Thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chùa cổ Tôn Thạnh có lịch sử hơn 200 năm tuổi, là nơi Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một chí sĩ yêu nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1859 - 1861 đã sống và viết những áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà…
Theo sử liệu, chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808). Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Thiền sư Viên Ngộ thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng còn gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ, Lão Ngộ.
Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất Long An ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chùa Tôn Thạnh trông “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa.
Một góc vườn chùa trồng cây cảnh và non bộ tạo cảm giác yên bình trong chùa Tôn Thạnh.
Mái ngói chùa có nhiều hoa văn cổ rất đẹp.
Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ thu hút nhiều khách hành hương và du lịch. |
Mười sáu năm sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian 3 năm (1859 - 1861), nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và bốc thuốc trị bệnh cứu người. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (1861), một trong ba cánh nghĩa quân Cần Giuộc đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Hai Phú Lang Sa (cách gọi quân Pháp lúc bấy giờ theo phiên âm Hán-Việt). Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người “dân ấp, dân lân”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tại chùa Tôn Thạnh.
Hiện dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998. Ngoài ra, trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác, cao 4,5m của Tổ sư Viên Ngộ với tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” và tháp Tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3m.
Qua nhiều lần trùng tu, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ‘’rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng’’ như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, hành lang phía đông, hành lang phía tây, mái ngói, tường gạch. Tuy nhiên, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng và giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110cm, đúc bằng đồng.
Chánh điện chùa Tôn Thạnh.
Nhà sư trụ trì bên quả chuông cổ có từ thời xây dựng chùa Tôn Thạnh.
Trải qua nhiều năm lịch sử, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ gần như nguyên vẹn nét cổ kính với phần lớn các chi tiết gỗ,
nhiều pho tượng bằng đất nung... |
Tượng Phật tổ trong chánh điện.. |
Tượng Địa Tạng Vương Bồ tát. |
Trích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong chùa Tôn Thạnh.
. |
Tấm bia lưu lại dấu tích của cụ đồ Chiểu từng viết văn,
dạy học và chỉ đạo nghĩa sĩ Cần Giuộc kháng Pháp. |
Đến viếng chùa Tôn Thạnh, thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén nhang tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào, chắc hẳn chuyến tham quan của du khách sẽ trở nên thú vị và bổ ích hơn rất nhiều./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/chua-co-ton-thanh-42223.html