Asean

Chung tay bảo vệ nguồn nước sông Mekong

Đứng trước những thách thức không nhỏ như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, hoạt động khai thác và sử dụng thiếu bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực Mekong, mới đây các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã họp tại Lào, nhất trí cùng đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.

Đứng trước những thách thức không nhỏ như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, hoạt động khai thác và sử dụng thiếu bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực Mekong, mới đây các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã họp tại Lào, nhất trí cùng đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.


Hội nghị thống nhất các thỏa thuận/ kế hoạch để đạt được các kết quả của Chiến lược phát triển lưu vực Mekong giai đoạn 2021-2030, với 5 ưu tiên gồm: Cải thiện các chức năng sinh thái của sông Mekong vì một môi trường lành mạnh và cộng đồng có năng suất sản xuất cao; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước và tài nguyên liên quan vì phúc lợi của cộng đồng; tăng tính bền vững của các hoạt động phát triển để hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm; nâng cao khả năng chống chịu trước rủi ro khí hậu và thảm họa và tăng cường hợp tác cấp khu vực theo quan điểm toàn lưu vực.


Bên cạnh những thành tựu chung, các nước đã chia sẻ về những giải pháp hiệu quả liên quan đến phát triển bền vững và quản lý môi trường của lưu vực sông Mekong. Trong những năm gần đây, với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên khác của Ủy hội, các đối tác quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhất là của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việt Nam đã xây dựng công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và Cống đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp. Các công trình này kết hợp với tuyến đê biển tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Đồng thời còn cung cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Qua đó cũng sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp.


Cùng với đó, Việt Nam đã nghiên cứu, phổ biến những giải pháp cải tạo đất phèn hiệu quả đến bà con vùng ĐBSCL, để góp phần tăng năng suất cho cây trồng trong khu vực. Đẩy mạnh triển khai mô hình canh tác "thuận thiên" như luân canh lúa- tôm… Từ đó hướng tới mục tiêu dài hơi hơn là giúp nông dân địa phương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm giá trị mang thương hiệu đặc thù. Khi đó, địa phương sẽ hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hữu cơ, thu hút khách thập phương đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm du lịch nông nghiệp hữu cơ.

Đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách, vì thế cần đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong hợp tác giữa các quốc gia ven sông, hợp tác với các đối tác phát triển, tiếp tục hợp tác với các đối tác tiềm năng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định; đổi mới trong các cơ chế huy động nguồn lực…./.

Bài: VNP  Ảnh: TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/chung-tay-bao-ve-nguon-nuoc-song-mekong-330527.html


top