai ốc nức danh Bắc Bộ

Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú  Xuyên, Hà Nội mặc dù trải qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng như bị mai một, nhưng chính những người thợ khảm trai tâm huyết trong làng mà nghề khảm trai vẫn đang được gìn giữ và phát huy.  Theo truyền thuyết và thần phả đình làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XI-XVI, do ông Trương Công Thành, một tướng văn võ song toàn đời Lý (1009 - 1225) gây dựng nên. Ông được dân làng suy tôn là ông tổ nghề và hiện ở đình làng vẫn thờ ông.

Từ những vỏ trai, vỏ ốc xù xì, vô tri vô giác, qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của những người thợ làng Chuôn Ngọ đã trở thành những sản phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao.

Để làm ra một sản phẩm khảm trai, phải qua rất nhiều công đoạn như ép vỏ trai, vẽ mẫu trên giấy, vẽ họa tiết lên các mảnh trai, cắt cưa trai theo hoa tiết mẫu, đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm, đánh bóng ...



Công đoạn ép vỏ trai.


Vẽ bản mẫu trên giấy trước khi khắc trên gỗ.


Những người thợ miệt mài sáng tạo bên bức tranh khảm trai.


Từ đôi bàn tay khéo léo người thợ khảm trai làng Chuôn Ngọ đã tạo nên bức tranh độc đáo.


Người nghệ nhân già đang miệt mài sáng tạo bên bức tranh khảm trai của mình.



Những chiếc hộp đựng giấy ăn nhỏ xinh được khảm trai tinh xảo.


Để làm một bức tranh khảm trai đẹp các nghệ nhân đã tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Vỏ ốc, vỏ trai là nguyên liệu chính làm nên cái hồn của tranh, ở Chuôn Ngọ ngoài vỏ trai, vỏ ốc trong nước còn nhập từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia... Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại: trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm, trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân, trai ngọc bên trong có lớp màu óng ánh tựa sắc cầu vồng. Những vỏ ốc đỏ được coi nguyên liệu quý hiếm dùng tạo cảnh núi non, cánh phượng, cánh công hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa trong các bức khảm.
Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng hoặc ngày 9 tháng Tám (âm lịch) , làng Chuôn Ngọ tổ chức lễ lớn để tưởng nhớ công lao của tổ nghề khảm trai. 


Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ đường nét sắc sảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, hơn hẳn các sản phẩm khảm trai ốc nơi khác. Vì vậy, giá của một sản phẩm tương đối cao, ví dụ như tủ chè, sập gụ khảm ốc có giá từ 20-100 triệu đồng tùy theo chất liệu khảm, tủ chè gỗ trắc khảm ốc đỏ giá từ 80-200 triệu đồng. Nhiều sản phẩm thủ công của Chuôn Ngọ đã vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản.

Nghệ nhân Nguyễn Thuyết Trình, một nghệ nhân làng nghề cho biết, trước đây, hầu hết những sản phẩm của làng là khảm trai trên các khay trà trong triều đình và khảm trên những chiếc bàn tiệc của vua, chúa và hoàng hậu, chiếc khay khảm trai được đặt trên những chiếc sập khảm trai là biểu tượng cho sự sang trọng và chỉ những người giàu có và các nhà nho mới có được những đồ vật đó.



Bức tranh khảm trai Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán.


Bức khảm trai Thần Tài.


Bức tranh chùa Một Cột độc đáo.


Màu sắc độc đáo của một bức tranh khảm trai.


Bức tranh khảm trai hoa cúc trong bộ tranh Tứ quý.



Một chiếc quạt gỗ được khảm trai rất tinh tế.


Bức tranh Bình minh trên vịnh Hạ Long.


Một bức tranh khảm trai độc đáo, cầu kỳ của người thợ làng Chuôn Ngọ.

Sự tinh tế và lòng say mê nghề đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người dân nơi đây và được truyền từ đời này qua đời khác, người dân làng Chuôn Ngọ luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nó ngày càng phồn vinh.

Những năm qua, nhờ có sự phát triển của du lịch làng nghề mà nhiều du khách đã biết danh tiếng làng nghề và tới thăm, tận mắt chứng kiến tài hoa của những người thợ Chuôn Ngọ. Với tài năng và bàn tay khéo léo của những người thợ khảm trai,  hy vọng Chuôn Ngọ sẽ trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.


Làng Chuôn Ngọ cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến địa phận xã Đỗ Xá, huyện Thường Tín, rẽ vào Quốc lộ 1 (cũ), theo hướng về huyện Phú Xuyên, rồi hỏi đường về xã Chuyên Mỹ.


 
Bài và ảnh: Trịnh Bộ

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/chuon-ngo-lang-nghe-kham-trai-oc-nuc-danh-bac-bo-235303.html


top